QL1A đoạn qua Bình Định |
2 đại dự án và những kỷ lục
Trao đổi với Tạp chí GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, việc hoàn thành và đặc biệt là hoàn thành sớm Dự án so với kế hoạch đề ra từ 12 tháng đến 18 tháng có ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của các khu vực có Dự án đi qua và của cả nước. Đây là dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với tổng số vốn lên đến 116.000 tỷ đồng, tương đương hơn 5 tỷ đô la Mỹ. Dự án chỉ sử dụng 54% kinh phí từ NSNN, huy động được hơn 46% kinh phí từ nguồn ngoài NSNN là một bước đột phá lớn, hiện thực hóa chủ trương của Đảng về "Thu hút mạnh các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng..., mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm..." (Nghị quyết 13-NQ/TW), giảm gánh nặng cho NSNN trong điều kiện hết sức khó khăn hiện nay. Thành công của Dự án cũng đã chứng minh tính đúng đắn trong việc lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để đầu tư có hiệu quả liên vùng.
Đặc biệt, việc rút ngắn tiến độ hoàn thành Dự án từ 12 tháng đến 18 tháng là một trong những kỷ lục từ trước đến nay, đối với một dự án hạ tầng có quy mô cực kì lớn như Dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Nhờ rút ngắn tiến độ nên quá trình đầu tư đã tiết kiệm được chi phí trượt giá, đồng thời với việc rà soát áp dụng các giải pháp thiết kế phù hợp, tiết kiệm 5% từ chỉ định thầu, quản lý giá thành chặt chẽ, GPMB nhanh gọn, toàn Dự án đã tiết giảm được 17.082 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu. Những kết quả đó tạo điều kiện đầu tư bổ sung một số hạng mục khác để hoàn chỉnh đồng bộ các dự án, tăng cường kết nối dự án với hệ thống hạ tầng có liên quan để nâng cao hiệu quả đầu tư (Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư sử dụng số vốn dư này).
Qua quá trình triển khai thực hiện Dự án, năng lực quản lý, điều hành của Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã được nâng cao một bước, thể hiện qua việc chỉ đạo, thực hiện thành công và vượt kế hoạch các dự án mở rộng QL1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Đồng thời, các chủ thể tham gia dự án cũng đã tích lũy được nhiều năng lực, kinh nghiệm, đặc biệt là việc đáp ứng yêu cầu rất cao của Bộ GTVT về tiến độ, chất lượng, quản lý chặt chẽ giá thành xây dựng.
Đặc biệt, Bộ GTVT đã khuyến khích các đơn vị mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật - công nghệ tiên tiến nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng, tiết kiệm nguyên, vật liệu, góp phần giảm giá thành xây dựng. Nhiều công nghệ tiên tiến, vật liệu mới đã được sử dụng tại dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, điển hình như công nghệ thi công và kiểm tra chất lượng cọc khoan nhồi đường kính lớn; công nghệ thi công dầm hộp BTCT dự ứng lực khẩu độ lớn bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng; công nghệ cào bóc tái chế mặt đường BTN bằng bitum bọt và xi măng, nhựa polyme, phụ gia tăng cường độ bê tông nhựa…, đặc biệt đã làm chủ công nghệ thi công đào hầm bằng phương pháp NATM tại Dự án hầm Đèo Cả, hầm Phú Gia - Phước Tượng với tốc độ đào hầm đạt bình quân 150m/tháng, bắt kịp với trình độ, công nghệ đào hầm giao thông của thế giới.
Bên cạnh đó, để khắc phục hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, bên cạnh các giải pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật liệu, quá trình sản xuất và thi công các lớp kết cấu áo đường, bê tông nhựa thì nhiều giải pháp về vật liệu cũng đã được áp dụng như: Sử dụng nhựa đường Polymer, nhựa đường có độ kim lún 40/50, sử dụng phụ gia SBS, sử dụng phụ gia TPP (công nghệ Nhật Bản), sử dụng phụ gia PR-plast (công nghệ Pháp)… Đến nay, vấn đề hằn lún vệt bánh xe từng bước được kiểm soát và khắc phục tại các dự án.
Theo Đại tướng Trần Đại Quang - Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tổng số vốn đã huy động cho các dự án cải tạo, nâng cấp đường bộ toàn khu vực trong 5 năm gần đây (2010 - 2015) khoảng 59.250 tỷ đồng, riêng đầu tư cho xây dựng các tuyến quốc lộ là 43.915 tỷ đồng (chiếm 15,4% so với cả nước), cao hơn nhiều so với giai đoạn 2006 - 2010 (bố trí khoảng 9.613 tỷ đồng). Trong giai đoạn này, nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo khu vực như đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, QL19, QL20… Có thể nói đây là bước đột phá về tổng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông của tây nguyên từ trước đến nay.
Những hiệu quả ban đầu
Việc triển khai và hoàn thành Dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên là một bước hiện thực hóa một trong những mục tiêu quan trọng đã được Nghị quyết số 13/NQ-TW của Trung ương Đảng về“Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” đặt ra.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, QL1 và đường Hồ Chí Minh sau khi các dự án được đưa vào khai thác, đối với tuyến Hà Nội - Cần Thơ đã rút ngắn ít nhất 7 - 10 giờ chạy xe; đối với tuyến Tây Nguyên về TP. Hồ Chí Minh đã rút ngắn ít nhất 3 - 4 giờ thời gian chạy xe.
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Ninh Thuận, sau khi dự án QL1 trên địa bàn tỉnh được đưa vào sử dụng, tình hình TNGT liên tục được kéo giảm. Đơn cử, tháng 8/2015 chỉ xảy ra 01 vụ TNGT, làm chết 2 người, bị thương 01 người; so với tháng 8/2014 giảm 02 vụ (-50%), số người chết giảm 4 người (-66,6%), bị thương giảm 01 người (-50%). Tương tự, ngay sau khi dự án QL1 qua tỉnh Quảng Ngãi được đưa vào sử dụng, thống kê cho thấy, riêng 6 tháng đầu năm 2015, TNGT trên tuyến QL1 giảm cả ba tiêu chí, giảm 27 vụ, 13 người chết và 25 người bị thương.
Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, khi dự án đường Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành, đầu tư vào Tây Nguyên đã tăng đột biến với hơn 16.000 tỷ đồng. Năm 2015 vừa qua, giá trị tổng sản phẩm GDP toàn Tây Nguyên tăng trên 7% so với năm 2014, thu ngân sách đạt gần 14.500 tỷ đồng, đẩy mạnh thu hút đầu tư và các hoạt động tín dụng, góp phần vào việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi.
Thạc sĩ, kiến trúc sư Ngô Trung Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia - Bộ Xây dựng cho rằng, để phát triển khu vực Tây Nguyên xứng đáng với tiềm năng của mình, định hướng liên kết hạ tầng vùng Tây Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết trục kinh tế Bắc - Nam, kết nối khu vực với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Đông Nam bộ bằng các giải pháp xây dựng tuyến đường sắt chạy dọc Tây Nguyên, kết hợp với đường Hồ Chí Minh thành đường cao tốc, tạo thành trục kỹ thuật làm cơ sở quan trọng để phát triển trung tâm kinh tế lớn của toàn vùng và hình thành các trung tâm chuyên ngành mới, mở hướng phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm đầy tiềm năng Tây Nguyên.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.