Dự án đường Nguyễn Xiển - Xa La có tổng mức đầu tư gần 1.475 tỷ đồng (dưới hình thức đầu tư BT) với chiều dài 2,5 km do Công ty Cổ phần Bitexco làm chủ đầu tư. (Ảnh: Lê Minh) |
Tuyến đường phía Tây Nam của Hà Nội vừa được thông xe cách đây ít hôm nối liền đường Nguyễn Xiển (Vành đai 3) với tuyến đường Xa La giúp việc đi lại của người dân trong khu vực thuận lợi hơn rất nhiều. Thế nhưng chưa kịp vui mừng thì người dân nơi đây lại thất vọng khi tuyến đường bắt đầu bộc lộ những yếu kém về chất lượng, là nguyên nhân gây mất ATGT.
Tuyến đường Nguyễn Xiển - Xa La thuộc dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An được cho Công ty Cổ phần Bitexco làm chủ đầu tư.
Mục tiêu của dự án là nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam Hà Nội, đồng thời khắc phục tình trạng ùn tắc tại các nút giao thông Nguyễn Xiển – Nguyễn Trãi, Cầu Tó; tạo kết nối thông suốt với trục giao thông Xa La - trục phía Nam qua khu đô thị Thanh Hà…
Tuyến đường có tổng mức đầu tư gần 1.475 tỷ đồng (dưới hình thức đầu tư BT) với chiều dài 2,5 km. Tuyến đường được thiết kế với 4 làn đường cho 2 chiều đường và vỉa hè 2 bên. Cùng với đó là hệ thống cây xanh cũng được trồng ở 2 bên đường và dải phân cách giữa.
Hàng chục hố ga nằm "lộ thiên", không có biện pháp cảnh báo, là nguyên nhân gây mất ATGT tại dự án đường Nguyễn Xiển - Xa La. (Ảnh: Lê Minh) |
Sau hơn 8 năm thi công, hồi cuối tháng 1/2020, tuyến đường cơ bản được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Sau gần 1 tháng thông xe, đến nay tuyến đường Nguyễn Xiển - Xa La vẫn còn nhiều hạng mục chưa được hoàn thiện, là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, đặc biệt là vào buổi tối khi tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông bị hạn chế.
“Tuyến đường vừa mới được thông xe mà tại nhiều vị trí mặt đường đã bị đào hào, xẻ rảnh làm đường dẫn thoát nước, chống ngập úng. Bằng mắt thường có thể thấy chất lượng dự án không được đảm bảo, không biết sử dụng một thời gian nữa thì sẽ còn như thế nào”, một người dân lo lắng.
Cũng theo ghi nhận của PV, mặc dù nhiều đoạn vỉa hè cơ bản đã hoàn thiện việc lát gạch nhưng chưa thấy đơn vị thi công lắp nắp cống. Tất thảy những hố ga này đều không có cảnh báo, vô tình trở thành cái bẫy người tham gia giao thông rất nguy hiểm.
Mặt đường bị đào hào, xẻ rảnh để thoát nước, chống ngập úng. (Ảnh: Lê Minh) |
Ở làn đường dành cho xe máy, xe đạp, xe thô sơ, mặt đường lồi lõm, xuống cấp. (Ảnh: Lê Minh) |
Anh Vũ Văn Hùng (30 tuổi, xã Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, theo quy định, trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công hoặc chưa thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện dự án, các đơn vị thi công đã không có biện pháp đảm bảo ATGT, hay có thì cũng rất cẩu thả, sơ sài. Cho nên đã có một số người dân bị ngã xuống các hố ga ở đây.
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với PV Tạp chí Giao thông vận tải, ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT) thừa nhận tuyến đường chưa bàn giao nhưng đã đưa vào sử dụng.
“Hiện tuyến đường vẫn chưa nghiệm thu và bàn giao. Trước những tồn tại gây mất ATGT được Tạp chí GTVT phản ánh, chúng tôi sẽ yêu cầu phía đơn vị thi công có biện pháp khắc phục triệt để trong một vài ngày tới".
Đừng để “lọt” trách nhiệm Những tai nạn đáng tiếc xảy ra làm thương vong đến tính mạng nhiều người khiến người dân lo lắng. Khi tai nạn xảy ra, câu hỏi thường đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai và trách nhiệm đó là gì? Có thể thấy rằng chủ đầu tư, cơ quan thi công, cơ quan quản lý công trình là đối tượng phải chịu trách nhiệm. Bởi đây là những cơ quan trực tiếp thi công, quản lý và giám sát công trình nên họ phải đảm bảo được chất lượng và sự an toàn của công trình. Về nguyên tắc, chủ sở hữu công trình có nghĩa vụ đảm bảo công trình hoạt động bình thường, nếu công trình bị khiếm khuyết mà gây thiệt hại cho người khác thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo điều 610 Bộ luật dân sự 2005. Bên cạnh đó, những cá nhân thi công công trình, những cá nhân tham gia quản lý công trình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 220 Bộ luật hình sự 1999 về “tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông”, hoặc điều 285 Bộ luật hình sự 1999 về “tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp này lại khá phức tạp và gặp nhiều khó khăn vì các cơ quan thi công, cơ quan quản lý thường viện lý do là yếu tố khách quan, tình trạng bất khả kháng để trốn tránh trách nhiệm của mình. Thiết nghĩ các cơ quan điều tra cần làm rõ và cương quyết truy cứu trách nhiệm hình sự các cá nhân thiếu trách nhiệm, nhằm răn đe mạnh mẽ thái độ thiếu trách nhiệm của các đơn vị quản lý. Đồng thời các cấp chính quyền cũng cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát và phối hợp với các cơ quan quản lý để bảo trì, sửa chữa các công trình giao thông, công trình công cộng để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra và tạo nên sự an tâm chung cho xã hội. Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.