Đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận chuyển an toàn 16 triệu lượt khách, lãi 8,5 tỷ đồng

Tác giả: Tùng Lộc

saosaosaosaosao
Vận tải 30/09/2023 15:30

Tính đến hết tháng 8/2023, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vận chuyển an toàn 16 triệu lượt khách và trong nửa đầu năm 2023 lãi hơn 8,5 tỷ đồng.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận chuyển an toàn 16 triệu lượt khách, lãi 8,5 tỷ đồng - Ảnh 1.

Sau 22 tháng vận hành, từ tháng 11/2021 đến tháng 8/2023, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận chuyển an toàn 16 triệu lượt khách

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) có chiều dài 13,05km và trên tuyến có 12 nhà ga, được Bộ GTVT bàn giao cho Hà Nội và bắt đầu đưa vào khai thác vận hành từ tháng 11/2021, đến nay là tuyến đường sắt đô thị duy nhất trên cả nước phục vụ chở khách. Tuyến đường sắt này do Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) trực tiếp quản lý khai thác, vận hành.

Theo báo cáo mới đây của Bộ GTVT, đến hết tháng 8/2023, sau 22 tháng khai thác thương mại, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận chuyển được 16 triệu lượt khách, bình quân khoảng 30.000 lượt khách/ngày và có xu hướng tăng sản lượng vận chuyển, tăng doanh thu.

"Mặc dù mạng lưới đường sắt chưa hoàn thiện, kết nối giao thông công cộng, phương tiện cá nhân còn hạn chế nhưng với ưu việt là loại hình vận tải thông suốt, an toàn, tiện nghi với thời gian đi lại nhanh chóng, đúng giờ, kết quả khai thác vận tải đoạn tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho thấy sản lượng, lượng luân chuyển và doanh thu đều có xu hướng tăng. Sau 22 tháng đã vận chuyển được 16 triệu hành khách, bình quân 30.000 hành khách/ngày. Tỷ lệ sử dụng vé tháng bình quân trong ngày chiếm 55 - 60%, giờ cao điểm 75 - 80%", theo Bộ GTVT.

Về kết quả hoạt động kinh doanh của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, theo báo cáo tài chính của Hanoi Metro, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 254,3 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận (lãi) sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đạt hơn 8,55 tỷ đồng.

Cũng theo Hanoi Metro, tổng giá trị tài sản của công ty tính đến hết tháng 6/2023 là hơn 3.077 tỷ đồng (tăng hơn 61 tỷ đồng so với đầu năm) và số nợ phải là hơn 3.101 tỷ đồng, đều là nợ ngắn hạn. Trong năm 2023, Hanoi Metro đặt mục tiêu vận chuyển hơn 10,6 triệu lượt hành khách, doanh thu từ vận tải khách bằng đường sắt tuyến Cát Linh – Hà Đông đạt hơn 73,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cả năm đạt hơn 5,9 tỷ đồng.

Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị

Theo Bộ GTVT, để đáp ứng nhu cầu vận tải, yêu cầu phát triển tại các đô thị lớn, Chính phủ đã quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM, trong đó: tại Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 410 km; nghiên cứu xây dựng các tuyến kết nối với các đô thị vệ tinh; quy hoạch một số tuyến tàu điện một ray nhằm hỗ trợ hệ thống đường sắt đô thị.

Tại TP. HCM sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành đai nối các trung tâm chính của thành phố với chiều dài khoảng 173 km; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Ngoài ra, Chính phủ đã định hướng quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị trong một số quy hoạch thành phố, tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Cũng theo Bộ GTVT, tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM đều chậm so với dự kiến, đến nay mới đưa vào khai thai thác 13 km, đạt 10,4% các tổng chiều dài mạng lưới cần đầu tư trước năm 2020. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo TP. Hà Nội, TP. HCM đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải tại hai thành phố này.

Ý kiến của bạn

Bình luận