12 đường dây nóng Tết Bính Thân đều là số điện thoại của các lãnh đạo đơn vị trực. |
Giảm đột biến 76,67% số lượt phản ánh
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, số lượt phản ánh qua đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia gần 280 lượt/9 ngày, giảm đột biến so với cùng kỳ Tết Ất Mùi năm 2015, giảm 920 lượt (-76,67%).
Trong đó, các phản ánh chủ yếu tập trung vào ngày cao điểm từ mùng 05 - 06/02/2016 (nhằm ngày 27 và 28 Tết) và từ ngày 12 -14/02/2016 (là thời điểm người dân về quê ăn tết và những ngày sau tết khi người dân quay trở lại thành phố sinh sống làm việc). Riêng trong ngày 14/02/2016 là ngày cuối cùng trong đợt nghỉ Tết đường dây nóng Ủy ban ATGT Quốc gia đã nhận được 44 cuộc gọi và tin nhắn phản ánh của người dân.
Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, nhồi nhét và chèn ép hành khách, tăng giá trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người quy định, ùn tắc giao thông.
Điển hình một vài vụ việc vi phạm xe chở quá gần 100% số người quy định như xe 92B-006.92 từ Sài Gòn đi Quảng Ngãi, xe 37B-003.78 từ Quảng Ninh đi Nghệ An, nhà xe Hoàng Trung – BKS 47B-012.73 chạy tuyến Vũng Tàu – Đắk Lắk, xe Mận Tịnh -37B-017.18 chạy tuyến Quỳ Hợp-Nghệ An - Hà Nội chở 71 hành khách vượt quá 55% số khách theo quy định, xe BKS 47B - 015.42 của nhà xe Phương Thi chạy tuyến Krông Năng (Đắk Lắk) - Bến xe miền Đông (TP. Hồ Chí Minh) đã tự ý tăng giá vé từ 215.000 đồng tăng lên 450.000 đồng và chở quá số người quy định, hành khách đi 20 km thu phí 100k tại Hà Nội; xe tuyến Gia Lai- Nha Trang nhồi nhét khách… (đa số là các tuyến từ thành phố Hồ Chí Minh – các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; Hà Nội – Thái Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và chiều ngược lại).
Xe khách 37B-017.18 nhồi nhét 71 người trên xe bị CSGT Thanh Hóa bắt giữ.( Ảnh 24h). |
“Mọi ý kiến thắc mắc về quy định giá cước vận tải đều được trả lời trực tiếp tới người dân, những thông tin vi phạm về kinh doanh vận tải được chuyển đến các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật như: phạt tiền, tước phù hiệu xe, giải tỏa ùn tắc, tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh, tước giấy phép lái xe…”, ông Nguyễn Trọng Thái khẳng định.
Đồng thời, cảnh sát giao thông các địa phương sau khi nhận phản ánh từ Ủy ban ATGT Quốc gia đã kịp thời bố trí lực lượng dừng xe, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp nhà xe vi phạm chở quá số người, vi phạm các quy định về vận tải hành khách. Lực lượng Thanh tra giao thông và các bến xe tại địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các xe thu phụ thu giá vé cao so với quy định, hoạt động không có phù hiệu hoặc không có phiếu xuất bến; cán bộ trực đường dây nóng nhiều lần liên hệ trực tiếp với các nhà xe để yêu cầu lái xe và phụ xe hoàn trả tiền đã thu trái quy định cho hành khách ngay trên xe…
Đổi mới để làm việc hiệu quả
Theo ông Nguyễn Trọng Thái, thông qua đường dây nóng, người dân, doanh nghiệp, các tổ chức đặc biệt là hành khách sử dụng dịch vụ vận tải có thể phản ánh về công tác đảm bảo TTATGT, tố giác các hành vi vi phạm tới các cơ quan quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn tức thời các hành vi vi phạm pháp luật TTATGT, đặc biệt là những hành vi gây nguy hại và tiềm ẩn TNGT.
Đặc biệt trong năm nay, đường dây nóng được phân ra nhiều số điện thoại theo từng lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, mảng vận tải do Vụ Vận tải - Bộ GTVT; Vụ Vận tải, Vụ ATGT, Thanh Tra – Tổng cục ĐBVN phụ trách. Còn mảng TTATGT do Ủy ban ATGT Quốc gia; Cục CSGT phụ trách. Việc phân chia đường dây nóng ra từng lĩnh vực cụ thể như thế này không chỉ giúp người dân giúp người dân phản ánh tới đúng nơi, đúng chỗ mà còn giúp đường dân nóng hạn chế bị tắc nghẽn cũng như sự chủ động, giải quyết vấn đề nhanh chóng của người tiếp nhận.
Đồng thời, các số điện thoại đường dây nóng phản ánh đều là số máy của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và hoạt động 24/24 giờ. Vì vậy, việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh có hiệu quả rất cao. Khi lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực tiếp trực đường dây nóng sẽ rút gọn được quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh. Đặc biệt là thẩm quyền và hiệu lực chuyển tiếp tới các cơ quan đơn vị liên quan xử lý sẽ tối ưu hơn.
“Sau khi tiếp nhận trực tiếp thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi gọi điện tới các cơ quan chức năng của địa phương yêu cầu xử lý nội dung phản ánh thì công tác xử lý sẽ được tiến hành khẩn trương và sốt sắng hơn so với chuyên viên trực đường dây nóng” – ông Thái chia sẻ.
Bên cạnh những hiệu quả đạt được từ việc đổi mới, việc trực đường dây nóng năm nay còn gặp một số hạn chế. Ông Nguyễn Trọng Thái chia sẻ lượng thông tin phản ánh rất nhiều, vì vậy công tác tiếp nhận, sàng lọc thông tin gặp nhiều khó khăn đòi hỏi sự chịu khó và tâm huyết người trực đường dây nóng. Ngoài ra, lãnh đạo trực đường dây nóng còn gặp phải rất nhiều trường hợp gọi điện để trêu đùa, hành vi phá sóng bằng cách gọi liên tục vào đường dây nóng bằng nhiều số máy gây nghẹn mạch trực; văng tục, chửi bới….
Cùng với đó, sự phối hợp giữa các đơn vị trực đường dây nóng và địa phương, các cơ quan liên quan còn chưa thực sự chặt chẽ. Cụ thể, vào buổi đêm, rạng sáng, việc liên hệ từ đường dây nóng đến địa phương chưa thực sự tốt khi có địa phương hồi âm nhưng có nơi lại không trả lời hoặc khó khăn trong việc triển khai lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông…
“Công tác phối hợp xử lý của các cơ quan chức năng địa phương trực tiếp xử lý nội dung phản ánh hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế. Do đó, trong thời gian tới để có thể phối hợp chặt chẽ, làm việc một cách đồng nhất thì trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương cần được nâng cao hơn”, ông Thái bày tỏ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.