Xây dựng thành trường đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu
Nhìn nhận hoạt động giáo dục đào tạo nói chung hiện nay, PGS. TS. Tống Trần Tùng - chuyên gia đầu ngành lĩnh vực GTVT nêu thực trạng: "Các trường đại học có tiếng, có thương hiệu hiện nay trong đào tạo lĩnh vực GTVT như: Đại học GTVT, Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh... đang bị cạnh tranh khốc liệt trước tình trạng xã hội hóa, dễ dãi trong đào tạo, tuyển sinh, chạy theo thu nhập, coi đào tạo là một ngành nghề kinh doanh....". Do vậy, muốn giữ vững được thương hiệu thì trước hết cần phải tạo điều kiện cho lực lượng làm công tác đào tạo, giảng dạy nâng cao trình độ, năng lực, tăng cường hợp tác với các trường đại học nổi tiếng để cập nhật các lĩnh vực chuyên môn cần thiết, từ đó hội nhập được với sự phát triển khoa học công nghệ đối với vật liệu, công cụ, phương tiện, kết cấu… liên quan đến sự phát triển lĩnh vực GTVT của các nước tiên tiến. Mặt khác, các trường phải luôn cập nhật chương trình đào tạo của thế giới trong lĩnh vực GTVT để phù hợp với thực tế phát triển của lĩnh vực này.
Những chia sẻ của PGS. TS. Tống Trần Tùng rất xác đáng trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt đối với các trường kỹ thuật như Đại học GTVT, Đại học Công nghệ GTVT. Điển hình như Đại học GTVT thực hiện chiến lược phát triển của giai đoạn 2021 - 2030, nhà trường đặt mục tiêu phát triển trở thành trường đại học tự chủ, đa ngành theo định hướng nghiên cứu, có uy tín và chất lượng ngang tầm châu Á.
Để đạt được mục tiêu này, trước tiên trường cần xây dựng, phát triển các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học mạnh, có uy tín và năng lực xuất khẩu tri thức, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực GTVT, đảm bảo chất lượng đào tạo theo chuẩn mực quốc tế.
Trường Đại học GTVT sẽ phải triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo. Về mô hình đào tạo, sinh viên khi vào trường được học theo ngành rộng trong 3,5 năm, sau đó sinh viên có quyền chọn thực tập và làm đồ án tốt nghiệp để nhận bằng cử nhân hoặc chọn học tiếp 1,5 năm chuyên sâu để nhận bằng kỹ sư. Mô hình tích hợp này giúp các sinh viên được quyền lựa chọn, điều mà trước đây chưa bao giờ có.
Để "chạy" được mô hình đào tạo mới và đáp ứng yêu cầu đặt ra của xã hội, trường cũng cần tập trung vào đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên với khối kiến thức chuyên sâu được thiết kế giúp sinh viên tiếp cận được ngay với các công việc đặc thù trong ngành kỹ thuật như: Xây dựng, Cơ khí, Điện - Điện tử, Tự động hóa, Công nghệ thông tin... Đặc biệt, các chương trình phải tích hợp được các kiến thức, kỹ năng liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo nhằm đáp ứng công việc trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài những kỹ năng cứng, Trường Đại học GTVT cần trang bị cho sinh viên tư duy cần thiết để bước vào nghề. Chương trình được thiết kế hiện đại theo tiếp cận CDIO (Hình thành ý tưởng, thiết kế, thực hiện và vận hành) nhằm xây dựng các kỹ năng cần thiết cho người kỹ sư mới với duy lãnh đạo, tư duy khởi nghiệp...
Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT năm 2022, Trường Đại học GTVT đã mở thêm 2 chương trình đào tạo là ngành Kỹ thuật cơ sở hạ tầng và ngành Quản lý đô thị và công trình; mở thêm 1 chương trình Việt Anh là Quản lý xây dựng Việt Anh. Đặc biệt, Trường đã hoàn thành đánh giá ngoài và được cấp Giấy Chứng nhận kiểm định trường lần 2 (lần 1 năm 2016) và cũng là trường đầu tiên cấp Giấy Chứng nhận kiểm định trường giai đoạn 2022 - 2026.
Đổi mới chương trình đào tạo, đột phá trong suy nghĩ và hành động
Thời gian qua, thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là một trong những trường đầu tiên của Bộ GTVT hoàn thành việc thành lập Hội đồng trường theo quy định. Nhà trường hiện đang từng bước khắc phục khó khăn và thực hiện tự chủ đại học. Với việc chủ động thực hiện tốt công tác tự chủ về tuyển sinh, tự chủ về học thuật đã góp phần giảm bớt những khó khăn do tự chủ về tài chính mang lại. Chiến lược của Nhà trường có nhiều nội dung nhưng định hướng cơ bản là không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo lên tầm khu vực và quốc tế, đồng thời tăng cường công bố quốc tế, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, lấy chất lượng làm đòn bẩy để thực hiện tự chủ giáo dục đại học.
Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu thực tiễn, từ năm 2016, công tác kết nối doanh nghiệp đã được Trường Đại học Hàng hải Việt Nam triển khai thành các hoạt động thường niên với các mục tiêu tiếp thu ý kiến phản hồi để đổi mới chương trình đào tạo, tìm kiếm địa điểm thực tập, nguồn học bổng cho sinh viên, thu hút nguồn đầu tư nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, kết nối thông tin về cơ hội việc làm... Đây là cơ hội trải nghiệm, tiếp xúc thực tế của sinh viên, gắn kết nhà tuyển dụng với sinh viên. Bên cạnh đó, trong những năm qua, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam còn tích cực đổi mới các chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO, đưa đào tạo kỹ năng, thái độ vào chương trình cùng đào tạo kiến thức, đẩy mạnh áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, từ đó tạo ra nhiều thế hệ sinh viên năng động, sáng tạo, có khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường lao động khu vực ASEAN và thế giới.
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tiếp tục phát triển thành đại học hàng đầu trong đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển. Trong đó, nhóm ngành đi biển (Điều khiển tàu biển, Khai thác máy tàu biển), Logistics, Kinh tế vận tải biển, Đóng tàu, Công trình biển vẫn sẽ là nhóm ngành chủ lực. Bên cạnh đó, Trường sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các nhóm ngành liên quan đến công nghệ thông tin và tự động hóa phục vụ thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
Đối với nhu cầu hiện nay, thay vì chú ý mở ngành đào tạo mới, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam chủ trương đi vào cập nhật, đổi mới các chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của nhân lực thế kỷ 21 của các doanh nghiệp. Việc chú trọng trang bị kỹ năng, thái độ cho người học đảm bảo thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi là sự chuẩn bị tốt cho sinh viên của Nhà trường với mục tiêu "nhất tinh, đa nghệ". Đây là điểm độc đáo của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trong khi hầu hết các trường đều nắm bắt cơ hội để mở thêm các ngành nghề đang được xã hội quan tâm, coi trọng. Về vấn đề này, theo quan điểm của PGS. TS. Hoàng Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ GTVT) thì "giữ vững quan điểm đào tạo của nhà trường là tất yếu (nói theo ngôn ngữ hiện đại là thương hiệu của nhà trường). Tuy nhiên, theo quan điểm vận động và phát triển, việc mở rộng ngành nghề theo xu thế thời đại cũng là một trong những yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, không mâu thuẫn với yêu cầu giữ gìn và bảo vệ thương hiệu chung".
Cùng cách nhìn nhận để soi chiếu vào đơn vị đang công tác, PGS. TS. Nguyễn Thị Tuyết Trinh - chuyên gia đào tạo mảng quốc tế, Trường Đại học GTVT làm rõ thêm: "Bất kỳ trường đại học nào trên thế giới không thể chỉ tập trung đào tạo vào một ngành nghề cụ thể và Trường Đại học GTVT cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nhu cầu xã hội cần lao động gì thì nhà trường sẽ đáp ứng để đào tạo khi chất lượng giảng viên đảm bảo. Ngành Xây dựng công trình giao thông hiện tuyển sinh đang ở mức thấp, tuy nhiên tôi cho rằng đây chỉ là giai đoạn tạm thời bởi đất nước đang cần lượng nhân lực rất lớn cho lĩnh vực này. Hiện nay, một số ngành chủ lực đang gặp khó trong thu hút người học, tuy nhiên số lượng giảng viên vẫn được giữ vững và liên tục được đào tạo, nâng cao chất lượng. Song song với đó là những ngành đang được quan tâm như: Công nghệ thông tin, Điện tử, Cơ khí ô tô thì trường vẫn cố gắng đầu tư để phát triển, đáp ứng nhu cầu người học.
Phát huy những thành quả đã đạt được và vươn lên khẳng định bản sắc, thương hiệu trong mọi hoàn cảnh của Trường Đại học Công nghệ GTVT, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT cho biết, Nhà trường tiếp tục hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GTVT, một số ngành ngang tầm với các trường đại học uy tín trong khu vực và thế giới. Ngoài ra, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, xây dựng chuẩn hóa chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng nghề nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp... cũng là hướng đi chiến lược của Nhà trường.
"Trong bối cảnh hiện nay phải có sự đột phá, hoạt động giáo dục đào tạo không nằm ngoài quy luật đó. Đó là đột phá về cơ sở vật chất; trang thiết bị giảng dạy, nghiên cứu khoa học; chất lượng sản phẩm công trình khoa học...", PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long khẳng định.
Ở góc độ một chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, PGS. TS. Hoàng Hà cho rằng để vừa thu hút người học trong khi không ngừng nâng cao chất lượng và giữ vững thương hiệu nhà trường quả thực không hề đơn giản, nhất là thực tế hiện nay "chất lượng đầu vào" của sinh viên không phải không còn những băn khoăn. Bởi vậy, nếu thật sự coi thế hệ trẻ như "tờ giấy trắng" thì mọi nỗ lực trước hết phải thuộc về nhà trường, về đội ngũ cán bộ giảng dạy, bên cạnh đó không quên khích lệ, khơi dậy niềm đam mê, hoài bão của các em vươn tới làm chủ khoa học công nghệ, làm chủ tri thức, làm chủ tương lai.
Mặt khác, theo PGS. TS. Tống Trần Tùng đang có một nghịch lý là chương trình, nội dung đào tạo đi sau sự phát triển của thực tế xây dựng, chế tạo sản xuất, vận hành của của nền kinh tế, trong khi đáng lẽ đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ trong các trường đại học phải được thực hiện trước. Vì vậy, trước khi nghĩ tới những giải pháp tầm xa thì cần làm tốt từ nội tại các trường đào tạo...
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.