Liên kết đào tạo: Từ mô hình đến giá trị thực tiễn

Tác giả: Hải Thanh

saosaosaosaosao
Tiêu điểm tháng 24/11/2022 11:50

Đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo công việc, đào tạo theo đặt hàng, đẩy mạnh liên kết trong đào tạo… là hướng đi đang được nhiều trường lĩnh vực GTVT triển khai áp dụng và đã thu được thành quả tích cực.


Đặc điểm của ngành GTVT là gắn với thực địa, công trường, vật liệu, vì vậy mô hình liên kết đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp, giữa nhà trường với các đối tác trong và ngoài nước đã thể hiện tính ưu việt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, mở ra phương thức mới trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành GTVT.

Liên kết đào tạo: Từ mô hình đến giá trị thực tiễn - Ảnh 1.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả ký kết Thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Quy Nhơn

Đào tạo có địa chỉ - xu hướng mới

Thực tế, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực ngành xây dựng công trình giao thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nhiều công trình vẫn phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài, kể cả lực lượng thiết kế, giám sát, vận hành thiết bị tiên tiến như công trình giao thông ngầm, công trình địa chất phức tạp, công trình thi công trong điều kiện không thuận lợi...

Trong suốt quá trình đào tạo kể từ khi thành lập, Trường Đại học GTVT đã triển khai có hiệu quả các mô hình hợp tác, liên kết. Đến nay, Nhà trường có hàng trăm đối tác là các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng nhân lực trong và ngoài nước.

Việc xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo liên kết quốc tế nằm trong định hướng và chủ trương phát triển của Trường Đại học GTVT và được coi là một phương thức quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu của Trường, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho mỗi sinh viên để hướng đến nguồn tri thức và thị trường lao động toàn cầu. Nhà trường định hướng mỗi ngành đào tạo sẽ tổ chức một số chương trình liên kết quốc tế với các trường đại học là đối tác uy tín trên thế giới. Nhận thức về nhu cầu cấp thiết nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản trị kinh doanh, quản lý xây dựng, xây dựng - cơ học, vật liệu… tại Việt Nam, Trường đã chủ động tìm hiểu và mở rộng liên kết với một số đối tác uy tín ở Anh, Pháp để tăng khả năng cạnh tranh quốc tế cho sinh viên Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có nhu cầu chuyển tiếp học tập sang các quốc gia phát triển và mở rộng sự lựa chọn cho sinh viên Việt Nam. 

Chi sẻ về kinh nghiệm trong lĩnh vực này, PGS. TS. Nguyễn Thị Tuyết Trinh - Trưởng Khoa Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học GTVT cho biết, Trường Đại học GTVT đã có kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình chất lượng cao Cầu đường bộ Việt - Anh, Cầu đường bộ Việt - Pháp, Công trình giao thông đô thị Việt - Nhật. Đặc biệt, Chương trình Vật liệu và công nghệ xây dựng Việt - Pháp mang dáng dấp của một chương trình liên kết khi có nhiều giáo sư từ Pháp sang giảng dạy trong quá trình đào tạo và nhiều sinh viên thực hiện việc chuyển tiếp đào tạo trong quá trình học tập. Trong khi đó, Chương trình Tiên tiến kỹ thuật xây dựng công trình giao thông cũng đã thực hiện rất bài bản khi nhập khẩu gần như toàn bộ giáo trình của Trường Đại học Leeds, Vương quốc Anh. Ngoài ra, Nhà trường còn phát triển các chương trình chất lượng cao thuộc khối kinh tế với những ngành đang có nhu cầu cao trên thị trường như Kinh tế xây dựng Việt - Anh, Kế toán tổng hợp Việt - Anh. Theo đó, các khóa sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Đào tạo Quốc tế có việc làm với tỷ lệ cao (trên 95% có việc làm sau 3 tháng), đặc biệt nhiều bạn có cơ hội nhận học bổng và du học sau đại học tại các nước phát triển như Pháp, Đức, Anh và Nhật Bản.

Ngoài ra, Trường Đại học GTVT cũng rất tích cực phát triển các chương trình đào tạo liên kết quốc tế với nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới ở các nước phát triển như Vương quốc Anh (Đại học Bedfordshire), Cộng hòa Pháp (Trường Quản trị Normandie...), CHLB Đức (Trường TU Darmstadt, TU Dresden...), các trường đại học của Nhật Bản...

Ngoài các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, Trường Đại học GTVT đã ký kết hợp tác với nhiều đơn vị trong và ngoài nước, tiêu biểu như các trường đại học, các tổ chức quốc tế ở các nước như Mỹ, Anh, Đức, Nga, Pháp, Nhật Bản, Canada, Australia, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia... Đây là tiền đề giúp Nhà trường có cơ sở để tổ chức công tác du học và triển khai các khóa học đào tạo ngắn hạn, thiết lập quan hệ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu.

"Tiền có thể đi vay, nhưng nhân lực phải tự tạo lập"

Trong bối cảnh hiện nay, nếu không liên kết, không xích lại gần nhau thì khó có thể tồn tại và phát triển. Trong giáo dục đào tạo cũng vậy, không còn hình thức người học thụ động ngồi nghe giáo viên giảng bài trên bục mà thiếu hẳn một mảng rất quan trọng, đó là thực tiễn. Đối với ngành GTVT, việc các trường nhận thức và đẩy mạnh mô hình liên kết với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là hướng đi tuy không mới nhưng đã và đang được thực hiện theo chiều sâu, mang lại hiệu quả rõ nét.

Lấy một vài ví dụ điển hình, với sự hợp tác giữa Trường Đại học GTVT và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 18 (Licogi 18), hai bên phối hợp mở các lớp đào tạo tài năng theo nhu cầu tuyển dụng của Công ty. Bên cạnh cam kết tuyển dụng sinh viên vào làm việc, Công ty Licogi 18 còn cam kết hỗ trợ học bổng cũng như tham gia giảng dạy các lớp chuyên đề cho sinh viên nhà trường. Ngoài ra, hai bên còn triển khai các hoạt động hợp tác tư vấn, nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Tiếp đó, để đảm bảo nguồn nhân lực ngành Logistics, Phân hiệu Trường Đại học GTVT tại TP. Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực với Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam. Việc ký kết hợp tác giữa hai đơn vị thể hiện đúng định hướng của Chính phủ, phù hợp với địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn phát triển mới, có ý nghĩa quan trọng, mở ra cơ hội để hai bên trở thành đối tác chiến lược và hướng tới cung cấp những khóa đào tạo logistics theo chuẩn quốc tế, nhằm nâng cao nhân lực logistics cho doanh nghiệp.

Tại buổi lễ ký kết Bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác diễn ra mới đây giữa Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh (UTH) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO), lãnh đạo THACO cho biết, hiện nay nhu cầu tuyển dụng nhân sự các ngành cơ khí, ô tô và logistics của THACO rất lớn. Việc ký kết hợp tác giữa UTH và THACO sẽ giúp THACO có thêm nguồn lực chất lượng cao, đồng thời mở thêm nhiều cánh cửa, cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giờ không chỉ nằm trong khuôn khổ của mỗi nhà trường mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đơn vị, doanh nghiệp. Tại buổi Tọa đàm liên kết phát triển nguồn nhân lực, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng đã khẳng định quan điểm về tầm quan trọng của nguồn nhân lực: "Tiền có thể đi vay được, nhưng văn hóa và nhân lực là hai thứ phải tự tạo lập và xây dựng nên chứ không thể đi mượn ai được".

Thời gian tới đây, khối lượng công việc xây lắp, phát triển hạ tầng giao thông của Đèo Cả nói riêng và cả nước nói chung là rất lớn, do đó Tập đoàn đã chuẩn bị các phương án để thu hút nguồn nhân lực. Với quy mô nhân sự dự kiến lên đến hơn 10.000 lao động vào năm 2025, Tập đoàn Đèo Cả đã có nhiều hình thức liên kết và hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, trường nghề nhằm đáp ứng nguồn nhân lực theo các nhóm ngành.

Tập đoàn Đèo Cả đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 6 trường, trong đó có 3 trường thuộc ngành GTVT là: Cao đẳng GTVT Trung ương V, Đại học Công nghệ GTVT và Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, Đèo Cả khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện học tập, cơ hội việc làm cho sinh viên, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa đơn vị với các trường. Đặc biệt, đối với các sinh viên khối ngành Công trình sẽ được Tập đoàn tạo điều kiện, hỗ trợ thực tập hưởng lương, được xem xét cấp học bổng, được tiếp nhận làm việc ngay sau khi ra trường để phục vụ cho các công trình của Tập đoàn, trước mắt tại các công trình xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam. Với trang thiết bị sẵn có, các trường sẽ cùng với Đèo Cả nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới và thực hiện các dịch vụ thí nghiệm, kiểm định chất lượng công trình giao thông.