Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình yêu cầu các cơ quan chức năng "dồn lực" đảm bảo trật tự ATGT, quyết tâm kéo giảm TNGT đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn cao điểm cuối năm |
Giảm nhiều tồn tại về ATGT
Nhìn lại 3/4 chặng đường của năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đánh giá, đây là năm công tác đảm bảo trật tự ATGT đã chuyển biến rất tích cực, nhất là khi TNGT liên tục giữ đà giảm mạnh nhất trong nhiều năm qua. Cùng với đó, hàng loạt các hoạt động đã tạo được hiệu ứng lớn, thực sự đi sâu vào cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, trật tự ATGT hiện vẫn còn diễn biến phức tạp, nổi bật nhất là vẫn còn nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, gây lo lắng trong nhân dân. Trong những tháng đầu năm đã liên tục xảy ra các vụ TNGT do sử dụng rượu bia và chất kích thích, gây bức xúc trong dư luận.
“Những hình ảnh xe tải đâm hàng loạt người trong thời điểm đầu năm, người chồng chở vợ và hai con đâm vào hộ lan khiến ba mẹ con thiệt mạng thật sự là nỗi đau thương tột cùng”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình bày tỏ.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định: “Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp để xử lý những điểm tồn tại của công tác đảm bảo trật tự ATGT. Điều đáng mừng là trong quý III/2019, cả 3 tiêu chí đều đã giảm”.
Trong sự chuyển biến tích cực đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương ngành GTVT đã thực hiện nghiêm chỉ đạo về chấn chỉnh kết cấu hạ tầng, xử lý “điểm đen” TNGT và siết chặt quản lý chất lượng dịch vụ vận tải. Đội ngũ y bác sỹ cả nước đã nỗ lực rất lớn trong việc cứu chữa nạn nhân TNGT, kéo giảm thiệt hại về người do TNGT gây nên. Thủ tướng Chính phủ đã gửi thư khen ngợi và động viên đối với lực lượng CSGT và bộ phận thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia đối với những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trong thời gian vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT. TP. Hà Nội đã có nhiều giải pháp bảo đảm ATGT và khắc phục UTGT như: nâng cao tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của người đi mô tô, xe gắn máy; cấp thẻ đi xe buýt miễn phí cho người cao tuổi; kiên quyết lập lại trật tự ATGT đường sắt, được nhân dân đồng tình ủng hộ. TP. Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, giám sát giao thông đô thị, đem lại nhiều kết quả tích cực.
Chính phủ cũng biểu dương 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2018, trong đó 22 địa phương giảm trên 10% số người chết như: Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tây Ninh, Lào Cai, An Giang, Bến Tre, Lai Châu, Đắk Nông, Phú Yên, Đồng Tháp, Cao Bằng, Bình Định, Nam Định, Kon Tum, Quảng Trị, Cà Mau, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Gia Lai, Sơn La, TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tây Ninh, Lào Cai, An Giang, Bến Tre giảm trên 30% số người chết do TNGT.
Nhiều giải pháp kéo giảm TNGT
Lực lượng chức năng tăng cường hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật giao thông đường bộ |
Trước những thách thức còn hiện hữu, đặc biệt hai tháng cuối năm là thời điểm tình hình trật tự ATGT diễn biến phức tạp nhất năm, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu: “Các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm của đơn vị, cá nhân để chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả hơn những giải pháp. Các đồng chí chủ tịch UBND các địa phương căn cứ tình hình thực tế trên từng địa bàn để đề ra các giải pháp thiết thực nhằm giảm TNGT, khắc phục UTGT, phấn đấu cuối năm có thể đạt được mục tiêu đề ra”.
Trong nhiều năm qua, dù đặt ra mục tiêu giảm TNGT cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương từ 5 đến 10%, nhưng chỉ trong năm nay mục tiêu này mới có chiều hướng đạt được một cách toàn diện. Chính vì vậy, việc tiếp tục phát huy thành quả đạt được, nhìn nhận rõ những hạn chế để rút kinh nghiệm, quyết tâm cao để đạt được mục tiêu đề ra là nhiệm vụ quan trọng hơn bao giờ hết.
Trong hàng loạt chỉ đạo cụ thể, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới vai trò chủ lực của một số bộ, ngành. Trong đó, Bộ GTVT cần chỉ đạo toàn ngành GTVT xây dựng kế hoạch vận tải dịp cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, lễ hội xuân 2020; tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATGT đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là hành vi ép lái xe phải hoạt động quá thời gian làm việc theo quy định là nguyên nhân dẫn đến vi phạm về ma túy và ngủ gật gây ra TNGT.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an tập trung xây dựng và hoàn thiện thông tư quy định về công tác thống kê TNGT, phù hợp với thông lệ quốc tế và Nghị định số 09 quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, Bộ Công an phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống thông tin chỉ huy và hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT trên các quốc lộ trọng điểm và một số tuyến đường bộ cao tốc.
Về phía Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ tổng kết việc thực hiện công tác xét nghiệm ma túy, chất kích thích thần kinh và nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải; tiếp tục tổ chức kiểm tra công tác khám và cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe và người học lái xe trên toàn quốc; chuẩn bị tốt điều kiện cứu chữa nạn nhân TNGT trong các dịp cao điểm tới đây…
“Tôi đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm của đơn vị, của cá nhân để chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nhằm giảm TNGT, khắc phục UTGT, phấn đấu cuối năm có thể đạt được mục tiêu giảm từ 5 đến 10% cả 3 tiêu chí đề ra”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.