Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, sau hai năm soạn thảo. Trong đó, điều 12 quy định lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải hành khách, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo kéo rơ moóc, semi rơ moóc...
Thiết bị giám sát hành trình phải bảo đảm các yêu cầu lưu giữ thông tin gồm: hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe, thời gian làm việc của lái xe trong ngày, hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Theo Ban soạn thảo, điểm mới của quy định là thiết bị giám sát hành trình phải tích hợp thêm hình ảnh người lái xe so với bộ thiết bị giám sát hiện nay. Việc này nhằm theo dõi hoạt động của người lái trên đường, đảm bảo an toàn giao thông.
Để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, Bộ Giao thông vận tải đưa ra lộ trình áp dụng thiết bị này với xe du lịch, xe hợp đồng từ 1/7/2022; với xe khách tuyến cố định, xe buýt, xe container, xe đầu kéo kéo rơ moóc từ 1/7/2023; xe tải trên 20 tấn từ 1/7/2024; các loại xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ như taxi, Grab từ 1/7/2025.
Đánh giá tác động của quy định này, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện nay có khoảng 340.000 xe sẽ phải thay thế, bổ sung thiết bị giám sát hành trình có chức năng cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe.
Trên thị trường, một bộ thiết bị giám sát hành trình có chức năng ghi nhận và truyền dữ liệu hình ảnh có giá vào khoảng 4,5 - 5,5 triệu đồng, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120.000 đồng mỗi xe trong một tháng. Như vậy, chi phí lắp đặt thiết bị ước tính từ 1.500 đến 1.900 tỷ đồng và chi phí duy trì máy chủ và đường truyền vào khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho rằng, việc lắp thêm camera trên xe là không hợp lý vì làm tăng chi phí đầu tư cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp không thể bố trí người ngồi xem camera hàng ngày để giám sát hoạt động của lái xe.
"Doanh nghiệp luôn thay đổi lái xe, nhiều người nghỉ việc hàng ngày nên nếu phải đăng ký lái xe cố định sẽ gây mệt mỏi cho nhà xe", ông Liên nói. Theo ông, các quy định hiện hành như kiểm tra sức khỏe lái xe, đăng ký lý lịch xe là đủ, không cần thiết phải kiểm tra hình ảnh của người lái.
Đại diện Doanh nghiệp vận tải Hà Sơn - Hải Vân cho biết, đơn vị này đã lắp thiết bị hành trình trên toàn bộ xe khách để ghi tốc độ và hành trình chạy xe, tích hợp camera chụp ảnh lái xe khoảng 10 phút/lần. Nếu phải lắp đặt thêm camera để ghi lại hình ảnh dạng clip thì sẽ phải tăng chi phí lắp đặt và phải thêm ổ cứng trên xe.
"Việc chụp ảnh lái xe có thể tăng tần suất ảnh chụp 2-3 phút/lần thay vì lưu trữ hình ảnh dạng clip, sẽ đỡ tốn kém chi phí cho doanh nghiệp và không cần thiết", đại diện nhà xe nói.
Bày tỏ đồng tình với chủ trương của Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, cho rằng việc giám sát hành khách hay lái xe qua camera đều cần thiết vì sẽ phát hiện được nếu xe đón khách dọc đường, nhồi nhét khách, lái xe nghe điện thoại, ngủ gật... Hình ảnh này có thể rà soát để xử lý kịp thời hay phục vụ hậu kiểm, tai nạn.
Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, vấn đề lo ngại nhất là các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư thêm thiết bị, tăng chi phí hàng nghìn tỷ, đồng nghĩa tăng chi phí xã hội. Nếu doanh nghiệp không nhận thức được tầm quan trọng của thiết bị giám sát hành trình thì họ sẽ lắp thiết bị theo cách đối phó như lắp hàng kém chất lượng, dễ hư hỏng hoặc không sử dụng.
"Bộ Giao thông vận tải cần lấy ý kiến rộng rãi, giám sát hoạt động lái xe là tốt song nếu lắp đặt ồ ạt sẽ gây lãng phí", ông Thanh nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.