Dự án BOT QL19: Thúc đẩy phát triển KT-XH miền Trung và Tây Nguyên

Tác giả: Trọng Hùng

saosaosaosaosao
15/08/2016 09:41

Dự án cải tạo, nâng cấp QL19 là then chốt trong sự liên kết, thúc đẩy công cuộc phát triển KT-XH của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

 

1 (6)
Lễ thông xe QL19 đoạn qua tỉnh Gia Lai.

Là trục đường có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển KT-XH miền Trung và Tây Nguyên. QL19 có vai trò chiến lược quốc phòng, an ninh trong kết nối vùng, thúc đẩy phát triển vùng biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Sau hai năm triển khai thực hiện, dự án cải tạo, nâng cấp QL19 đã đi vào hoạt động đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bề mặt đường rộng, phẳng, bảo đảm tốt tiêu chuẩn kỹ - mỹ thuật. Với quy mô là đường cấp III đồng bằng, lòng đường đoạn thông thường rộng 12m, thảm nhựa 11m và hai bên lề đất rộng 0,5m, đoạn qua khu dân cư rộng 15m, thảm nhựa 13m, rãnh dọc kín hai bên rộng 1m, tốc độ thiết kế 80Km/giờ, đoạn qua khu dân cư tập trung 60Km/giờ. QL 19 có ý nghĩa hết sức quan trọng, nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và thu ngân sách cho hai tỉnh Bình Định, Gia Lai nói riêng và địa bàn Tây Nguyên nói chung, là huyết mạch để giao lưu văn hóa giữa đồng bào Tây Nguyên và đồng bào vùng miền duyên hải, góp phần đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng từ cảng Quy Nhơn đi các tỉnh Tây Nguyên và ngược lại.

Trong thời điểm, nguồn vốn Chính phủ không thể dàn trải hết trong đầu tư cơ sở hạ tầng đường sá, nên chủ trương xã hội hoá nguồn vốn đầu tư để thực hiện các dự án giao thông vận tải là một giải pháp khả dĩ được Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải quan tâm. Vì vậy Tổng Công ty 36 với năng lực, kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực thi công xây dựng, đầu tư các dự án và kinh doanh thương mại đã mạnh dạn đảm nhận việc đầu tư thi công nâng cấp mở rộng tuyến QL19 dưới hình thức BOT.

Sau khi được Bộ Giao thông vận tải giao thực hiện dự án, Tổng Công ty 36 đã tập trung nguồn lực như: máy móc, thiết bị, nhân lực để thực hiện thi công các dự án từ năm 2013. Với vai trò vừa là chủ đầu tư, vừa là nhà thầu thi công, ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 (Công ty BOT 36.71) chia sẻ: "Trong thời gian đầu triển khai dự án chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, di dời các công trình thiết yếu do vấn đề lịch sử để lại trong quản lý đất đai, quản lý hành lang an toàn giao thông và hệ thống đường điện, nước sạch, nguồn vật liệu, đặc biệt quá trình thi công phải xử lý một số vấn đề phức tạp về kỹ thuật để đảm bảo mặt đường êm thuận và bảo đảm ATGT như xử lý sụt lún, chống hằn lún vệt bánh xe và vừa thi công vừa bảo đảm giao thông đoạn qua đèo MangYang (Km108+00-Km112+00) với địa hình đèo dốc quanh co, khối lượng đào đắp đất đá lớn (khoảng 300 nghìn mét khối), mật độ phương tiện đi lại dày đặc, không có đường tránh. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động quyết liệt, sự cố gắng nỗ lực không mệt mỏi của toàn bộ hệ thống Cty đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT, Ban QLDA5, sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Bình Định, Gia Lai. Qua đó chúng tôi đã gỡ được tất cả các khó khăn, tập trung nhân lực, thiết bị, đồng loạt triển khai nhiều mũi thi công, tăng ca khi được bàn giao mặt bằng để thi công gói thầu, dự án đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng”."

2 (6)

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, trao bằng khen cho tập thể, cá nhân của Cty BOT 36.71 lập thành tích xuất sắc chào mừng 70 năm ngành GTVT, tại lễ thông xe QL19.

Là tài xế kì cựu nhiều năm chạy tuyến Gia Lai – Quy Nhơn và ngược lại anh N.V.T chia sẻ: Trước đây mỗi lần xe lăn bánh đoạn qua đèo Mang Yang cánh tài xế rất khổ sở, đường xấu ổ gà ổ voi nhiều, tầm nhìn bị khuất, ngán nhất là vào mùa mưa nhiều lúc cả người và xe vật lộn bì bõm, luồn lách qua những ổ gà phá rông trên mặt đường.

Vất vả nhất là cánh xe tải chở hàng không may gặp những ổ gà sâu, nhẹ thì bị gẫy nhíp, nặng thì xe bị lật nghiêng hàng hóa đổ văng tung tóe ra đường. Nhưng QL19 bây giờ đã khác xưa nhiều.

Tài xế Trương Đình Đức - tài xế chạy xe tải chở hàng tự do ở Phường Yên Đỗ, TP Pleiku – Gia Lai nói; “QL19 được cải tạo nâng cấp sửa chữa làm mới rồi nên giờ chạy xe sướng lắm, yên tâm hơn khi qua đoạn đèo Mang Yang, dù trời mưa hay nắng gì cũng không còn ngại nữa”.

Theo tìm hiểu của PV, sau khi cải tạo, nâng cấp QL19 đưa vào sử dụng có rất nhiều doanh nghiệp vận tải ở khu vực Tây nguyên cũng như miền Trung hài lòng, phấn khởi bởi hiện nay, đường đẹp, thông thoáng nên lưu lượng xe tăng cũng như hành trình lưu thông từ khu vực các tỉnh Tây Nguyên đến các tỉnh miền Trung và ngược lại đã rút ngắn được khoảng thời gian rất nhiều giờ so với trước đây.

“Trước đây, mỗi lần gia đình có việc tôi bắt xe đi từ Gia Lai về Quy Nhơn, do đường xấu ngoài sự mệt mỏi khi di chuyển ngồi trên xe còn nơm nớp lo lắng khi xe lạng lách để tránh ổ gà… Bên cạnh đó chủ phương tiện cũng gặp rất nhiều khó khăn khi chi phí cho mỗi chuyến xe đi về là rất lớn, ngoài việc hư hỏng máy móc, lốp bị mòn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xe gặp tai nạn khi lưu thông qua đoạn đường quá xấu, thiệt hại lúc đó không thể tính được bằng tiền, vì thế đối với việc cải tạo, nâng cấp QL19 không những tài xế mà ngay cả hành khách cùng phấn khởi yên tâm khi lưu thông trên QL19."- một vị hành khách chia sẻ.

Tuy nhiên hiện nay trên tuyến QL 19 còn một số đoạn chưa được cải tạo nâng cấp, chất lượng mặt đường một số vị trí đã xuống cấp vì vậy để đảm bảo khai thác đồng bộ, tạo điều kiện cho việc đi lại của nhân dân và việc thu phí được thuận lợi. Nhà đầu tư mong muốn, Chính phủ và Bộ GTVT cần xem xét hỗ trợ nguồn vốn ngân sách để mở rộng nâng cấp những đoạn còn lại trên toàn tuyến Quốc lộ 19, trong đó ưu tiên triển khai ngay những đoạn đã xuống cấp dặc biệt là đoạn qua huyện Đak Pơ và đèo An Khê tỉnh Gia Lai.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 (Công ty BOT 36.71) cho biết, Tổng công ty 36 đã có tờ trình gửi lãnh đạo Bộ GTVT và Lãnh đạo các tỉnh Bình Định, Gia Lai quan tâm xem xét sớm phê duyệt đoạn bổ sung dự án (Km90+00-Km108+00) qua địa phận huyện Đăk Pơ tỉnh Gia Lai và đoạn Km50+00-Km51+150 qua huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định, qua đó UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn đề nghị Bộ GTVT chấp thuận đề xuất để nhà đầu tư triển khai thực hiện.

Đồng nhất quan điểm, ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc sở GTVT Gia Lai nhận định: Từ Km90+00 - Km108+00 qua địa phận huyện Đăk Pơ tỉnh Gia Lai và đoạn Km50+00-Km51+150 qua huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định gần như là xấu nhất trên toàn tuyến QL19, mặt đường rất xấu, trắc dọc cũng như bình đồ hầu như không đảm bảo, ví dụ như tại Km103-104 là có 2 đến 3 chỗ cua, ngoặt liên tục, chỗ này thường xuyên xảy ra TNGT vì khi cua do khuất tầm nhìn nên xe hay chạy lấn làn rất nguy hiểm, còn về dốc dọc trên đoạn này có Dốc Đói, con dốc này rất nguy hiểm nếu không cải tạo thì đây sẽ là một trong những đoạn rất nguy hiểm về ATGT trên toàn tuyến.

Vì vậy, theo kiến nghị của nhà đầu tư là Cty BOT 36.71, sau khi cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn Gia Lai từ Km 108+00- Km 131+300, Bình Định từ Km 17+027- Km 50+00 hiện còn lại một số vốn dư và mong muốn dùng nguồn vốn dư đó thực hiện bổ sung dự án đoạn từ Km 90+00- Km108+00 qua địa phận huyện Đăk Pơ tỉnh Gia Lai và đoạn Km50+00-Km51+150 qua huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định.

"Sau khi dự án bổ sung hoàn thành, thứ nhất sẽ góp phần tăng tốc độ lưu thông, đảm bảo được ATGT trên đoạn tuyến. Thứ hai là tạo được tâm lý thoải mái của người dân khi tham gia giao thông và đóng phí trên QL19, cùng với đó là sự thúc đẩy phát triển trên mọi phương diện KT- XH giữa Tây Nguyên với các tỉnh miền Trung nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng. Vì thế mong muốn Bộ GTVT xem xét sớm đưa dự án bổ sung này vào thực hiện”, ông Quế nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận