Đường hư hỏng nặng, giảm hiệu quả đầu tư
Cách đây hơn 5 năm, đoạn tuyến QL38B nối từ QL38 với cầu Hợp Lý (vượt sông Châu Giang, địa bàn xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) có chiều dài 12km được đầu tư xây dựng hoàn thành đến hạng mục kết cấu mặt đường cứng, còn chưa làm móng và trải bê tông nhựa mặt đường. Dù vậy, với cây cầu mới và tuyến đường được mở rộng hơn so với trước, giúp phương tiện vận tải hàng hóa, phương tiện dân sinh lưu thông thuận lợi.
Nhưng chỉ một thời gian sau, theo phản ánh của người dân, tuyến đường này nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường nhiều đoạn gồ ghề, lồi lõm, nhiều hố sâu khiến phương tiện lưu thông rất khó khăn.
Khảo sát của PV Tạp chí GTVT đầu tháng 10/2022 cũng cho thấy cung đường trên bị hư xuống cấp nghiêm trọng, mặt đườn chi chít các vệt "sống trâu", vũng lầy "trâu đầm", khiến các loại xe đi lại khó khăn, nhất là vào đêm tối, khi thời tiết xấu. Dù tuyến đường này nối với các trục giao thông trọng yếu khác để đi Hưng Yên, Thái Bình... nhưng đường xấu nên hiện hầu như không có xe ôtô chạy qua.
Ông Trần Văn Hòa (người dân xã Chuyên Ngoại) và một số người dân trong khu vực trên cho biết, tuyến đường trên đã hỏng, xuống cấp từ vài năm nay nhưng không thấy ai sửa. "Lúc mới làm xong cầu và đường được mở rộng có nhiều xe ôtô tải chạy qua, nhưng sau xuống cấp nặng, khó đi nên giờ ít xe chạy qua. Có đợt đường hỏng nặng, xe ôtô không đi đến giữa đường không đi tiếp được, phải thuê máy xúc đổ đá dăm lấp hố mới đi được. Ôtô đã thế, người dân, học sinh đi lại bằng xe máy, xe đạp rất khổ sở", ông Hòa kể, chỉ tay vào biển hạn chế trọng tải tối đa 3,5 tấn ở đầu cầu vượt sông.
Tìm hiểu thêm cho thấy, trước tình trạng đường xuống cấp kéo dài và không được sửa chữa, năm 2021 và vừa qua người dân địa phương tiếp tục phản ánh đến Ban Dân nguyện của Quốc hội, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng sớm đầu tư xây dựng hoàn thiện đoạn tuyến trên.
Nội dung kiến nghị cũng cho biết, cử tri địa phương đã nhiều lần có ý kiến đến các cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết.
5 năm chưa xong bàn giao
Theo quy định pháp luật thì tuyến đường trên do Tổng cục Đường bộ VN (nay là Cục Đường bộ VN) quản lý bảo trì, sửa chữa để bảo đảm giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, từ khi tuyến đường được đưa vào sử dụng đến nay, đơn vị này chưa bảo trì, sửa chữa lần nào.
Lý giải về việc này, lãnh đạo Phòng Kế hoạch – đầu tư, Cục Đường bộ VN cho biết, đến thời điểm này, tuyến đường trên chưa được tỉnh Hà Nam bàn giao cho Bộ GTVT (trực tiếp là Cục Đường bộ VN) quản lý. "Từ năm 2021 đến nay, Bộ GTVT nhiều lần có ý kiến với tỉnh Hà Nam, đề nghị chỉ đạo đơn vị quản lý dự án xác nhận về việc hết thời hạn bảo hành dự án của dự án để Cục báo cáo Bộ GTVT bố trí vốn để chữa, bảo trì tuyến đường. Thế nhưng đến nay dự án chưa xong thủ tục này. Theo quy định, chưa xong thủ tục trên thì Cục không thể thực hiện bảo trì, sửa chữa được", lãnh đạo Phòng trên cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam (chủ đầu tư dự án) cho biết, nguyên nhân chính khiến tuyến đường bị hỏng, xuống cấp không phải do lỗi nhà thầu nên gặp khó khăn, vướng mắc trong việc đề nghị nhà thầu bỏ kinh phí ra sửa chữa.
"Sau khi tuyến đường được đưa vào sử dụng, với hiện trạng chỉ được đầu tư nền đường và mặt đường đá dăm nhưng do có lượng lớn xe tải nặng chạy qua nên nhanh chóng hư hỏng.
Dự án làm thủ tục quyết toán để bàn giao cho Tổng cục Đường bộ VN từ năm 2017 và đến năm 2021 quyết toán xong. Khi đó, chủ đầu có văn bản đề nghị cắm biển hạn chế trọng tải xe không quá 3,5 tấn, nhưng đến nay vẫn không ngăn được xe tải nặng chạy qua, dẫn đến đường tiếp tục hư hỏng.
Trong khi, dự án đã quyết toán xong vào năm 2021, coi như kết thúc dự án, song lại chưa thể hoàn thành thủ tục kết thúc bảo hành dự án", ông Thắng cho hay.
Cũng theo ông Thắng, từ năm 2018 đến nay, chủ đầu tư đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng chưa giải quyết được vấn đề trên. Trước khó khăn, vướng mắc trên, UBND tỉnh Hà Nam có văn bản chỉ đạo Sở GTVT Hà Nam nghiên cứu theo hướng dùng kinh phí địa phương để sửa chữa đường. Tuy nhiên, giải pháp này cũng gặp vướng mắc là theo quy định của pháp luật ngân sách thì không thể dùng kinh phí địa phương để sửa chữa quốc lộ trên địa bàn.
"UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo Sở GTVT địa phương đề xuất Bộ GTVT chuyển tuyến đường trên thành đường địa phương. Sau khi chuyển thành đường địa phương sẽ dùng ngân sách địa phương để đầu tư hoàn thiện tuyến đường trên", ông Thắng cho biết phương án giải quyết.
Về phía Cục Đường bộ VN cũng cho biết, sẽ tiếp tục làm việc với chủ đầu tư dự án, Sở GTVT địa phương để thống nhất phương án giải quyết dứt điểm vướng mắc nêu trên để sớm sửa chữa tuyến đường trên.
Tuy nhiên khá bất ngờ, khi PV liên hệ với Sở GTVT tỉnh Hà Nam tìm hiểu hướng xử lý khắc phục hư hỏng tại Quốc lộ 38B để không cản trở lưu thông trên địa bàn thì Sở này từ chối cung cấp thông tin.
Từ đường tỉnh chuyển thành Quốc lộ 38B
Đoạn tuyến QL38B đoạn từ QL38 đến cầu Hợp Lý trước đây là đường địa phương, năm 2011 tỉnh Hà Nam có chủ trương đầu tư nâng cấp, cải tạo nhưng không bố trí được vốn nên hoãn lại. Sau đó, đoạn tuyến trên được chuyển đoạn tuyến thuộc QL38B.
Nội dung cải tạo, nâng cấp đoạn quốc lộ trên năm trong Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 492 đoạn Km0 - Km12 và nhánh nối từ đường tỉnh 492 đến bến xe Hòa Mạc (gọi tắt là Dự án) được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam quyết định đầu tư tại Quyết định số 273/QĐ-UBND ngày 7/3/2011, với quy mô đường cấp IV đồng bằng (nền đường rộng 9 m, mặt đường rộng 7 m), mặt đường bê tông nhựa.
Tổng mức đầu tư dự án là hơn 200 tỷ đồng, nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên đoạn tuyến trên mới hoàn thành đầu tư đến điểm dừng kỹ thuật (hoàn thiện nền đường K98 và cầu Hợp Lý), chưa xây dựng lớp móng, lớp bê tông nhựa mặt đường.
Dự án ban đầu do Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư và hiện do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình tỉnh Hà Nam đảm nhận.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.