Ở TP.HCM, chung cư tái định cư hay nhà ở xã hội cũng khó tìm những căn hộ giá dưới 700 triệu đồng - Ảnh: N.TRIỀU |
Dự thảo Luật thuế tài sản quy định "Nhà có giá trị trên 700 triệu đồng sẽ phải nộp thuế" vừa được Bộ Tài chính công bố đã khiến hàng triệu gia đình "chột dạ". Vì sao?
Ngoài nội dung tính thuế trên giá trị nhà, nhiều nội dung liên quan đến cách tính thuế, thuế suất được đại diện Bộ Tài chính trình bày, bộc lộ nhiều bất cập, có nguy cơ dẫn đến "thuế chồng thuế". Người dân vốn đang khó khăn, lại càng khó khăn hơn khi chịu thêm khoản thuế này.
Quá bất hợp lý!
Theo thông tin các báo đăng tải, "Bộ Tài chính đưa ra hai phương án tính thuế trên giá trị nhà từ 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỉ đồng, song chúng tôi nghiêng về phương án đánh trên thuế nhà từ giá trị từ 700 triệu đồng trở lên mới phải chịu thuế" - ông Phạm Đình Thi, vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính, thông tin tại buổi họp báo công bố dự án Luật thuế tài sản chiều 13-4.
Theo lý giải của ông Thi, hiện tại giá thành xây dựng một mét vuông nhà ở là 7,3 triệu đồng, một căn nhà 100 m2 sẽ có giá thành xây dựng 730 triệu đồng và phải chịu thuế trên phần vượt 700 triệu đồng.
Bộ Tài chính dự định áp dụng nguyên tắc giá thành xây dựng nhà để tính thuế tài sản là hết sức bất ổn trong xây dựng văn bản pháp luật. Bởi lẽ, nguyên tắc cơ bản của xây dựng luật là phải có tính ổn định lâu dài, trong khi giá cả, giá trị đồng tiền luôn biến động theo nền kinh tế, theo chỉ số lạm phát.
Nếu chốt cách tính thuế tài sản dựa vào giá trị nhà trên 700 triệu đồng phải chịu thuế, e rằng, khi đạo luật này chưa có hiệu lực thi hành đã bị lạc hậu. Chỉ nhìn vào chỉ số lạm phát trong 2 năm 2016, 2017 (lần lượt tăng 4,74% và 3,53%) đủ nói lên sự bất hợp lý về nguyên tắc tính thuế của Bộ Tài chính.
Mặt khác, đối với các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, căn hộ chung cư diện tích 50m2, đã có giá trên 700 triệu đồng. Ngay cả nhà ở xã hội, mức giá cũng không dưới con số khởi điểm để tính thuế do Bộ Tài chính đưa ra.
Đáng lưu ý, đây là những căn hộ có diện tích thuộc loại nhỏ nhất, đa phần dành cho người có thu nhập thấp, những cặp vợ chồng mới tạo lập gia đình. Để có được tiền mua căn hộ như vậy, họ phải đi vay mượn gia đình, bạn bè, đi vay ngân hàng. Hàng tháng tích cóp để trả lãi ngân hàng, trả nợ vay đã quá vất vả, thì nay lại gánh thêm khoản "thuế tài sản".
Cuộc sống vốn khó khăn, càng thêm khó khăn, vì vậy khi xây dựng Luật thuế tài sản, Bộ Tài chính không nên nhắm vào đối tượng thuộc thành phần mới qua khỏi ngưỡng "xóa nghèo", "cận nghèo" trong xã hội.
Đối với nhà ở riêng lẻ, nhà phố ở các thành phố lớn, giá trị căn nhà từ 700 triệu đồng trở xuống, chỉ có thể là nhà cấp 4, nhà ổ chuột, khó tìm được nhà phố nào có giá trị (không tính giá trị quyền sử dụng đất) dưới 700 triệu đồng.
Nếu quy định này được ban hành, sẽ tạo một tác động ngược là người dân sẽ không dám xây dựng, cải tạo nhà khang trang, mà có khi sẽ tạo ra "ổ chuột hóa" nhà ở đô thị.
Nguy cơ thuế chồng thuế
Hiện nay, khi người dân mua đất xây dựng nhà, họ phải chịu nhiều khoản thuế, phí. Trước hết là thuế sử dụng đất ở theo Thông tư 153/2011/TT-BTC ngày 11-11-2011 của Bộ Tài chính. Mức thuế này được tính trên diện tích đất ở, nhân với giá mỗi mét vuông và mức thuế suất.
Kế đến là thuế thu nhập cá nhân (do người bán đóng nhưng được tính vào giá chuyển nhượng) đối với trường hợp phải đóng thuế. Khi xây dựng nhà ở, người dân phải chịu thêm khoản thuế VAT cho các loại vật liệu xây dựng, thuế VAT trên hợp đồng thi công (không bao gồm vật tư, thiết bị).
Ngoài ra, người dân còn phải nộp các khoản lệ phí như: lệ phí trước bạ, phí công chứng, phí đo vẽ, phí cấp mới giấy chứng nhận…
Đối với các căn hộ chung cư, hàng năm người dân cũng bị thu thuế đất ở được phân bổ trên diện tích sàn sử dụng thực tế (điều 5 Thông tư 153). Ngoài thuế sử dụng đất, người dân mua nhà chung cư còn phải chịu thuế VAT và cả thuế thu nhập của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (được tính vào giá bán).
Như vậy, rõ ràng để có một căn nhà, người dân đã "cõng" nhiều loại thuế, phí, nay Bộ Tài chính lại "vẽ" ra thêm thuế tài sản.
Đối với ôtô, theo dự thảo những xe có giá trên 1,5 tỉ đồng cũng phải nộp thuế tài sản, với mức thuế suất từ 0,3 -0,4%.
Hiện nay, một chiếc ôtô về Việt Nam đã chịu rất nhiều loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT). Từ ngày 1-1-2018, thuế nhập khẩu khu vực ASEAN có mức thuế suất 0%, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe từ 1.5L trở xuống giảm từ mức 40% xuống còn 35% và xe có dung tích xi lanh từ 1.5L đến 2.0L được giảm xuống còn 40%.
Để có thể lưu thông trên đường, những chiếc ôtô cần phải hoàn thành những loại thuế sau: thuế thu nhập doanh nghiệp (doanh nghiệp đóng, tính vào giá xe), phí trước bạ, phí cấp biển số, phí đăng kiểm, phí môi trường...
Đó là lý do vì sao, giá ôtô ở Việt Nam cao ngất ngưỡng, gấp 2-3 lần các nước. Hiện nay, một chiếc xe giá từ 1,5 tỉ đồng trở lên, chỉ thuộc dòng xe hạng trung chứ xe hạng sang đều có giá ít nhất trên 2,5 tỉ đồng. Nay thêm "thuế tài sản", ước mơ sở hữu một chiếc xe hạng trung bình đã vượt quá tầm tay của người dân có thu nhập trung bình.
Dự án Luật thuế tài sản, chỉ mới là dự thảo do Bộ Tài chính dự thảo. Mong rằng, Bộ Tài chính, Ban soạn thảo dự luật lắng nghe góp ý của người dân để xây dựng một văn bản luật - tác động đến hàng triệu gia đình - đảm bảo sự công bằng, hợp lý.
Một văn bản luật chưa ra đời đã bị phản đối thì không thể là một văn bản luật phù hợp với đông đảo người dân.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.