Đường thủy: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý

Tác giả: Hiền Thanh

saosaosaosaosao

Do tác động của dịch Covid-19, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp vận tải thủy nội địa đã và đang áp dụng những giải pháp đồng bộ, căn cơ.

Chủ động chống dịch, tăng giải quyết thủ tục online

Lãnh đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Khu vực I, II (Cục ĐTNĐ Việt Nam) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT và Cục ĐTNĐ Việt Nam, các đơn vị cảng vụ đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phương tiện thủy vận tải hàng hóa hoạt động trên các tuyến đường thủy quốc gia thuộc địa phận các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Là một đơn vị nằm ở khu vực “tâm dịch” Covid-19, Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ KV I tại Kinh Môn quản lý 50 cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn các huyện Nam Sách, Kinh Môn, Chí Linh. Kể từ khi dịch bùng phát trên địa bàn Hải Dương, hầu hết các cảng bến đều hoạt động cầm chừng, phương tiện hoạt động chủ yếu là ở các cảng lớn như: Hòa Phát, xi măng Phúc Tân, xi măng Thành Công 3, Nhiệt điện Hải Dương, sản lượng vận tải ra, vào các cảng bến chỉ đạt khoảng 40% so với trước đây.

anh
 

Theo ông Hồ Văn Hải - Trưởng Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I tại Kinh Môn, đơn vị đã chủ động xây dựng phương án để sẵn sàng khi bị phong tỏa, anh em cảng vụ viên phải “ăn nằm” trong cảng để làm thủ tục cho phương tiện ra, vào được thuận lợi, an toàn. Có tới 50% cảng vụ viên do thực hiện nhiệm vụ nên không về nhà đón Tết cùng gia đình. Tại các khu vực dịch Covid-19 phức tạp, phương tiện thủy chở hàng không bị hạn chế vào, rời các cảng, bến thủy đã được chuyển sang làm chế độ thủ tục online để vào, rời cảng, bến thủy và được miễn kiểm tra thực tế. Do đó, thuyền viên không phải lên trụ sở văn phòng cảng vụ để làm thủ tục giấy cũng như không được rời khỏi phương tiện để lên bờ.

Theo ông Văn Trọng Dũng - Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I, cảng vụ đường thủy không hạn chế phương tiện thủy chở hàng hoạt động tại vùng có dịch Covid-19, đồng thời miễn kiểm tra thực tế phương tiện. Việc kiểm tra chủ yếu qua hồ sơ và hệ thống camera giám sát tại cảng, bến thủy. Trường hợp không đủ điều kiện về giấy tờ thì không được cấp phép vào cảng, bến. Khi tàu vào cảng, thuyền viên được hướng dẫn chụp ảnh giấy tờ phương tiện, thuyền viên và gửi cho cảng vụ đường thủy qua ứng dụng zalo hoặc mạng xã hội khác. Cảng vụ viết giấy phép cho vào cảng, bến và cũng chụp gửi lại, đồng thời phối hợp với chủ cảng, bến để phương tiện vào làm hàng. Trước khi phương tiện rời cảng, bến, cảng vụ viên sẽ mang bản chính giấy phép rời cảng, bến chuyển cho chủ cảng, bến để gửi cho phương tiện, đồng thời nhờ thu hộ phí, lệ phí. Thuyền viên không được lên bờ và cảng vụ viên không xuống phương tiện để tránh tiếp xúc trực tiếp để phòng ngừa dịch Covid-19.

Ông Lê Đức Cường - Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực II cho biết, trong phạm vi do đơn vị quản lý hiện chỉ có các cảng, bến thuộc địa phận Hải Dương có diễn biến dịch phức tạp. Các phương tiện thủy chở hàng không bị hạn chế hoạt động tại các cảng, bến trong khu vực trên và cũng được áp dụng chế độ làm thủ tục điện tử từ xa. Theo các đơn vị trên, cảng, bến đang hoạt động trong thời điểm này đều là cảng, bến hàng hóa. Trong giai đoạn từ trước nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay, số lượng phương tiện, sản lượng vận tải ước tính giảm khoảng 50% so với những tháng trước.

Đồng bộ các giải pháp để “vượt sóng” Covid

Để tiếp tục phát huy thế mạnh vận tải ĐTNĐ và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa, sớm khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đảm bảo đạt các mục tiêu của vận tải ĐTNĐ đã đặt ra trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19 đối với lĩnh vực vận tải ĐTNĐ và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa với những nội dung chính sau:

Tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước nhằm đẩy mạnh cải cách, đơn giản thủ tục hành chính đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa;

Tập trung nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia, vùng, tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan đến vận tải thủy nội địa, trong đó lưu ý tăng cường kết nối ĐTNĐ với các phương thức vận tải khác, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics;

Quản lý và sử dụng hiệu quả vốn trong đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng ĐTNĐ; khuyến khích, thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt ưu tiên các dự án giao thông kết nối với các cảng, bến thủy nội địa quy mô lớn tại các vùng kinh tế trọng điểm;

Thu hút đầu tư phát triển cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy nội địa nhằm phát triển đội tàu vận tải với chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng;

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển; nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa. Cùng đó, quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa, song song với việc tổ chức, triển khai hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm đối với công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm lĩnh vực giao thông ĐTNĐ, vừa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả việc tuân thủ quy định pháp luật của các chủ thể liên quan đến vận tải thủy nội địa, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp;

Xây dựng kế hoạch tổng điều tra phương tiện và thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy nhằm nâng cao công tác quản lý, kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện, đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn; quản lý hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy; đổi mới mô hình dạy và học để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa...

Ý kiến của bạn

Bình luận