Đường sắt Việt khóc ròng vì hết người để phục vụ

Ý kiến phản biện 03/06/2016 16:31

Nỗi lo của ông Thăng với ngành đường sắt có vẻ vẫn còn đó, và giờ đây áp lực này được chuyển giao người kế nhiệm của ông

d3c20130626171552-2-1464842916853-crop-14648429236
 

Khi còn đảm đương chức vụ Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng từng có nhiều quyết sách mạnh tay để chấn chỉnh ngành đường sắt.

Nổi tiếng với các mệnh lệnh trảm tướng, có lẽ tướng bị ông Thăng trảm nhiều nhất là các sếp đường sắt. Có thể kể đến như Cục trưởng Cục đường sắt Nguyễn Hữu Thắng bị cách chức vì có phát ngôn gây ảnh hưởng đến ngành đường sắt, TGĐ Tổng công ty đường sắt Nguyễn Đạt Tường bị thay thế vì để ngành trì trệ, hay Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội mất việc vì định mua 164 toa tàu cũ của Trung Quốc đã dùng được 20 năm...

Tuy nhiên, những nỗ lực của cựu bộ trưởng Thăng có vẻ là chưa đủ để vực dậy một ngành "nặng nề và trì trệ" như đường sắt. Chính ông Thăng cũng thừa nhận, món nợ lớn nhất khi rời ghế tư lệnh ngành giao thông của mình đó là tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam và trách nhiệm với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội.

Quả thực, đường sắt đang cho thấy sự yếu thế thấy rõ trong cả vận tải hành khách và hàng hóa.

Hành khách thích đi máy bay hơn đi tàu

Với sự lên ngôi của ngành hàng không, trong đó có sự góp mặt sôi động của hãng bay tư nhân giá rẻ Vietjet Air và công cuộc tái cơ cấu Vietnam Airlines, giá vé máy bay đã giảm, dịch vụ bay cũng đa dạng hơn. Giờ đây, ngày càng nhiều người Việt lựa chọn máy bay làm phương tiện di chuyển thay thế đường sắt hay đường bộ trước đây, đặc biệt với các chặng đường dài từ Bắc vào Nam hay ra quốc tế.

Trong 6 năm trở lại đây, số lượt khách đi máy bay đã tăng gấp rưỡi, từ mức 14 triệu lượt năm 2010 lên 20,7 triệu lượt năm 2015. Số lượt luân chuyển cũng tăng tương ứng, từ mức 21,2 tỷ lượt.km lên 31,1 tỷ lượt.km.

Với các hợp đồng mua máy bay quy mô lớn của Vietjet Air, cũng như sự xuất hiện của một số hãng bay mới đang gấp rút hoàn thành thủ tục, thị trường hàng không hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng tốc mạnh hơn trong giai đoạn tới.

Trong khi đó, số người lựa chọn đi tàu đang ngày càng giảm sút. Năm 2015, toàn ngành đường sắt chỉ vận chuyển được tổng cộng 11,2 triệu lượt khách, thấp nhất trong 6 năm trở lại đây.

Năm 2016, tốc độ giảm sút của vận tải đường sắt càng mạnh hơn.

Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục thống kê, tổng lượng hành khách đã sử dụng dịch vụ của ngành đường sắt trong 5 tháng chỉ đạt 4,2 triệu lượt khách, giảm 10,4%, và 1,5 tỷ lượt khách.km, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Cùng khoảng thời gian này, vận tải hàng không chở được số khách gấp 4 lần (17 triệu lượt, tăng 30,9% so với cùng kỳ) và lượng khách luân chuyển gấp 13 lần (19,9 tỷ lượt.km, tăng 13,3%).

Đáng chú ý, mặc dù chiếm chỉ hơn 1,1% thị phần vận chuyển nhưng hàng không đang có lượt luân chuyển hành khách rất lớn, lên tới 28,5%. Điều này khá dễ hiểu bởi hành khách thường chọn máy bay làm phương tiện đi lại khi phải di chuyển quãng đường xa.

Với đường bộ, loại hình vận tải này vẫn tiếp tục tăng trưởng và là kênh giao thông chủ yếu của người dân. Sự tăng trưởng đều đặn của vận tải đường bộ được hỗ trợ bởi hàng loạt dự án giao thông đường bộ đã và đang hoàn thiện trong thời gian qua.

Theo thống kê, ước tính 5 tháng đầu năm, lượng người tham gia giao thông đường bộ đạt 1410,2 triệu lượt (tăng 9,2%), chiếm gần 94% thị phần vận chuyển và 47,1 tỷ lượt khách.km (tăng 7,4%), tương đương 67,5% thị phần luân chuyển hành khách toàn ngành.

Mất cả khách chở hàng vì quan đường sắt nhũng nhiễu

Không chỉ với vận tải hành khách, đường sắt còn đang bị "thất sủng" trong lựa chọn vận tải hàng hóa.

5 tháng qua, tổng khối lượng hàng hóa được vận chuyển bằng tàu hỏa chỉ đạt 2,1 triệu tấn, giảm 23,3% và 1,2 tỷ tấn.km, giảm 27,7%.

Như vậy, chỉ xét về tổng lượng hàng hóa luân chuyển, đường sắt chỉ bằng 1/20 đường bộ, 1/15 đường sông và 1/46 đường biển (Đường biển chiếm 55,7% tổng thị phần luân chuyển hàng hóa, chủ yếu là chuyên chở hàng hóa quốc tế). Còn xét về tổng lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt còn nhỏ bé hơn nữa so với các phương tiện giao thông khác.

"Trước đây, nhiều cán bộ đường sắt có thói hư tật xấu, nhũng nhiễu nhiều quá nên chủ hàng đã bỏ đi hết", chính vị Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt, ông Trần Ngọc Thành đã chia sẻ như vậy tại một hội nghị tổng kết ngành đường sắt tổ chức hồi đầu năm 2016.

"Tôi hết sức lo lắng cho đường sắt trong thời gian tới"

Đó là lời cảm thán của cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng trong hội nghị ngành đường sắt hồi tháng 1/2016 khi ông còn đương chức.

Bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực của ngành đường sắt như tái cơ cấu doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư hạ tầng, lắp đặt thiết bị vệ sinh tự hoại trên tàu, hệ thống bán vé tàu điện tử... ông Thăng đã phải thừa nhận hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt còn yếu kém, chưa cạnh tranh được với đường bộ và hàng không.

Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn là chủ lực, nhưng lãi chỉ 5 tỷ đồng trong năm 2015, năm 2016 phấn đấu lên 10 tỷ đồng là quá ít. Tổng công ty Đường sắt chỉ lãi 65 tỷ đồng năm 2015, năm sau phấn đấu lãi 69 tỷ đồng là con số thấp.

"Hàng không phát triển là động lực để đường sắt phát triển. Giá vé tàu cao hơn hàng không thì không ai đi. Đường sắt phải theo thị trường chứ không thể độc quyền", ông Thăng từng nói.

Lấy ví dụ ngành hàng không, ông Thăng cho biết, Vietnam Airlines khi tái cơ cấu và cổ phần hóa, có tổng cộng đến 11.000 nhân viên. Đến nay số lượng máy bay tăng gấp đôi, doanh thu tăng, nhưng số nhân viên giảm còn 6.000. Do đó, ngành đường sắt có tới 30.000 lao động là rất lớn thì lương thấp là đương nhiên.

Cũng trong buổi họp đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Trần Ngọc Thành đã cam kết giảm giá vé tàu để cạnh tranh với hàng không. Đặc biệt, năm 2016 ngành đường sắt sẽ chú trọng hiệu quả vận tải hàng hóa vì thị phần vận tải hàng hóa đã bị giảm mạnh.

"Trước đây, nhiều cán bộ đường sắt có thói hư tật xấu, nhũng nhiễu nhiều quá nên chủ hàng đã bỏ đi hết. Còn bây giờ, chúng tôi phải mời khách hàng quay lại. Năm 2016 chúng tôi phải thay đổi phương thức kinh doanh để có lãi", ông Trần Ngọc Thành khẳng định.

Với những nỗ lực nói trên, cùng những dự án đường sắt đô thị lớn đang gấp rút hoàn thành trong thời gian tới tại Hà Nội và TPHCM, có thể sẽ cải thiện phần nào đà giảm của ngành đường sắt.

Ý kiến của bạn

Bình luận