Chú trọng tới những “điểm nghẽn”
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, trong phát triển GTVT, lĩnh vực ĐTNĐ có vai trò hết sức quan trọng, là “đầu tàu” cho chiến lược phát triển toàn Ngành. Cục ĐTNĐ Việt Nam mang trọng trách to lớn là nghiên cứu, xây dựng những giải pháp phát triển mang tính đột phá mạnh mẽ để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
“Trách nhiệm của chúng ta là phải tạo được bước phát triển đột phá cho vận tải thủy. Đây là trách nhiệm nặng nề nhưng rất vinh quang mà Bộ GTVT, Cục ĐTNĐ Việt Nam được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng chỉ rõ, muốn ĐTNĐ phát triển thì cần “cởi trói” về thể chế chính sách, hành lang pháp lý. Bởi lẽ, những tồn tại, hạn chế, “điểm nghẽn” của ĐTNĐ trong nhiều năm qua cần sớm được tháo gỡ nhằm tạo sự “thông thoáng”, điều kiện thuận lợi cho ĐTNĐ “bứt tốc”. ĐTNĐ phát triển chưa xứng với tiềm năng, do vậy cần tập trung nguồn lực trí tuệ để cải thiện nhanh chóng.
Đánh giá về bức tranh ĐTNĐ trong năm qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, vượt qua muôn vàn khó khăn, ngành ĐTNĐ đã cho thấy sự khởi sắc tích cực. Song, trong năm 2021, cần chú trọng hơn tới công tác giải ngân, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong “cuộc cách mạng số hóa”, đồng thời cần tăng cường hiệu quả các tuyến hành lang vận tải thủy khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Trong năm 2021 sẽ dành 10% ngân sách đầu tư phát triển đường thủy, so với mức khoảng 6% hiện nay. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng để ĐTNĐ “chuyển mình”, khơi luồng, thông tuyến, tăng cường năng lực vận tải thủy nói riêng và toàn ngành GTVT nói chung.
Những con số biết nói
Năm qua, vận tải hành khách ĐTNĐ đạt hơn 191 triệu lượt khách (chiếm 6% toàn ngành) và 3,4 tỷ lượt khách.km (chiếm 2% toàn ngành); về hàng hóa đạt gần 309 triệu tấn (chiếm 19% toàn ngành) và gần 62 tỷ tấn.km (chiếm 20% toàn ngành). So với năm 2019, vận tải hành khách giảm 8,3% (toàn ngành giảm 29,7%), giảm 18,7% về luân chuyển hành khách (toàn ngành giảm 35,1%); giảm 10,5% về lượng hàng hóa vận chuyển (toàn ngành giảm 6,2%) và giảm 9,5% về hàng hóa luân chuyển (toàn ngành giảm 7,9%).
Sản lượng vận tải qua biên giới Việt Nam - Campuchia đạt khoảng 5 triệu tấn hàng hóa, riêng sản lượng container được vận tải bằng phương tiện thủy nội địa trên tuyến đạt khoảng 300.000 teus/năm với tốc độ tăng trung bình khoảng 10%/năm.
Khu vực phía Bắc đã hình thành tuyến vận tải container từ cảng biển khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh về các cảng thủy nội địa tại Bắc Ninh, Việt Trì - Phú Thọ, sản lượng trên tuyến đạt khoảng 50.000 teus/năm với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm.
Về sản lượng hàng hóa của phương tiện mang cấp VR-SB trên tuyến vận tải ven biển, năm 2020 đã có hơn 54.000 lượt phương tiện VR-SB vào, rời các cảng, bến với số tấn hàng hóa thông qua là hơn 51 triệu tấn; so với năm 2019 tăng 22,3% về số lượt phương tiện và giảm 5% về số tấn hàng hóa.
Tính đến hết năm 2020, các cảng vụ ĐTNĐ đã làm thủ tục cho hơn 450.000 lượt phương tiện, tương ứng gần 299 triệu tấn trọng tải toàn phần; tiến hành xử phạt hơn 4.000 trường hợp vi phạm, thu hơn 4 tỷ đồng tiền phạt; tổng phí và lệ phí đạt hơn 75 tỷ đồng (các cảng vụ ĐTNĐ Trung ương làm thủ tục cho gần 300.000 lượt phương tiện, tương ứng với hơn 150 triệu tấn trọng tải toàn phần; tiến hành xử phạt hơn 3.000 trường hợp vi phạm, thu gần 3 tỷ đồng tiền phạt; tổng phí và lệ phí đạt 60 tỷ đồng).
Nỗ lực với nguồn lực tập trung
Ông Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam khẳng định, trong bối cảnh hết sức khó khăn, với sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Bộ GTVT, sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương, tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động Cục ĐTNĐ Việt Nam đã đoàn kết nhất trí, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác.
Do đó, Cục ĐTNĐ tiếp tục ổn định tổ chức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chương trình kế hoạch đề ra, tạo tiền đề thuận lợi cho hoạt động những năm tiếp theo.
Điển hình, Cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển khoáng sản trái phép; triển khai thực hiện đợt cao điểm đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 trên các phương tiện thủy nội địa vận tải hành khách; làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải đánh giá thiệt hại và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải do ảnh hưởng của dịch Covid-19...
Trong năm qua, hoạt động đối thoại với doanh nghiệp và người dân, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được Cục chú trọng; thông qua đối thoại thường xuyên để nắm bắt những khó khăn vướng mắc, bước đầu đã xử lý được một số nội dung, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Cục trưởng Bùi Thiên Thu bày tỏ quyết tâm trong việc tập trung bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch của năm 2021, giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.