Liên tiếp tai nạn nghiêm trọng
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên tuyến đường dài 16,5km nối hai tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình (chưa có tên đường chính thức) thuộc địa phận TP. Phủ Lý, Bình Lục và Lý Nhân của tỉnh Hà Nam liên tiếp xảy ra TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Tuyến đường này đang trong thời gian vừa khác vừa thi công mở rộng.
Gần đây nhất, gần trưa ngày 5/10, tại Km 45+700 (thôn 5, xã Đinh Xá, TP. Phủ Lý) xảy ra vụ đâm va giữa xe tải biển số 18C-048.04 và xe bán tải 18C-124.03 khi đang chạy ngược chiều nhau. Vụ tai nạn khiến hai lái xe bị thương, phương tiện hư hỏng nặng.
Đêm 27/9, tại khu vực nút giao Quốc lộ 38B và đường nối hai cao tốc trên, xảy ra vụ một xe ô tô đầu kéo lưu thông theo hướng về TP. Phủ Lý và chạm với một xe mô tô biển số 90B2 - 847.22 lưu thông theo hướng ngược lại. Hậu quả làm người đàn ông điều khiển xe mô tô tử vong.
Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, một số người dân sống dọc hai bến tuyến đường trên bày tỏ lo lắng, bất an khi chứng kiến TNGT liên tiếp xảy ra TNGT và sự nguy hiểm khi tham gia giao thông trên tuyến đường này.
"Xe ô tô tải, xe con chạy qua lại suốt ngày đêm với tốc độ rất nhanh, trên tuyến có nhiều đường nhỏ cắt ngang. Đường đang thi công mở rộng, nhiều chỗ không có đèn chiếu sáng, không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm nên rất dễ xảy ra tai nạn giao thông", anh Sơn, chủ quán cơm Sơn Béo (xã Đinh Xá, TP. Phủ Lý) nói, kể rằng khoảng hơn 2 tháng trước xảy ra vài vụ TNGT liên quan đến học sinh, trong đó có trường hợp bị thiệt mạng.
Trước đó, chỉ trong nửa cuối tháng 7/2022, người dân địa phương ghi nhận 2 vụ TNGT giữa xe ô tô đầu kéo và xe máy, xảy ra tại địa phận xã Trịnh Xá, TP. Phủ Lý và xã Tràng An, huyện Bình Lục, khiến người đi xe máy tử vong.
Thực tế trên rất đáng lo ngại, bởi theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Hà Nam trong 7 tháng đầu năm 2022, tuyến đường nối hai cao tốc kể trên xảy ra tới 8 vụ TNGT, làm 7 người chết và 11 người bị thương; xảy ra 9 vụ va chạm làm 11 người bị thương.
Biện pháp đảm bảo ATGT sơ sài
Tuyến đường nối hai cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội – Hải Phòng hiện đang được thi công mở rộng thêm một chiều đường như hiện nay. Dự án do Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư, Doanh nghiệp Xuân Trường là đơn vị thi công, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2023.
Ông Đỗ Huy Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng (thuộc Sở GTVT Hà Nam, đại diện chủ đầu tư) cho biết, lưu lượng xe lưu thông trên tuyến đường nối hai cao tốc hiện vào khoảng 21.000 xe/ngày đêm, gấp 7 lần so với tiêu chuẩn thiết kế áp dụng đối với tuyến đường (đang khai thác) trên.
Lưu lượng giao thông lớn là yếu tố khách quan gây phức tạp cho tuyến đường trên, song theo khảo sát của PV Tạp chí GTVT, tuyến đường trên vừa thi công vừa khai thác nhưng các biện pháp đảm bảo ATGT để phòng ngừa TNGT khá sơ sài.
Cụ thể, trên tuyến có hàng loạt đường nhỏ chạy cắt ngang qua (cả đường hiện tại và đường đang thi công) nhưng không được bố trí các báo hiệu cảnh báo, ban đêm không có đèn tín hiệu để cảnh báo người tham gia giao thông. Các vị trí giao cắt như trên nguy hiểm cho phương tiện băng qua đường, nhất là xe hai bánh.
Còn trên dọc tuyến, dãy cọc hàng rào ngăn cách giữa phân đường đang khai thác với đường đang thi công chỉ được chăng dây sơ sài, thiếu các báo hiệu cảnh báo nguy hiểm như đi chậm, tuân thủ tốc độ, cảnh báo đoạn đường thường xảy ra TNGT…
Tại một số đoạn đường có hoạt động thi công cũng chỉ được cảnh báo giao thông bằng dây và cọc phân cách giữa đường đang khai thác và đường đang thi công. Trong khi đó, tuyến đường trên có mật độ lớn xe tải, xe ô tô lưu thông nhưng không có biển hạn chế tốc độ, cấm vượt tại những đoạn đường cong. Những ngày tháng 10/2022, khi thực tế trên tuyến không thấy lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm giao thông…
Một cán bộ của Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam cho biết, tuyến đường trên được giao cho Công an TP. Phủ Lý và các huyện Bình Lục, Lý Nhân phụ trách công tác đảm bảo ATGT. Do đó, thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm thuộc lực lượng CSGT các địa bàn trên.
Cần gắn trách nhiệm chủ đầu tư, đơn vị thi công
Theo Khu Quản lý đường bộ I (Cục Đường bộ VN), đoạn tuyến trên nằm trên trục đường nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội – Hải Phòng, thuộc địa phận tỉnh Hà Nam và Hưng Yên, trong đó, đoạn qua tỉnh Hà Nam dài 16,5km.
Giai đoạn 1 của dự án hoàn thành năm 2019, với công trình đường 2 làn xe, chiều rộng mặt đường 11m được đưa vào khai thác. Hiện hai địa phương đang triển khai giai đoạn 2 của dự án, mở rộng đường thành 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h.
Về tình hình TNGT diễn biến phức tạp trên tuyến đường trên, ông Đỗ Huy Tuấn, Phó Ban Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nam cho biết, trước khi giai đoạn 2 của dự án được triển khai thi công, tuyến đường trên xảy ra khá nhiều TNGT, chứ không phải tăng đột biến sau khi có công trình thi công.
"Nguyên nhân chủ yếu tai nạn do ý thức của người tham gia giao thông. Đơn vị quản lý dự án cũng đã kiểm tra công tác bảo đảm ATGT theo chỉ đạo của Cục Đường bộ VN, nhưng không có đề xuất bổ sung giải pháp đảm bảo ATGT nào", ông Tuấn nói.
Ông Trần Hưng Hà, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ I cũng cho biết, công trình đường giai đoạn 1 có nhiều ngã tư giao cắt với đường thôn xã, đường tỉnh, đường huyện, nên tiềm ẩn xảy ra TNGT. Các địa phương cũng đã lắp một số đèn tín hiệu giao thông, sơn gồ giảm tốc để giảm thiểu TNGT.
"Tuy vậy, trên tuyến hiện có một số điểm có nguy cơ mất ATGT, nhất là vào ban đêm do đường không có đèn chiếu sáng. Chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc nhắc nhở cả chủ đầu tư dự án và các nhà thầu thực hiện nghiêm việc cảnh báo, điều tiết phân luồng giao thông và bố trí đèn xoay báo hiệu ban đêm để hạn chế TNGT. Cắt cử cán bộ theo sát các đoạn để xử lý kịp thời các tình huống mất ATGT", ông Hà cho biết.
Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, một số người dân sống ven tuyến đường trên bày tỏ mong muốn chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương hoàn thành dự án. Bên cạnh đó, trong thời gian thi công, bổ sung các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa TNGT tại các vị trí nguy hiểm, kiểm soát và xử lý vi phạm về tốc độ xe ô tô lưu thông trên tuyến để kéo giảm TNGT.
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai sót tại dự án
Dự án mở rộng đường nối hai cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội – Hải Phòng thuộc địa phận tỉnh Hà Nam (từ Km31+245-Km46+700) do Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Dự án được khởi công tháng 2/2022 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2023.
Theo Thông báo số 546/TB-KTNN ngày 9/9/2022 của Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (toàn bộ dự án giai đoạn I và II, gồm cả công trình qua địa bàn tỉnh Hưng Yên và Hà Nam), công tác quản lý, tổ chức thi công dự án có nhiều sai sót, không tuân thủ đúng quy định pháp luật liên quan.
Đối với giai đoạn II do Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư (xây dựng đường và cầu từ nút giao Đường tỉnh 499 (Km31+245) đến nút giao Liêm Tuyền (Km47+543), Gói thầu xây lắp thi công xây dựng công trình được Kiểm toán Nhà nước phát hiện là áp dụng định mức chưa phù hợp với công việc xây dựng, tính toán khối lượng thiết kế chưa chính xác, dẫn đến sai giá trị dự toán 20,871 tỷ đồng, trong đó, sai khối lượng 19,260 tỷ đồng, sai định mức đơn giá 1,61 tỷ đồng.
Chủ đầu tư đã không áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng theo quy định đối với các gói thầu tư vấn. Cụ thể, việc Sở GTVT Hà Nam lập, trình Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 1054/QĐ-BGTVT ngày 11/6/2021 và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu điều chỉnh tại Quyết định số 1380/QĐ-BGTVT ngày 26/7/2021 với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước không áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với Gói thầu số 1 - Tư vấn khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán và Gói thầu số 4 - Tư vấn giám sát thi công xây dựng là chưa tuân thủ quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 29, Thông tư số 11/2019/TT- BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Công tác thương thảo và ký kết hợp đồng Gói thầu số 3 - Xây dựng công trình của Sở GTVT Hà Nam chưa tuân thủ Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng và Nghị định 50/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.
Cụ thể, Hợp đồng Gói thầu số 3 không có điều khoản tạm dừng hợp đồng (Điều 40, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP); không quy định về quyền và nghĩa vụ của bên giao thầu và bên nhận thầu thi công (Điều 27, 28, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP).
Đặc biệt, trong quy định về điều chỉnh tiến độ hợp đồng thiếu yếu tố thay đổi do điều chỉnh dự án, tạm dừng hợp đồng do lỗi của bên giao thầu; tạm dừng thực hiện công việc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; một số điều khoản về chấm dứt hợp đồng xây dựng theo Điều 41, Nghị định số 50/2021/NĐ-CP chưa được thỏa thuận tại Hợp đồng.
Liên quan công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, qua hồ sơ thi công của nhà thầu (Báo cáo số 25/BC-DNXT ngày 12/01/2022), Kiểm toán Nhà nước ghi nhận việc trong quá trình đóng cọc ván thép và tiến hành đào thay đất, đắp nền đường đoạn Km44+780-Km44+940 có xuất hiện nứt dọc mặt đường cũ (giai đoạn I).
Tuy nhiên, cả chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công đã không tiến hành lập biên bản hiện trường, xác định nguyên nhân để tránh hiện tượng xuất hiện các vết nứt như trên khi thi công các đoạn tiếp theo.
Cũng tại Gói thầu số 3, Dự án thành phần II, giai đoạn II, đến thời điểm kiểm toán, công trình đã thi công được 29,19% khối lượng, nhưng chủ đầu tư chưa mua bảo hiểm công trình theo quy định (khoản 1, Điều 46, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP); chưa lập Kế hoạch tổ chức thí nghiệm, quan trắc, đo đạc các thông số kỹ thuật của công trình theo yêu cầu thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật; chưa lập biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật liệu, sản phẩm cấu kiện được sử dụng cho công trình; xây dựng và triển khai Kế hoạch kiểm tra, nghiệm thu công việc xây dựng theo quy định tại khoản 3, Điều 13, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.