Việc đổi màu biển số chỉ đi ngược xu hướng và gây chồng chéo trong quản lý. |
Sau khi tiếp thu ý kiến của Thủ tướng Chính Phủ và dư luận xã hội, Bộ GTVT đã bỏ quy định xe ô tô dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử không phải gắn hộp đèn cố định trên nóc xe. Thay vào đó, quy định xe hợp đồng điện tử chỉ có phù hiệu “Xe hợp đồng” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước và kính sau của xe. Kích thước tối thiểu của cụm từ “Xe hợp đồng” là 6 x 20cm và phải được làm bằng vật liệu phản quang.
Tuy nhiên mới đây Bộ Công an lại đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư về đăng ký xe, trong đó đề xuất đổi biển số hiện nay của các loại xe vận tải hàng hóa, hành khách sang loại biển số mới có màu nền vàng cam, chữ số màu đỏ. Nếu được thông qua, việc cấp biển số màu mới sẽ bắt đầu từ tháng 1 cho đến hết tháng 12/2020. Chi phí đổi màu biển số là 150.000 đồng theo quy định hiện hành, với gần 1 triệu phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải sẽ phát sinh chi phí khoảng 150 tỷ đồng.
Đề xuất này đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều về việc gây phiền hà, tăng chi phí vận tải cho cả tài xế và người dân sử dụng loại hình dịch vụ xe công cộng. Anh Huỳnh Kim Long (41 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) gắn bó với xe công nghệ từ những ngày đầu bức xúc nói: “Tôi đang chạy dịch vụ xe công nghệ 4 chỗ thấy những quy định quản lý hiện tại của nhà nước rất phù hợp cho tài xế, nếu phải đổi biển số sang màu vàng chỉ phát sinh chi phí và mất thời gian. Đó là chưa kể khi đổi biển thì xe phải nằm nhà không hoạt động được, muốn đổi biển nhanh lại mất chi phí “bôi trơn”. Không những thế nếu tôi muốn bán xe hoặc không kinh doanh vận tải nữa thì lại mất tiền đổi màu biển số xe thêm một lần nữa thực sự là phiền hà và tốn kém cho người dân”.
Tài xế Huỳnh Kim Long (41 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM). |
Việc đổi màu biển số sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc đến các tài xế có nhu cầu tham gia vào kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đối với nhiều tài xế công nghệ, gắn biển vàng lên phương tiện cá nhân của mình cũng không khác nhiều so với việc phải gắn hộp đèn định danh, vì họ không muốn xe ô tô cá nhân của mình bị nhận dạng là xe kinh doanh và phải chịu những quy định ngặt nghèo hơn kể cả khi hoạt động với mục đích cá nhân. Đồng thời, việc này cũng sẽ làm tăng giá thành di chuyển và gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, trong khi quy định này không giúp ích gì nhiều hơn cho cơ quan quản lý so với các quy định hiện hành.
Nhiều lái xe đang kinh doanh loại hình vận tải xe công nghệ bày tỏ sự lo lắng khi được hỏi về đề xuất đổi màu biển số xe kinh doanh vận tải của Bộ Công an. Ông Nguyễn Nông Phu (50 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM) chạy xe công nghệ được hơn 1 năm cho rằng: “Xe của tài xế bỏ tiền ra mua đầu tư, chúng tôi hoạt động đúng theo quy định của Nhà nước và đóng thuế trên mỗi cuốc xe. Cả xã hội đều thấy rõ và đánh giá xe công nghệ phục vụ chất lượng tốt, cước phí rẻ nên được hành khách lựa chọn sử dụng. Vậy tại sao phải quy định đổi màu biển số vừa rườm rà và gây bất tiện về thủ tục quản lý. Chúng tôi chỉ mong muốn Thủ tướng Chính phủ sẽ có cái nhìn nhận thực tế theo xu hướng công nghệ phát triển để vừa đảm bảo được quyền lợi cho tài xế vừa mang lại những tiện ích phục vụ cho người dân”.
Các tài xế cho rằng việc quản lý xe công nghệ như hiện nay là phù hợp với thực tế. |
Là người thường xuyên sử dụng dịch vụ xe taxi và xe công nghệ chị Nguyễn Thị Hương (34 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM) quan ngại: “Tôi thấy việc quản lý như hiện tại là rất phù hợp cho cả tài xế lẫn người dùng, điều này Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhận thấy. Vì vậy việc quy định xe taxi hay xe công nghệ đổi màu sơn biển số sẽ phát sinh hàng loạt chi phí khi đó cước phí di chuyển tăng, chắc chắn người dùng phải gánh chịu. Đặc biệt nếu đổi màu sơn biển số thì số lượng tài giảm thì việc đặt xe sẽ khó khăn hơn. Chưa kể việc đổi màu sơn biển số cũng gây bất tiện cho hành khách sử dụng xe công cộng”.
Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng ứng dụng xe công nghệ là loại hình kinh tế chia sẻ sử dụng nguồn xe nhàn rỗi của người dân, việc thay đổi màu biển số sẽ ép chết một số lượng xe tư nhân không hành nghề "kinh doanh chuyên nghiệp" một khi nguồn xe giảm sẽ gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc đặt xe di chuyển. Chưa kể khi nguồn cung giảm mà cầu vẫn tăng, tất yếu giá tiền cước sẽ tăng lên thì chắc chắn khách hàng lại phải gánh chịu những chi phí đó.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.