Đường bộ phải xứng đáng là “anh cả” của ngành GTVT

Tác giả: Hoàng Long

saosaosaosaosao
Bạn đọc 13/01/2020 14:22

Với nhiều hoạt động chuyên ngành khởi sắc, ngành Đường bộ đang góp phần không nhỏ đối với phát triển chung của ngành GTVT trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của đất nước.

 

2aae1c203b81c2df9b90

Nỗ lực hoàn thành trên các mặt công tác

Theo ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, năm 2019 Tổng cục đã tích cực, chủ động trong việc xây dựng văn bản QPPL bảo đảm chất lượng, tiến độ yêu cầu; giải quyết những khó khăn vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn; thực hiện đấu thầu 100% qua mạng toàn bộ các dự án bảo trì đường bộ bảo đảm công khai, minh bạch, vượt tỷ lệ % do Chính phủ, Bộ GTVT quy định. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm ATGT luôn được quan tâm thực hiện, xóa được 100% “điểm đen” và xử lý nhiều điểm tiềm ẩn TNGT trên quốc lộ, góp phần giảm TNGT cả 3 tiêu chí; triển khai phần mềm kết nối dữ liệu 66 trạm thu phí với hệ thống quản lý giám sát thu phí BOT của Tổng cục ĐBVN, góp phần công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, Tổng cục ĐBVN đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, áp dụng chữ ký điện tử, thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử trên trục liên thông; triển khai dịch vụ công mức độ 4 thực hiện cơ chế hải quan 1 cửa quốc gia đối với dịch vụ cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải quốc tế bằng xe ô tô, biển hiệu, qua đó rút ngắn thời gian làm thủ tục, tiết kiệm chi phí; nâng cấp, đổi mới việc tiếp nhận thông tin từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực vận tải, làm cơ sở chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý theo quy định các đơn vị vận tải có phương tiện vi phạm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch quá trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan triển khai thành công dịch vụ công mức độ 3 đổi giấy phép lái xe quốc gia, mức độ 4 cấp giấy phép lái xe quốc tế trên cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 09/12/2019 và đang tiếp tục triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe quốc gia ở một số tỉnh, thành phố có đủ điều kiện trong quý I/2020.

Cũng theo ông Cường, dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương được triển khai tích cực, khẩn trương, trong đó có việc vận động bà con hiến đất xây dựng cầu được Ngân hàng Thế giới và chính quyền, nhân dân địa phương đánh giá cao. Đến nay, hơn 1.600 cầu thuộc dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ bà con nhân dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn. 

Tổng cục đã tăng cường ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong công tác bảo trì và bảo đảm ATGT thể hiện trên các nội dung: tăng mạnh cả về số dự án và chi phí bảo trì cho việc áp dụng công nghệ tái chế móng mặt đường; triển khai các công nghệ bê tông nhựa ấm, bê tông tính năng cao UHPC trong sản xuất dầm cầu (dự án LRAMP), tổ chức đánh giá và triển khai áp dụng vật liệu carboncor asphal CA19 và CA12,5, công nghệ bê tông nhựa nguội chịu nước, neo đất SEEE; đẩy mạnh sử dụng thiết bị công nghệ trong bảo dưỡng đường bộ và các phần mềm trong quản lý, giám sát bảo trì; tổ chức thành công Hội nghị Tổng kết 10 năm phát triển giao thông nông thôn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 của Bộ GTVT.

Phải đột phá xây dựng thể chế

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tổng cục ĐBVN, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, về thể chế, thời gian qua Tổng cục đã tích cực tham mưu Bộ GTVT trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 86/2014 về kinh doanh vận tải và Nghị định số 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT. “Đây là hai nghị định quan trọng để lập lại trật tự vận tải, dẹp nạn “xe dù, bến cóc”, xe trá hình, đồng thời xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm ATGT”. Về công tác duy tu sửa chữa đường bộ, Bộ trưởng đánh giá Tổng cục ĐBVN đang quản lý khối tài sản lớn với gần 25.000km quốc lộ. Trong năm 2019, Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ giải thể, dù khó khăn về nguồn vốn nhưng Tổng cục vẫn đảm bảo tốt công tác này. Năm 2019, TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, điều này chứng tỏ công tác quản lý vận tải, sửa chữa kết cấu hạ tầng, khắc phục “điểm đen” bước đầu phát huy hiệu quả.

Liên quan đến nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục ĐBVN tập trung hoàn thiện thể chế bằng việc tham mưu Bộ GTVT và các cơ quan chức năng sớm ban hành Luật Giao thông đường bộ mới. “Cùng với đó, khi Nghị định 86 và Nghị định 46 ban hành, Tổng cục cần tham mưu để Bộ điều chỉnh một số thông tư có liên quan để thực thi hiệu quả nhất”, Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng đề nghị Tổng cục ĐBVN quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ năng lực, nhất là về công nghệ thông tin để phát triển bền vững. “5 lĩnh vực của ngành GTVT chỉ có duy nhất 01 tổng cục, do đó Tổng cục ĐBVN phải nỗ lực đổi mới, đi đầu về công nghệ, xứng đáng là “anh cả” trong ngành GTVT để các đơn vị khác làm theo. Mặt khác, Chính phủ đã công bố Cổng Dịch vụ công trực tuyến quốc gia, Tổng cục ĐBVN cấp bằng lái xe phải triệt để áp dụng theo tinh thần cấp cho người dân nhanh, thuận lợi, tiết kiệm nhất”, Bộ trưởng chỉ đạo

Ý kiến của bạn

Bình luận