Phó chủ tịch của DANUSTAR nhấn mạnh đến việc hoàn thiện các cơ chế và giải quyết những khó khăn hiện nay cho cộng động SMEs là động lực phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyễn Sửu |
Sáng nay (2/8) tại Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố (DANUSTA) phối hợp với Công ty TNHH Nghiên cứu Kinh tế và Xuất bản J.A.Alpha Cheinail – Tamil Nadu Ấn Độ tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) – Động lực phát triển kinh tế”. Tới dự Hội thảo, có lãnh đạo TP Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, cùng đại diện các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến tham dự.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay thành phố có trên 16 ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 96% trên tổng số doanh nghiệp. SMEs tại Đà Nẵng giúp tăng trưởng về kinh tế, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, góp phần ổn định kinh tế xã hội, lấp khoảng trống của thị trường, phát triển công nghiệp phụ trợ, thu hút nguồn vốn, luân chuyển dòng vốn trong xã hội, tạo động lực cho sự phát triển của thành phố trong tương lại. Chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, tính năng động của SMEs sẽ tạo ra động lực cho phát triển kinh tế, đồng thời cơ quan quản lí cần tạo lập cơ chế thông thoáng để khơi dậy nguồn lực doanh nghiệp và nhân dân. Tuy nhiên, cộng đồng SMEs vẫn còn hạn chế về nguồn lực, khó tiếp cận và thiếu nguồn vốn, quy mô nhỏ, dễ tổn thất khi gặp rủi ro, chất lượng lao động thấp và hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh.
Ông Hồ kỳ Minh - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Sửu |
Ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng (DANUSTA) chỉ rõ: Cộng đồng SMEs hiện đang chiếm đa số trong nền kinh tế, loại hình doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng, nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội phục vụ đầu tư, xoá đói giảm nghèo. Sau 10 năm, số tiền thuế mà cộng đồng SMEs đóng góp Nhà nước tăng 18,4 lần, tạo ra 40 % cơ hội cho dân cư tham gia đầu tư hiệu quả. Tại Đà Nẵng, SMEs chiếm khoảng 96% trong tổng số doanh nghiệp đăng kí, đóng góp GDP 45% và tạo việc làm cho 60% lao động toàn thành phố.
Đại diện các doanh nghiệp Quốc tế tham dự Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Sửu |
Bên cạnh những thành tựu, khối SMEs vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến chậm phát triển và có nguy cơ tụt hậu trong cơ cấu nền kinh tế. Theo ông Huỳnh Phước, những điểm tồn tại đó xuất phát từ vấn đề thiếu vốn đầu tư, công nghệ, bất cập về trình độ quản lí và chất lượng nguồn nhân lực (riêng Đà Nẵng, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 45% vào cuối năm 2015), hạn chế trong năng lực tiếp cận với các chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế trong kinh doanh. Đa số cộng đồng SMEs chưa tham gia được vào việc liên kết chuỗi giá trị sản xuất, thiếu đồng bộ và khả năng quản trị doanh nghiệp.
Toàn cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Sửu |
Từ mô hình phát triển của Đà Nẵng, cần phải chú ý nâng cao vai trò của các SME không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, hơn thế sẽ trở thành động lực của thành phố Đà Nẵng trong phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Ông Huỳnh Phước nhấn mạnh.
Cùng ngày, đại diện các doanh nghiệp, nhà quản lí và đơn vị trên địa bàn thành phố đã tiến hành trình bày tham luận, báo cáo, nêu bật thành tựu và những hạn chế để cùng thảo luận, tìm cách tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phương pháp tiếp cận hiệu quả trong đầu tư để cùng phát triển.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.