Nhiều lái xe coi đường rộng là... đường cao tốc
Các nhà nghiên cứu của Đại học Bang Ohio (Mỹ) đã áp dụng kỹ thuật Máy học để phân tích hơn 240.000 hình ảnh về các đoạn đường ở Columbus, Ohio được chụp từ Google Street View. Mục đích là để xem những con đường đó trông như thế nào dưới góc nhìn của lái xe và liệu điều đó có liên quan đến các vụ tai nạn nghiêm trọng, chết người hay không.
Kết quả cho thấy, các đoạn đường được phân loại là "đường rộng rãi" có nhiều vụ va chạm gây thương tích hoặc tử vong hơn 48% so với những đoạn được phân loại là "đường dân cư thông thoáng".
Ông Jonathan Stiles, nhà nghiên cứu về địa lý, chủ nhiệm nghiên cứu này cho biết: "Có rất nhiều con đường ở các khu vực đô thị không phải là đường cao tốc nhưng lại trông giống như đường cao tốc từ quan điểm của người lái xe. Đó là vấn đề nghiêm trọng bởi người lái xe sẽ nghiễm nhiên coi đó là đường cao tốc, mặc dù có rất nhiều người đi bộ, hoạt động gần đó."
Nghiên cứu được công bố vào tháng 5 vừa qua trên tạp chí Môi trường và Hoạch định: Phân tích Đô thị và Khoa học thành phố. Đồng tác giả khác là Giáo sư Harvey Miller và nghiên cứu sinh Yuchen Li chuyên ngành địa lý.
Theo Giáo sư Miller, Giám đốc Trung tâm Phân tích Khu vực và Đô thị của bang Ohio, những "con đường rộng rãi" nguy hiểm là hình ảnh quen thuộc với bất kỳ ai hay lái xe qua các khu vực đô thị. Nhìn chung những "con đường rộng rãi" có đặc điểm nhiều làn xe cộ, nhiều biển báo, ít cây cối và có các dải cửa hàng mua sắm, trạm xăng, nhà hàng hai bên đường.
"Dưới góc nhìn của người lái, con đường này có vẻ an toàn khi lái xe ở tốc độ cao", Miller cho biết.
Thùng rác và biển báo liên quan đến TNGT
Sau khi thu thập 241.179 hình ảnh về các đoạn đường ở Colombus, các nhà nghiên cứu đã phân loại những bức ảnh này thành 4 nhóm khác nhau.
Nhóm 1 là Khu dân cư nhiều cây, gồm các bức ảnh chụp đường phố có nhiều cây, lòng đường hẹp.
Nhóm 2 là Khu dân cư thông thoáng, có diện tích bầu trời trong bức ảnh nhiều hơn cũng như nhiều nhà cửa ven đường hơn.
Nhóm 3 là Khu đô thị nhà cửa san sát, giống như khu vực trung tâm thành phố với nhiều tòa nhà, vỉa hè, xe cộ.
Nhóm 4 là Đường rộng rãi, có nhiều diện tích bầu trời, lòng đường và biển báo hơn các loại đường khác.
Sau đó, các nhà nghiên cứu kiểm tra dữ liệu va chạm giao thông trên từng đoạn đường đã chụp từ năm 2018-2019. Họ chỉ kiểm tra 7.359 vụ va chạm dẫn đến thương tích hoặc tử vong.
Lấy nhóm 2 (Khu dân cư thông thoáng) làm tham chiếu so sánh, kết quả cho thấy, nhóm 1 (Khu dân cư nhiều cây) có ít vụ tai nạn hơn 12,4% so với nhóm 2. Trong khi đó, nhóm 3 (Khu đô thị nhà cửa san sát) có số vụ TNGT nghiêm trọng và chết người cao hơn nhóm 2 tới 21,7%. Tuy nhiên, Nhóm 4 (Đường rộng rãi) mới là nhóm có mối tương quan cao nhất với các vụ tai nạn nghiêm trọng và gây tử vong, tỷ lệ nhiều hơn tới 48% so với nhóm 2.
Giáo sư Miller lưu ý, mối liên hệ giữa các vụ TNGT nghiêm trọng và loại đường đã tính đến nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến số vụ tai nạn như giới hạn tốc độ, lưu lượng giao thông...
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hai vật thể đặc biệt được tìm thấy trong các bức ảnh có mối liên hệ đáng kể đến số vụ va chạm trên mỗi đoạn đường đó là thùng rác và biển báo.
Các ảnh chụp thể hiện, đường có càng nhiều thùng rác thì càng ít vụ TNGT nghiêm trọng. Tuy nhiên, càng nhiều biển báo thì càng có liên quan đến nhiều vụ tai nạn.
Chủ nhiệm nghiên cứu Stiles nói: "Càng nhiều biển báo dọc con đường thì người lái càng thấy phức tạp, điều đó có liên quan đến nhiều vụ va chạm hơn. Trong khi đó, đường nào có nhiều thùng rác dọc đường có thể báo hiệu cho người lái rằng họ đang ở trong khu dân cư có nhiều người xung quanh, từ đó tài xế sẽ cẩn thận hơn và ít gây va chạm hơn".
Theo Giáo sư Miller, nghiên cứu này cho thấy dự đoán và hành vi của người lái xe được định hình bởi các đặc điểm thiết kế đường. Ý nghĩa thực tiễn quan trọng nhất của phát hiện này là cung cấp cho các kỹ sư giao thông góc nhìn mới khi thiết kế đường đô thị.
"Chúng ta cần xem xét thu hẹp một số con đường nguy hiểm, đồng thời bổ sung thêm nhiều cây xanh, tòa nhà và vỉa hè gần đó", Giáo sư Miller gợi ý.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.