Ban Quản lý đường sắt đô thị (MRB) cho biết, ngày 30/5, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam Hervé Conan đã ký Thỏa ước tài trợ cho Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Chuẩn bị Dự án Đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị" sử dụng vốn không hoàn lại của EU (Liên minh châu Âu).
Dự án hỗ trợ kỹ thuật trị giá 10 triệu Euro tiền viện trợ không hoàn lại này của EU sẽ tập trung tài trợ cho nghiên cứu khả thi để mở rộng Tuyến số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, hỗ trợ phát triển mạng lưới giao thông đô thị tích hợp, sửa đổi khung quy hoạch tổng thể hệ thống đường sắt đô thị và hệ thống giao thông đô thị của Hà Nội, cải thiện việc khai thác, vận hành và nâng cao năng lực cho các sở, ngành của thành phố.
Các hoạt động hỗ trợ trong khuôn khổ Dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội, đảm bảo tiến độ triển khai của hệ thống đường sắt đô thị của thành phố đến năm 2035 nói chung và của Tuyến số 3 kéo dài nói riêng.
Bà Myriam Ferran, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Đối tác quốc tế thuộc Ủy ban Châu Âu (thuộc EU), nhấn mạnh: "Thông qua Facility AIF, EU cấp khoản viện trợ trị giá 10 triệu Euro cho dự án trong định hướng khuyến khích phát thải các bon thấp và chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị tại thủ đô Hà Nội.
Những sáng kiến này phù hợp với chiến lược Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway) của EU nhằm thu hẹp khoảng cách đầu tư toàn cầu và là minh chứng cho cam kết của EU trở thành đối tác trung thành của Việt Nam trong các hành động về khí hậu, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững".
Còn ông Olivier Brochet, Đại sứ Cộng Hòa Pháp tại Việt Nam cho biết: "Chính phủ Pháp huy động vốn từ DGT và AFD hiện đang tài trợ cho Tuyến số 3 giai đoạn 1 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội), dự kiến sẽ sớm được đưa vào vận hành trong thời gian tới đây. Giai đoạn 2 của Tuyến số 3 do AFD, KFW và ADB tài trợ, sẽ được chuẩn bị thông qua Dự án hỗ trợ kỹ thuật.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình triển khai dự án. Hà Nội cũng sẽ huy động tối đa nguồn lực và sự ủng hộ cũng như hỗ trợ để đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội.
Dự án được tài trợ để nghiên cứu khả thi (đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai) là đoạn nối dài của tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội. Tuyến Nhổn - ga Hà Nội có tổng chiều dài chính tuyến là 12,5km, gồm 8,5km trên cao và khoảng 4km đoạn đi ngầm. Tuyến có 12 ga (8 ga trên cao, 4 ga ngầm), 10 đoàn tàu (chiều dài đoàn tàu khoảng 80m với đoàn tàu 4 toa), 1 Depot tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, diện tích 15,05ha. Tuyến được xây dựng với đường sắt khổ đôi 1.435 mm: ray/ghi tiêu chuẩn châu Âu.
Lộ trình và ga của toàn tuyến: Điểm đầu Nhổn - QL32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - Nút giao với đường vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với đường vành đai 2) - Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - điểm cuối gần ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội).
Theo kế hoạch ban đầu, thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 đến năm 2022, trong đó, đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc nên dự án 7 lần lùi tiến độ, đội vốn 1.916 tỷ đồng (tổng mức đầu tư lên 34.826 tỷ đồng) và điều chỉnh lùi tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2027.
Dự án được tách tiến độ hoàn thành và khai thác trước đoạn 8,5km trên cao, với mục tiêu khai thác thương mại vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến nay mới trong giai đoạn chạy thử, đào tạo nhân sự và hoàn thiện hồ sơ dự án.
Theo kế hoạch mới nhất của đơn vị quản lý dự án, đến cuối tháng 6/2024 hoàn thành công tác chứng nhận an toàn hệ thống, kiểm tra nghiệm thu bàn giao của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước để bàn giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đưa vào khai thác, vận hành thương mại.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.