Quyết liệt trong mùa lễ hội
Trước những diễn biến phức tạp, gia tăng TNGT trong lĩnh vực đường thủy nội địa (ĐTNĐ), đặc biệt là mùa lễ hội, công tác đảm bảo “Bình yên sông nước” càng được đặc biệt chú trọng.
Theo ông Trần Văn Thọ - Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam, khác với những năm trước, công tác đảm bảo TTATGT ĐTNĐ mùa lễ hội 2016 đã có bước tiến đột phá với sự quyết liệt vào cuộc của toàn ngành ĐTNĐ. Ngay từ những ngày đầu của mùa lễ hội, Cục đã chủ động làm việc với ban tổ chức lễ hội, lên phương án đảm bảo ATGT, tổ chức điều tiết giao thông cho lễ hội.
Để phục tốt nhu cầu vận tải thủy nội địa (TNĐ), đảm bảo ATGT ĐTNĐ đối với vận tải hàng hóa, đặc biệt là vận tải hành khách phục vụ lễ hội đầu xuân, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch“Ra quân đợt cao điểm bảo đảm TTATGT ĐTNĐ đầu xuân năm 2016” nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định về đảm bảo ATGT của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải TNĐ; thực hiện các biện pháp phòng tránh TNGT ĐTNĐ, trong đó có người tham gia lễ hội đầu năm.
Đồng thời, thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT ĐTNĐ ngay trong tháng đầu năm 2016, tạo tiền đề để thực hiện hiệu quả năm ATGT 2016 với chủ đề: “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.
Kéo giảm từ 5 đến 10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT so với năm 2015 được Cục ĐTNĐ Việt Nam xác định là mục tiêu quan trọng của ngành ĐTNĐ trong năm 2016.
Để kéo giảm các vụ tai nạn, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra thực tế tại khu vực miền Trung đối với cảng, bến TNĐ, doanh nghiệp kinh doanh vận tải có phương tiện thủy vận chuyển hành khách tại các lễ hội.
Cục cũng phân công cụ thể, chi tiết nhiệm vụ trọng tâm đối với các chi cục ĐTNĐ, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực, các phòng chuyên môn thuộc Cục. Theo ghi nhận thực tế, lực lượng chức năng lĩnh vực ĐTNĐ đã rất tích cực thực hiện nhiệm vụ tại hầu hết các khu vực tổ chức lễ hội. Trong đó, tại 38 bến khách ngang sông trọng điểm và 10 lễ hội lớn có hoạt động vận tải thủy được tập trung giám sát toàn diện.
Đồng thời, các biện pháp được áp dụng trong công tác đảm bảo TTATGT đầu xuân 2016 gồm: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện những quy định của pháp luật đối với chủ phương tiện, thuyền viên, người lái và hành khách; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện an toàn tại cảng bến TNĐ; kiểm soát việc bốc xếp hàng hóa đối với phương tiện TNĐ tại khu vực cảng, bến TNĐ, đồng thời kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu đã được triển khai trên tuyến, các khu vực trọng điểm có mật độ phương tiện giao thông lớn.
Cũng theo Phó Cục trưởng Trần Văn Thọ, đến thời điểm giữa mùa lễ hội 2016, việc đảm bảo TTATGT ĐTNĐ đang được triển khai rất quyết liệt và mang lại hiệu quả tích cực, hoàn thành tốt công tác đảm bảo an toàn tại các khu vực diễn ra lễ hội. Các chủ phương tiện và hành khách cũng đang chấp hành tốt và ngày càng nhận thức đúng đắn hơn về ATGT đường thủy.
Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, rất nhiều lễ hội mà người dân tham gia phải lưu thông trên đường thủy và đảm bảo an toàn đối với lĩnh vực này là hết sức phức tạp. Chính vì vậy, đảm bảo TTATGT ĐTNĐ thời điểm này được coi là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi sự quyết tâm cao từ các cơ quan, đơn vị chức năng.
Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu Cục ĐTNĐ Việt Nam tập trung giám sát toàn diện tại một số lễ hội lớn, trọng điểm ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam nhằm đánh giá đúng thực tế để tổ chức quản lý giao thông tốt nhất. Trong đó, chọn một lễ hội tại mỗi miền để tính toán cụ thể những diễn biến cũng như thu thập các số liệu chi tiết, từ đó làm cơ sở để nghiên cứu những giải pháp tổng thể có hiệu quả thực tiễn áp dụng cho công tác đảm bảo TTATGT đường thủy trong những năm tiếp theo.
Ghi nhận tại một số địa phương
Trong chuyến kiểm tra tại Lễ hội chùa Hương (Hà Nội), ông Đào Chí Dũng - Phó Trưởng phòng Vận tải - ATGT (Cục ĐTNĐ Việt Nam), Trưởng đoàn công tác liên ngành (Cục ĐTNĐ Việt Nam, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, tại Lễ hội chùa Hương, công tác bảo đảm TTATGT được Ban Tổ chức lễ hội, chính quyền xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, các đơn vị thanh tra Sở GTVT, cảnh sát đường thủy quan tâm và triển khai hiệu quả. Tình hình TTATGT ĐTNĐ tại đây cơ bản được đảm bảo, giao thông thông suốt. Lực lượng chức năng túc trực thường xuyên tại khu vực suối Yến chùa Hương và 2 đầu bến đò.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương cho biết, công tác điều hành vận chuyển khách được tổ chức tại các bến, trạm đảm bảo thông thoáng, hướng dẫn cho khách lên xuống an toàn. Đồng thời, ý thức phục vụ của người lái đò đã có nhiều tiến bộ, thể hiện ứng xử với khách thân thiện, phục vụ chu đáo. Trong mùa lễ hội năm nay, ngay cả những ngày đông khách vẫn không xảy ra hiện tượng ùn tắc xuồng, đò.
Hiện nay, tại suối Yến (chùa Hương) có tổng số khoảng trên 4.000 phương tiện (xuồng, đò) đang hoạt động. Trong đó, xuồng chở 6 người có khoảng 3.500, đò loại chở 12 người trên 500 chiếc. Sở GTVT đã cấp giấy chứng nhận đăng ký theo quy định cho 2.661 phương tiện loại chở 6 người và 12 người; tập huấn và cấp giấy 3.508 giấy chứng nhận pháp luật cho người điều khiển phương tiện.
Tại buổi kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã đề nghị Ban ATGT, Sở GTVT TP. Hà Nội quan tâm chỉ đạo cấp phát áo phao, dụng cụ nổi cho các xuồng, đò vận chuyển du khách trên tuyến, đồng thời tuyên truyền, vận động toàn bộ du khách mặc áo phao, tạo cơ sở phát triển văn hóa giao thông thủy, trở thành nét đẹp văn hóa giao thông khi tham gia lễ hội.
Đặc biệt, Đoàn kiểm tra đã đề nghị Sở GTVT phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Tổ chức lễ hội có phương án kẻ gắn đầy đủ số đăng ký của phương tiện, số hành khách được phép chở nhằm hạn chế thấp nhất khả năng chở quá tải trọng (trên 12 khách) theo ý kiến của các cơ quan chức năng.
Tại Lễ hội cấp thủy Xuân Bính Thân 2016 ở đền Trần (Thái Bình), Chi cục ĐTNĐ phía Bắc đã thành lập đoàn công tác kiểm tra đảm bảo TTATGT tại lễ hội cấp Quốc gia này.
Qua kiểm tra, 3 phương tiện thủy phục vụ rước nước trong Lễ hội đều có đầy đủ giấy chứng nhận, đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ chuyên môn, trang bị đầy đủ thiết bị an toàn, bình khí chữa cháy, áo phao…
Theo Chi cục ĐTNĐ phía Bắc, để đảm bảo ATGT đường thủy phục vụ lễ hội, Chi cục đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Đường thủy - Công an tỉnh Thái Bình tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm TTATGT ĐTNĐ. Trong quá trình chuẩn bị tổ chức lễ hội, Ban Tổ chức và các cơ quan chức năng đã triển khai thực hiện tốt công tác đảm bảo ATGT ĐTNĐ. Vì vậy, lễ hội được diễn ra trang trọng, không xảy ra tình trạng mất TTATGT ĐTNĐ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.