Thi công dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh: TL |
Tại công văn do Bộ Kế hoạch Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (Quảng Ninh) mới đây, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, Bộ đã nhận được ý kiến góp ý của các cơ quan Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính cũng như Bộ Giao thông vận tải và về cơ bản các bộ, ngành còn có nhiều ý kiến khác nhau về việc triển khai dự án này.
Văn bản trích dẫn ý kiến của Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là dự án quan trọng, cấp bách và có tầm quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2030, Chính phủ giao Bộ Giao thông chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch trong đó đoạn tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái thuộc mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia phía Bắc.
“Do vậy, sau khi cân nhắc Bộ Giao thông vận tải kiến nghị chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư dự án này từ UBND Quảng Ninh sang Bộ Giao thông vận tải”, Bộ Giao thông cho hay.
Bộ Giao thông vận tải cho rằng nếu tiếp tục bổ sung đoạn Vân Đồn – Móng Cái vào dự án BOT đoạn Hạ Long – Vân Đồn thì khả năng hoàn vốn của dự án này là khó khả thi.
Trường hợp tách đoạn Vân Đồn – Móng Cái thành một dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) thì rất khó thu hút các nhà đầu tư tham gia do kinh phí lớn.
Ngoài ra, đây là khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư, đặc biệt thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông không thu phí.
Về việc đầu tư từ nguồn vốn vay khác không phải 300 triệu USD từ Trung Quốc, tương đương khoảng 7.000 tỷ đồng, Bộ Giao thông cho biết ngoài Trung Quốc, hiện nay chưa có nhà tài trợ nào khác quan tâm đến dự án này, theo Bộ Giao thông tại thời điểm này việc sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc cho dự án là hợp lý.
Cũng theo Bộ Giao thông về sự cần thiết và hiệu quả đầu tư của dự án, hiện đoạn từ Hạ Long đến Vân Đồn đã được đầu tư theo hình thức BOT và sẽ hoàn thành vào năm 2017, việc tiếp tục đầu tư đoạn từ Vân Đồn đến Móng Cái là cần thiết để đảm bảo kết nối giao thông thông suốt, góp phần phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo lợi thế để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực ASEAN
Về quy mô đầu tư, theo Bộ Giao thông vận tải, trước đây Bộ Giao thông từng dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 810 triệu USD tuy nhiên để giảm thiểu áp lực vay nợ nước ngoài và khả năng đáp ứng về vốn cho dự án, Bộ Giao thông đã điều chỉnh lại, theo đó phân kỳ đầu tư dự án thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư nền đường 4 làn xe hạn chế, mặt đường rộng 16,5m, kinh phí đầu tư dự kiến 8.600 tỷ đồng tương đương 382,25 triệu USD.
“Như vậy, khoản tín dụng ưu đãi bên mua 300 triệu USD của China Eximbank sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư của dự án”, Bộ Giao thông cho hay.
Cuối cùng, về cơ chế tài chính cho dự án, theo Bộ Giao thông đề nghị áp dụng cơ chế tài chính theo hình thức cấp phát toàn bộ vốn vay nước ngoài cho dự án.
Trước đó, đầu năm 2016, Bộ này cũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị sớm đầu tư hoàn thiện đoạn cao tốc, chấp thuận chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư và vận động vay vốn ODA Trung Quốc để đầu tư tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái từ UBND tỉnh Quảng Ninh về Bộ Giao thông vận tải.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.