"Dừng lại mà điện thoại"

Tác giả: Đức Thọ

saosaosaosaosao
Văn hóa 08/05/2023 07:50

Đó là lời khuyên có chút gay gắt của người đàn ông đi đường sau khi vượt lên song song với một thanh niên một tay lái xe máy một tay vuốt điện thoại.

"Loạng quạng thế người đi sau biết tránh vào đâu", người đàn ông nói tiếp sau khi gặp ánh mắt nhìn ngang không cảm xúc của gã thanh niên.

Nếu bạn đang có thói quen vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại, hãy dừng lại ngay trước khi quá muộn.

Nếu bạn đang có thói quen vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại, hãy dừng lại ngay trước khi quá muộn.

Kỳ thực, tôi vô cùng dị ứng với những người vừa điều khiển phương tiện vừa dùng điện thoại khi tham gia giao thông. Thỉnh thoảng "vô phúc" phải làm hành khách trên những chiếc xe mà tài xế vừa lái vừa nhắn tin, lướt mạng xã hội hay chỉ đơn giản là nhấc điện thoại lên để xem… có gì mới không, tôi luôn có cảm giác nớp nớp lo sợ điều gì đó sẽ xảy đến.

Có thể tôi là người quá nhạy cảm, hoặc cũng bởi bản thân tôi lái xe rất nhiều và cũng là người nắm được những kỹ năng lái xe mà không nhiều người ở Việt Nam được đào tạo. Là một nhà báo chuyên sâu về lĩnh vực ô tô, xe máy và giao thông từ đầu những năm 2000, tôi được nhiều nhóm huấn luyện viên và các tay đua chuyên nghiệp quốc tế đào tạo lái xe an toàn và cả những kỹ năng vốn chỉ dùng trên đường đua. Bởi vậy, việc tôi nhạy cảm hơn với những tình huống, những cá nhân lái xe bất cẩn cũng là hoàn toàn dễ hiểu. Trong vô vàn kiểu bất cẩn và coi thường sức khoẻ, tính mạng con người thì dùng điện thoại khi lái xe có thể nói là trường hợp phổ biến nhất tại Việt Nam.

"Tôi đã lái cuộc đời mình vào nhà tù vì thói quen xấu sử dụng điện thoại lướt mạng trong lúc lái xe. Bây giờ có biện hộ gì đi chăng nữa thì cũng quá sai, mạng người đã mất không bao giờ có thể lấy lại được. Sai lầm lần này là bài học đắt giá cho nhiều tài xế", Nguyễn Văn Khải, 26 tuổi, nói tại phiên xử mở tại TAND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) hồi trung tuần tháng 4/2023. Khải là nhân viên hợp đồng của một doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội. Theo như VnExpress đưa tin, ngày 12/12/2022, Khải cùng anh Phạm Văn Kỳ, 32 tuổi, lái ôtô chở hàng thư báo đi từ TP.HCM về Nam Định, luân phiên đổi lái. Tối cùng ngày, khi qua Quốc lộ 1 thuộc xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, do mải sử dụng điện thoại khi lái xe, Khải không để ý nên tông trúng anh Nguyễn Hữu Vị, 49 tuổi, đang đạp xe cùng chiều phía trước. Hậu quả khiến anh Vị tử vong tại chỗ.

Khải chỉ là một trường hợp điển hình trong rất nhiều những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra bởi người cầm lái vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại. Đáng nói ở chỗ, tình trạng người vừa điều khiển phương tiện vừa dùng điện thoại đang diễn ra phổ biến đến mức chỉ cần ra đường, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy. Đôi khi, chỉ đơn giản bạn thấy chiếc ô tô phía trước di chuyển không thẳng, có chút lệch làn hay chậm hơn so với toàn bộ phương tiện xung quanh, chắc chắn người tài xế đó đang sử dụng điện thoại.

Hành vi vừa lái xe vừa dùng điện thoại không chỉ là phạm luật mà còn luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Hành vi vừa lái xe vừa dùng điện thoại không chỉ là phạm luật mà còn luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Sử dụng điện thoại khi lái xe là phạm luật. Theo quy định tại Nghị định 100/2019 của Chính phủ, người điều khiển ô tô có hành vi dùng tay sử dụng điện thoại sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 1-4 tháng; mức phạt với người điều khiển xe máy từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 1-4 tháng.

Chế tài xử phạt đã rất rõ ràng. Với những trường hợp gây tai nạn hậu quả nghiêm trọng đến mức bị xử lý hình sự, hành vi vừa lái xe và dùng điện thoại sẽ là tình tiết tăng nặng. Câu hỏi đặt ra là tại sao vẫn có quá nhiều người "hồn nhiên" phạm luật như vậy? Do vấn đề nhận thức hay coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác và chính bản thân mình.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 1,25 triệu người thiệt mạng và từ 20 - 50 triệu người khác bị thương bởi tai nạn giao thông. Những người thường xuyên sử dụng điện thoại có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 4 lần so với những người tập trung điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Với cá nhân tôi, một thắc mắc thường trực và rất đỗi bình thường là tại sao không dừng lại đôi ba phút để nghe gọi, nhắn tin hay kiểm tra thông tin gì đó trên điện thoại. Tiết kiệm thời gian ư? Hoàn toàn không. Nếu bạn vừa cầm lái vừa dùng điện thoại, tốc độ di chuyển sẽ chậm lại suốt một quãng đường dài cho đến khi bạn sử dụng xong. Trong khi đó, nếu dừng bên lề đường để dùng điện thoại xong, bạn sẽ tập trung cho hành trình tiếp theo, tổng thời gian cho toàn chặng di chuyển sẽ nhanh hơn nhiều. Tôi không muốn nhắc tới tình huống xấu khi xảy ra tai nạn giao thông, bởi hậu quả là không thể khắc phục.

Nếu bạn đang có thói quen vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại, hãy dừng lại ngay trước khi quá muộn.

Ý kiến của bạn

Bình luận