Toàn cảnh buổi làm việc |
Báo cáo Bộ trưởng về tình hình, kết quả công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải, ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở GTVT Gia Lai, cho biết: Tỉnh Gia Lai tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tốt giá cước vận tải hành khách; thực hiện “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” và xử lý nghiêm các vi phạm.
Sản lượng vận tải trong những năm gần đây luôn đạt mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước từ 12-13%, đáp ứng tốt như cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 269 đơn vị và hộ cá thể kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa, với tổng số 2.231 phương tiện các loại (hành khách 1.217 xe, hàng hóa 1.014 xe), cụ thể:
Tỉnh Gia Lai hiện có 666.167 xe mô tô, xe gắn máy và 37.771 xe ô tô các loại được cấp giấy đăng ký; hiện có 02 Trung tâm kiểm định hoạt động theo mô hình xã hội hóa, với 6 dây chuyền kiểm định (05 dây chuyền tại thành phố Pleiku, 01 dây chuyền tại huyện Đăk Pơ), hàng năm bình quân kiểm định được khoảng 42.000 lượt phương tiện, tỉ lệ kiểm định lần đầu đạt khoảng 75%; có 12 trung tâm sát hạch hoạt động theo mô hình xã hội hóa, trong đó có 01 trung tâm sát hạch loại 1, 02 trung tâm sát hạch loại 2, 09 trung tâm sát hạch loại 3; có 10 cơ sở đào tạo lái xe thực hiện theo mô hình xã hội hóa, trong đó có 05 cơ sở vừa đào tạo mô tô vừa đào tạo ô tô, 04 cơ sở đào tạo mô tô ở các huyện; số lượng đào tạo ô tô là 2.946 học viên.
Các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước, thực hiện tốt việc duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tỉnh hiện đang quản lý 463.025 giấy phép lái xe các hạng (mô tô: 387.927, ô tô: 75.053); thực hiện chuyển đổi GPLX bằng giấy sang vật liệu PET được 186.446 GPLX (mô tô: 134.445, ô tô: 52.001). Công tác đổi GPLX được thực hiện bằng nhiều hình thức như đổi tại Bộ phận “Một cửa” của Sở, đổi trực tuyến cấp độ 3, mở điểm đổi lưu động, tại bưu điện các huyện, thi xã; đã triển khai thực hiện việc cấp mới GPLX ngay sau khi kết thúc sát hạch 2 giờ cho người dân có nhu cầu.
Hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai bao gồm: 01 Cảng hàng không đạt tiêu chuẩn 4C; 5 tuyến quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 719 Km (QL14, QL19, QL25, QL14C, đường Trường Sơn Đông); 12 đường tỉnh với tổng chiều dài 431 Km; đường đô thị; đường huyện, đường xã, đường thôn buôn và đường chuyên dùng với tổng chiều dài khoảng 9.910 Km. Tổng số vốn đầu tư cho các dự án cải tạo, nâng cấp đường bộ, sân bay trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2010 - 2015 đạt khoảng 10.301 tỷ đồng (trong đó vốn cho các quốc lộ, đường tuần tra biên giới khoảng 6.022 tỷ đồng, vốn nâng cấp cải tạo cảng hàng không Pleiku khoảng 943 tỷ đồng và vốn cho giao thông địa phương khoảng 3.336 tỷ đồng).
Về Quốc lộ: Tổng số vốn huy động đầu tư xây dựng, nâng cấp trong giai đoạn 2010 – 2015 là 6.022 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách nhà nước khoảng 3.431 tỷ đồng, BOT khoảng 2.591 tỷ đồng cho Quốc lộ 19 và Quốc lộ 14); thực hiện nâng cấp cải tạo Quốc lộ 14 dài 105 Km/105 Km, Quốc lộ 19 dài 38 Km/165, Quốc lộ 25 dài 40 Km/111,8 Km, Đường Trường Sơn Đông dài 243 Km/247 Km, Quốc lộ 14C dài 34 Km/90,5 Km.
Về hàng không: Đầu tư kéo dài đường băng, nâng cấp và mở rộng nhà ga Cảng Hàng không Pleiku đạt cấp 4C đảm bảo phục vụ cùng lúc 2 máy bay A321, với năng lực thông qua 800 ngàn đến 1 triệu khách/năm. Sân bay Pleiku được nâng cấp hoàn thành đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của Gia Lai nói riêng và khu vực Bắc Tây Nguyên nói chung phát triển, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực.
Bộ trưởng phát biểu chỉ đạo buổi họp |
Về hệ thống đường địa phương: Tổng số vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo trong thời gian qua đạt khoảng 3.336 tỷ đồng. Trong 5 năm qua toàn tỉnh xây dựng mới được khoảng 428 Km đường địa phương, nâng cấp, sửa chữa được khoảng 1.886 Km; xây dựng mới 55 cầu/3.213 m. Đến nay, có 335 Km/431 Km đường tỉnh đã được cứng hóa; đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa đạt 64,86%; Đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa, cứng hóa đạt 69,73%; Đường thôn, xóm được cứng hóa đạt loại A là 52,8%; Đường trục chính nội đồng được cứng hóa, phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện đạt 42,17%. Dù là tỉnh miền núi, nhưng hiện nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có đường ô tô vào trung tâm xã. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 74/184 xã đã đạt được tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới và đang phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai đầu tư xây dựng 85 cầu dân sinh thuộc Dự án LRAMP.
Trong 6 tháng đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban an toàn giao thông tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 22/12/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh”; UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 1196/KH-UBND ngày 26/3/2016 triển khai thực hiện Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 22/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cụ thể:
Kiên trì, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; đồng thời tăng cường kiểm tra việc thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình, kịp thời chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh; chú trọng các giải pháp kéo giảm TNGT ở địa bàn nông thôn như việc cấm xe công nông chở người, lưu thông trên quốc lộ, đường tỉnh đã mang kết quả tích cực; thực hiện kiểm tra, chấn chỉnh tình hình đối với các huyện, thị có TNGT tăng cao; trong 6 tháng, đã kiểm tra 7 địa phương có tình hình trật tự, an toàn giao thông diễn biến bất thường, chỉ đạo biện pháp khắc phục.
Gắn kết quả công tác của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị với kết quả chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp bảo bảo đảm TTATGT ở địa bàn được phân công phụ trách, và đây là một trong các tiêu chí để đánh gia kết quả công tác, xem xét thi đua khen thưởng hàng năm. Từng thành viên Ban ATGT tỉnh phụ trách theo dõi địa bàn phải nắm chắc diễn biến tình hình, chủ động làm việc với địa phương để có giải pháp phù hợp với đặc thù của địa phương và chịu trách nhiệm liên đới nếu TNGT trên địa bàn phụ trách gia tăng. Phát động phong trào thi đua từ năm 2016 đến năm 2020, với thông điệp “Gia Lai chung tay vì An toàn giao thông”; xem việc chấp hành pháp luật giao thông là một trong các tiêu chí để đánh giá, phân loại kết quả công tác và bình xét thi đua khen thưởng hàng năm đối với cán bộ, công nhân viên chức công nhà nước; đồng thời cũng là một trong những tiêu chí để xem xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Khu dân cư, công sở văn hóa” đối với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trên địa bàn tỉnh.
Công tác tuyên truyền được Tỉnh xác định là phải làm thường xuyên, liên tục, lâu dài; ngoài việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các phương tiện truyền thông, Tỉnh yêu cầu tập trung hình thức tuyên truyền trực tiếp, phải phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc tôn giáo tham gia vận động tuyên truyền về ATGT. Phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia và Quỹ An toàn Giao thông – Phát triển cộng đồng tổ chức thành công chương trình truyền hình trực tiếp ”Kết nối cộng đồng vì an toàn giao thông”.
Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, TNGT trong 6 tháng đầu năm đã giảm cả 03 tiêu chí: Toàn tỉnh xảy ra 104 vụ TNGT, làm chết 115 người, bị thương 65 người. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 16,13% số vụ (104/124 vụ, -20 vụ), giảm 21,77% số người chết (115/147 người, -32 người), giảm 35,64% số người bị thương (65/101 người, -36 người). Đạt được mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia giảm từ 5-10% cả 03 tiêu chí và được Phó Thủ tướng Chính phủ – Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia biểu dương tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT 06 tháng đầu năm 2016.
Hàng loạt những dự án được chính quyền Gia Lai đề xuất lên Bộ GTVT như Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Km108+00 - Km131+300 qua địa bàn tỉnh Gia Lai theo hình thức Hợp đồng BOT đã hoàn thành, đang thu phí đường bộ. Tuy nhiên, các đoạn chưa được nâng cấp xảy ra tình trạng “nút thắt cổ chai”, một số đoạn hư hỏng nhiều, ảnh hưởng đến an toàn giao thông; Nhà đầu tư đã có đề xuất và Bộ Giao thông vận tải ã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung đoạn Km90 - Km108, quốc lộ 19 vào dự án BOT, đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai đầu tư bổ sung đoạn tuyến trên.
Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14C đoạn qua tỉnh Gia Lai (Km107 - Km202) đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1978/QĐ-GTVT ngày 15/7/2010, tổng mức đầu tư 428 tỷ đồng; do nguồn vốn hạn chế, dự án chỉ triển khai trước đối với các đoạn tuyến cấp bách với chiều dài 24km, tổng mức đầu tư 217,505 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2013 - 2015, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, Bộ Giao thông vận tải mới bố trí được 98 tỷ đồng, đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét bổ sung vốn năm 2016 còn thiếu 119,505 tỷ đồng và năm 2017 bố trí đủ vốn theo Quyết định đã phê duyệt để hoàn thành dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.
Đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam quan tâm bố trí vốn để đầu tư gia cố mái taluy chống sạt lở đoạn qua đèo Tô Na tại Km100 - Km111 Quốc lộ 25, tổng mức đầu tư khoảng 90 tỷ. Hiện nay tại đèo Tô Na (Km110 - Km111) mái taluy dương có chiều cao lớn, địa chất không ổn định, trong khi chưa được gia cố, thường xuyên bị sạt lở, đặc biệt vào mùa mưa tình trạng sạt lở càng nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ và nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông và bố trí vốn đầu tư hoàn chỉnh các đoạn tuyến còn lại trên Quốc lộ 25 với chiều dài 70,8 Km/111,8 Km, với tổng mức đầu tư khoảng 1.850 tỷ đồng, đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt
Hiện thị trấn Chư Sê đã được công nhận là đô thị loại 4 và tỉnh đang tập trung huy động các nguồn lực để đưa huyện trở thành thị xã; đây là khu vực có mật độ dân cư đông đúc, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, bố trí vốn đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh qua huyện Chư Sê từ nguồn kết dư dự án đầu tư Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, với quy mô chiều dài 10,7km, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 7m, mặt đường bê tông nhựa, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 300 tỷ đồng.
Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng nhà ga hành khách, sân đỗ tàu bay tại Cảng Hàng không Pleiku: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã giao Tổng Công ty Cảng hàng không khẩn trương triển khai các thủ tục để khởi công trong 6 tháng đầu năm 2016 (tại công văn số 17259/BGTVT-KHĐT ngày 28/12/2015). Kính đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khẩn trương triển khai thực hiện trong năm 2016, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cơ bản đồng ý với những kiến nghị của tỉnh Gia Lai.
Với tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng đồng ý về chủ trương với dự án xây dựng mở rộng nhà ga với hình thức xã hội hóa cảng hàng không Pleiku. Tuy nhiên, Bộ sẽ phối hợp với địa phương để lựa nhà đầu tư nào có uy tín. Các dự án tỉnh kiến nghị cần xem xét dự án nào khả thi, Bộ GTVT xem xét sớm phê duyệt.
Hiện việc vận chuyển taxi tại sân bay Pleiku rất phức tạp, taxi chở khách ở Kon Tum các hãng taxi Gia Lai lại cản chở không cho họ đón khách trở về. Theo như kiến nghị của tỉnh Kon Tum, đề nghị tỉnh Kon Tum tìm giải pháp kết nối xem xét thành lập tuyến xe buýt Kon Tum- sân bay Pleiku.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.