Đường Hồ Chí Minh qua Gia Lai |
Bài học về sự nhất quán, xuyên suốt từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương trong công tác chỉ đạo điều hành
Thứ nhất là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Được coi là dự án trọng điểm quốc gia, Dự án đã được Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù như chỉ định thầu nhà đầu tư, nhà thầu tư vấn, xây lắp, ứng trước vốn GPMB… để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Ngoài ra, dự án còn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã phân công các phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo, điều hành ở các lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án như: Nguồn vốn cho dự án, GPMB, ATGT, tiến độ, chất lượng công trình, khoa học, công nghệ…
Thứ hai là sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các bộ, ngành, địa phương. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành đã kịp thời giải quyết các vướng mắc trong các lĩnh vực phụ trách. Nhờ đó, trong một thời gian ngắn đã giải quyết xong hàng loạt các công việc mà trước đây phải mất nhiều thời gian mới hoàn thành: Tạm ứng vốn xây dựng các khu tái định cư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án BOT, điều chỉnh định mức, đơn giá, hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phê duyệt đánh giá tác động môi trường, mở rộng công suất khai thác mỏ vật liệu…
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã chủ động, tích cực triển khai công tác GPMB - lĩnh vực rất khó khăn, phức tạp và là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Các địa phương đã thành lập hội đồng GPMB do một phó chủ tịch UBND tỉnh làm chủ tịch hội đồng. Lãnh đạo các tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ GPMB, ban hành chính sách đền bù hợp tình hợp lý nên đã tạo được sự ủng hộ của người dân, sớm bàn giao mặt bằng cho dự án; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đường công vụ, mỏ vật liệu; phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư trong tổ chức duy trì đảm bảo ATGT, an toàn khai thác trong quá trình thi công... Kết quả là chỉ trong vòng 6 tháng đã cơ bản bàn giao mặt bằng của 419km cho các đơn vị thi công.
Thứ ba là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt xuyên suốt của Bộ GTVT mà đứng đầu là đồng chí Bộ trưởng. Đó là, Bộ đã chủ động rà soát, ban hành các văn bản về quản lý xây dựng, loại bỏ các quy định bất hợp lý; duy trì sự chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt đối với các cơ quan trực thuộc Bộ có liên quan đến dự án; giao cho 01 đơn vị quản lý chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh) trực tiếp quản lý, điều hành chung mà không giao cho nhiều Ban QLDA để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; kiên quyết xử lý, thay thế các chủ thể tham gia dự án kém năng lực (nhà thầu, TVGS, Ban QLDA...). Đối với các dự án thực hiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, lãnh đạo Bộ kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư; làm việc trực tiếp với ngân hàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ nhà đầu tư thu xếp vốn và thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư...; tổ chức triển khai thực hiện, kiểm soát tiến độ, chất lượng các dự án BOT như dự án sử dụng NSNN.
Công tác chỉ đạo, điều hành được kiểm điểm định kỳ hàng tháng tại các công trường xây dựng, do đó đã kịp thời uốn nắn tất cả các công việc của dự án từ GPMB, tiến độ, chất lượng công trình và ATGT... Hàng tháng, Ban Cán sự Đảng bộ đều họp kiểm điểm tiến độ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Nhờ đó, các chủ trương lớn, các vướng mắc đều được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến của tập thể Ban Cán sự Đảng bộ Bộ GTVT. Vì vậy, đa số các chủ trương, phương án xử lý vướng mắc đều được rút ngắn thời gian xử lý.
Bài học bám sát, quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong công tác QLDA
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã thực hiện QLDA một cách có hiệu quả, sáng tạo. Một số biện pháp được Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thực hiện để quản lý tốt tiến độ, chất lượng các dự án như: Đề xuất với Bộ GTVT cho phép tạm phê duyệt dự toán để đẩy nhanh tiến độ chỉ định thầu xây lắp, dự toán chính thức được duyệt trong giai đoạn sau; bố trí cán bộ thường xuyên bám sát công trường hướng dẫn, đôn đốc tiến độ và quản lý chất lượng thường xuyên…
Thông qua việc thường xuyên kiểm tra hiện trường, họp giao ban sản xuất hàng tháng của lãnh đạo Ban nên việc chỉ đạo, đôn đốc tiến độ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc được kịp thời; chỉ đạo tập kết vật liệu đá trong mùa mưa để mùa khô thi công. Trong mùa mưa 2014, các nhà thầu đã cơ bản tập kết đủ đá để mùa khô tập trung thi công. Đây chính là yếu tố quyết định tới tiến độ và chất lượng của dự án. Đồng thời, Ban đề xuất với Bộ GTVT kiến nghị với Chính phủ cơ chế cấp phép khai thác đá đã hết hạn và vượt quá trữ lượng để giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu đá; kiên quyết xử lý mạnh các nhà thầu vi phạm. Các nhà thầu chậm tiến độ, vi phạm chất lượng sẽ bị cảnh cáo, cắt bớt khối lượng hoặc nặng hơn là thay thế nhà thầu
Đối với các dự án BOT, do trình độ kinh nghiệm quản lý dự án của một số nhà đầu tư còn hạn chế nên Ban đã phối hợp, hướng dẫn các nhà đầu tư từ việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư cho tới quy trình quản lý thi công. Để nâng cao công tác quản lý chất lượng, Ban đã thành lập Tổ chuyên gia độc lập bao gồm các chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực bê tông nhựa và vật liệu xây dựng, thường xuyên kiểm tra hiện trường và hướng dẫn cho tư vấn giám sát, nhà thầu thi công có giải pháp xử lý, khắc phục các vị trí không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là lớp móng cấp phối đá dăm và mặt đường bê tông nhựa. Vì vậy, chất lượng các dự án cơ bản được kiểm soát, đến nay trên toàn tuyến chưa phát hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, đảm bảo giao thông êm thuận ngay cả khi gặp thời tiết nắng nóng bất thường và kéo dài.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, quản lý tốt chất lượng dự án, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo ATGT, ATLĐ, VSMT.
Nhờ thực hiện tổng thể các giải pháp trên mà 419km đường Hồ Chí Minh khu vực Tây Nguyên và Bình Phước triển khai năm 2013 hoàn thành vượt tiến độ và đảm bảo chất lượng, đáp ứng đúng các mục tiêu “Chất lượng cao nhất - Tiến độ nhanh nhất - An toàn nhất - Tiết kiệm nhất”được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu và thông xe đồng bộ từ tháng 7/2015, tiết kiệm được hơn 4.000 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án thành phần khác. Đặc biệt, qua việc triển khai thi công dự án trọng điểm này, CBVC Ban QLDA đường Hồ Chí Minh ngày càng trưởng thành hơn. Những kinh nghiệm quý báu trong quá trình triển khai dự án sẽ được Ban QLDA đường Hồ Chí Minh áp dụng để triển khai các dự án lớn, phức tạp tới đây, góp phần sớm nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) như yêu cầu của Nghị quyết 66/2013/QH13 của Quốc hội cũng như thành công của ngành GTVT trong thời gian tới
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước bắt đầu từ Đăk Zôn, tỉnh Kon Tum, chạy qua các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Đoạn tuyến có chiều dài 663km, bao gồm đoạn Đăk Zôn - Tân Cảnh (Kon Tum) dài 110km được đầu tư trong giai đoạn 1 (đưa vào sử dụng cuối năm 2003) và đoạn Tân Cảnh (Kon Tum) - Chơn Thành (Bình Phước) dài 553km được đầu tư trong giai đoạn 2, trong đó các đoạn qua đô thị các tỉnh Tây Nguyên dài 134km (10 dự án thành phần, TMĐT gần 5.000 tỷ) được đầu tư từ năm 2008, hoàn thành năm 2013, còn lại 419km (11 dự án thành, TMĐT khoảng 13.000 tỷ) đầu tư từ cuối năm 2013. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.