Chưa tận dụng hiệu quả năng lực tư nhân
Đối với phương pháp truyền thống là tách bạch hoàn toàn hai hoạt động thiết kế và thi công, nhà thầu thi công xây dựng công trình sẽ được lựa chọn sau khi dự án đã có thiết kế kỹ thuật được thẩm tra thẩm định. Như vậy, các doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng các tiêu chí về năng lực thi công, kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự để có thể trở thành nhà thầu cho một dự án.
Tuy nhiên, từ thực tế "giao thông đi trước mở đường" những năm qua tại Việt Nam với hàng loạt dự án giao thông được thực hiện, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông trong nước đã có nhiều điều kiện để trưởng thành, bên cạnh năng lực thi công, đó còn là khả năng về quản trị điều hành dự án, thiết kế công trình mà nếu Nhà nước tận dụng được, sẽ mang lại lợi ích lớn cho nhiều bên từ Nhà nước, người dân, chủ đầu tư và cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giao thông trong nước lớn mạnh.
Ví dụ, đối với một số dự án cầu dây văng lớn ở phía Nam, trước nay đều do nhóm các doanh nghiệp quen thuộc chuyên thi công cầu dây văng trúng thầu xây dựng. Nếu tiếp tục triển khai các dự án cầu dây văng trong tương lai theo phương pháp truyền thống, cơ hội hầu như vẫn sẽ gói gọn cho những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm xây dựng cầu dây văng thực hiện, không tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp khác để đột phá, không tận dụng được năng lực quản trị điều hành dự án sẵn có từ phía tư nhân, vốn là yếu tố để nâng cao tính chịu trách nhiệm của nhà thầu, giảm thiểu khối lượng công việc quản lý dự án cho chủ đầu tư và trên hết là nâng cao hiệu quả dự án.
Bên cạnh đó, sự đứt đoạn riêng rẽ giữa giai đoạn thiết kế và thi công khiến việc triển khai các dự án thiếu tính nhất quán. Nếu khi thi công gặp những vấn đề phát sinh sai khác so với thiết kế ban đầu đã được duyệt thì phải khắc phục khiến thời gian thi công kéo dài, có nguy cơ làm giảm chất lượng công trình. Khi xảy ra các lỗi hay vi phạm, khó phân định trách nhiệm của các nhà thầu bởi mỗi nhà thầu phụ trách một hoạt động thiết kế hoặc thi công.
EC nâng cao hiệu quả
Việc bỏ lỡ nhiều năng lực từ khối tư nhân cho việc xây dựng phát triển hạ tầng giao thông, cùng với những bất cập trong thiết kế, thi công không phải bây giờ mới nảy sinh. Các chuyên gia đã nhiều lần có ý kiến các cơ quan nhà nước cần phải mạnh dạn thay đổi mô hình hợp đồng trong việc xây dựng các dự án.
Hiện nay, chúng ta có nhiều hình thức tổng thầu xây dựng, trong đó, mô hình EC có tính logic cao, liên hoàn và đồng bộ kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại nêu trên, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vận dụng kinh nghiệm quản trị điều hành dự án nhằm thúc đẩy tiến độ hoàn thành công trình và kiểm soát được chất lượng thi công xây dựng.
Bởi lẽ, mô hình tổng thầu EC giúp cho dự án không bị "xé nhỏ" gói thầu, khi được thực hiện bài bản sẽ xác lập trách nhiệm rõ ràng. Tổng thầu là chủ thể chịu trách nhiệm toàn diện cho các giai đoạn thực hiện dự án từ thiết kế kỹ thuật, thi công và hoàn thiện đáp ứng chất lượng và tiến độ đề ra của dự án đã được phê duyệt. Tổng thầu có trách nhiệm chọn lựa các nhà thầu phụ đặc biệt đáp ứng điều kiện, năng lực thực hiện các công việc phức tạp và được chủ đầu tư thống nhất.
Cũng nhờ có vai trò tổ chức quản trị điều hành dự án xuyên suốt từ giai đoạn thiết kế kỹ thuật đến triển khai thi công xây lắp và xử lý các sự cố của tổng thầu EC nên các giai đoạn thiết kế và thi công có sự phối hợp nhịp nhàng, khoa học giúp tối ưu hiệu quả điều hành, các giai đoạn thiết kế và xây dựng có thể thực hiện gối đầu nhau nên có thể rút ngắn thời gian hoàn thành.
TS. Phạm Văn Khánh - Nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng Bộ Xây dựng, Trưởng Ban Kinh tế Tổng hội Xây dựng cho biết việc áp dụng mô hình EC sẽ giúp giảm thiểu khối lượng công việc lựa chọn nhà thầu và thực hiện hợp đồng khảo sát phục vụ thiết kế, thiết kế và thẩm tra, thẩm định thiết kế và dự toán nên rút ngắn thời gian thực hiện dự án so với phương thức truyền thống. Ngoài ra, việc áp dụng hợp đồng EC sẽ khai thác được trí tuệ và kinh nghiệm của nhà thầu trong việc thiết kế thi công phù hợp với thực tiễn, rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội.
"Mô hình này đã được áp dụng rất phố biến trên thế giới. Ở Việt Nam cũng có nhiều dự án xây dựng đã áp dụng, trong đó có các dự án hạ tầng giao thông. Nhiều chuyên gia trong nước cũng cho rằng phương thức EC có triển vọng được triển khai rộng rãi hơn. Tuy nhiên, điều đó cũng phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế chính sách, chủ đầu tư và người có thẩm quyền quyết định đầu tư", T.S Phạm Văn Khánh cho biết.
Làm gì để EC được áp dụng rộng rãi trong xây dựng hạ tầng giao thông hiện nay? Trả lời báo chí, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nêu quan điểm: "Cần phải có những quy định rõ về tình huống tham gia đấu thầu, vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia".
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng, cần chế tài cụ thể, làm tốt được thưởng, không hoàn thành công việc thì phải chịu phạt và gắn trách nhiệm của cơ quan chỉ định thầu. Khâu lựa chọn tổng thầu cần được đánh giá khách quan để chọn được đơn vị có năng lực đáp ứng khả năng thiết kế, giàu kinh nghiệm trong thi công, tiềm lực tài chính đủ mạnh và giàu khát vọng cống hiến. Đó sẽ là cơ sở để các dự án hạ tầng giao thông được triển khai một cách hiệu quả.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.