Gần 6,1 triệu tấn hàng hóa lưu thông trên tuyến vận tải ven biển

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 26/10/2015 23:32

Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị cơ quan, đơn vị quyết liệt tạo điều kiện cũng như tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải.

Sáng nay (26/10), Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai tuyến vận tải ven biển dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật. Hội nghị trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Đà Nẵng.

IMG_6827_Snapseed
Sau 1 năm triển khai, tuyến vận tải ven biển đã và đang mang lại nhiều lợi ích tích cực cho lĩnh vực vận tải của Việt Nam

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng vụ vận tải, Bộ GTVT cho biết, qua thống kê khối lượng vận chuyển hàng hóa trên tuyến ven biển từ Quảng Ninh – Quảng Bình – Bình Thuận – Kiên Giang, chủ yếu các mặt hàng chuyên chở bằng tàu mang cấp VR-SB đi từ các cảng phía Bắc vào miền Trung là than các loại, thiết bị, máy móc… và ngược lại là các loại đất, đá, quặng. Tuyến ven biển phía Nam các loại hàng bách hóa, đa  dạng hơn và cũng có một số tàu tham gia vận chuyển khách du lịch nhưng rất ít chuyến.

Về tình hình ATGT, tìm kiếm cứu nạn, trong năm qua đã xảy ra 05 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến phương tiện VR-SB trong quá trình hoạt động trên tuyến ven biển. Trong đó, 1 trường hợp tàu bị đắm, 2 trường hợp tàu mắc cạn, 2 trường hợp tàu gặp sự cố. Nguyên nhân do thời tiết xấu, phương tiện hoạt động không đúng tuyến luồng được công bố.

Các phương tiện gặp nạn đã được Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Hàng hải, các cơ quan chức năng có liên quan và ngư dân cứu nạn kịp thời, đảm bảo an toàn về người. Đồng thời, Cục ĐTNĐ Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo các Cảng vụ tăng cường kiểm tra, tuyên truyền phổ biến các quy định đảm bảo an toàn khi phương tiện VR-SB hoạt động trên tuyến ven biển; kiểm tra các trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị phát báo sự cố; kiên quyết không cấp phép rời cảng, bến cho các phương tiện không đảm bảo an toàn; yêu cầu thuyền trưởng lập kế hoạch hành trình, thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, khí tượng thủy văn, chướng ngại vật trên tuyến hành trình để có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn cho tuyến.

IMG_6815_Snapseed
Vụ trưởng Ngọc cho biết, Khó khăn, bất cập tồn tại chủ yếu về thủ tục tàu ra vào cảng bến; bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; hoa tiêu, tàu lai dắt.

Tại Hội nghị, nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tuyến vận tải biển được các đại biểu từ các cơ quan chức năng và đại diện Doanh nghiệp vận tải chia sẻ, phân tích và tìm giải pháp khắc phục. Sau một năm triển khai tuyến vận tải ven biển, một số khó khăn, bất cập tồn tại chủ yếu về thủ tục tàu ra vào cảng bến; bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; hoa tiêu, tàu lai dắt.

Theo Vụ trưởng Vụ vận tải Trần Bảo Ngọc, hiện nay, tàu được miễn thông báo tàu, xác báo tàu đến cảng, không phải nộp bản khai chung. Mặt khác, công tác tìm kiếm cứu nạn đối với tàu VR-SB cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu các thông tiên liên lạc với tàu, chủ tàu; thiếu thông tin để điều động, hướng dẫn tàu thuyền ra vào luồng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn hàng hải.

Để có cơ sở thực hiện việc tính các loại phí, lệ phí thì người làm thủ tục khai báo một số thông tin cần thiết để làm căn cứ quản lý và thực hiện việc tính phí, lệ phí hàng hải (như thời gian đến vùng neo, tổng dung tích…) thì thông tin trên giấy phép rời cảng là chưa đủ căn cứ để thực hiện việc tính phí.

Để kịp thời khắc phục các khó khăn trên, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BGTVT ngày 24/9/2015 quy định thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển.

Song hành với khó khăn trên là việc các thuyền viên tàu VR-SB chưa chú trọng học tập lấy chứng chỉ điều khiển phương tiện đi ven biển. Các chủ tàu cũng chưa thực sự quan tâm, bố trí thuyền viên đáp ứng đủ các yêu cầu trong mỗi ca làm việc trên tàu dẫn đến khi triển khai tuyến ven biển, vấn đề định biên an toàn tối thiểu đối với thuyền viên trên phương tiện VR-SB đã có những khó khăn, lúng túng cho các Cảng vụ hàng hải khi kiểm tra, cấp giấy phép rời cảng cho các phương tiện tàu VR-SB vì chưa có quy định cụ thể của pháp luật để tham chiếu.

Đến nay, để khắc phục vướng mắc trên, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 47/2015/TT-BGTVT ngày 14/9/2015 và có hiệu lực từ 1/1/2016 quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa.

Cũng tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các đại biểu xoay quanh những bất cập trong vấn đề Hoa tiêu, tàu lai dắt. Theo quy định tại Điều 64 Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải, tàu thuyền Việt Nam chở khách, chở dầu, chở khí hóa lỏng, chở xô hóa chất có tổng dung tích từ 1.000 GT trở lên; các loại tàu thuyền khác của Việt Nam có tổng dung tích từ  2.000 GT trở lên bắt buộc phải sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải khi vào, rời cảng biển hoặc di khi di chuyển trong vùng nước cảng biển của Việt Nam. Tuy nhiên còn có khu vực do có sự giao thoa giữa luồng ĐTNĐ và vùng nước cảng biển nên việc quy định đón trả hoa tiêu gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, hoạt động của các tàu VR-SB trên tuyến ven biển ngày càng phát triển, số lượng tàu ngày càng gia tăng, các tàu được đóng mới có trọng tải lớn, cơ sở hạ tầng của cảng, bến như: cầu bến, kho bãi, thiết bị bốc xếp, hệ thống hạ tầng kết nối, tuyến luồng còn hạn chế, quy mô đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu vận tải. Tình trạng một số cửa sông khan cạn, chưa được đầu tư nạo vét, bố trí phao tiêu, báo hiệu hướng dẫn luồng lạch ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an toàn và năng lực vận chuyển của các phương tiện.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị các cơ quan, đơn vị quyết liệt tạo điều kiện cũng như tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải. Đồng thời, 18 ý kiến trong Hội nghị cùng 46 câu hỏi gửi đến Bộ được giao cho Cục Hàng hải, Cục ĐTNĐ và Vụ vận tải tổng hợp, có văn bản trả lời rõ ràng, cụ thể về lộ trình và đăng tải công khai lên Cổng thông tin của Bộ GTVT, Cục ĐTNĐ, Cục HHVN.

Thứ trưởng Nhật cũng giao Cục ĐTNĐ, Cục HHVN, Cục ĐKVN rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những điều chưa phù hợp, tránh chồng chéo giữa các Luật nhằm tạo cơ chế thuận lợi, đáp ứng đúng những nhu cầu bức thiết và hợp pháp của Doanh nghiệp. Đến 10/11 tới đây báo cáo lại tất cả các văn bản cần sửa chữa.

“Không được lấy luật để ép buộc, gây khó khăn cho Doanh nghiệp” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ riêng của từng Cục, Thứ trưởng giao Cục ĐTNĐ rà soát lại tất cả các luồng lạch, đầu tư nâng cấp nạo vét cửa sông khan cạn, bố trí phao tiêu, báo hiệu hướng dẫn luồng lạch đảm bảo an toàn cho các phương tiện. Đặc biệt, các Cảng vụ ĐTNĐ Hồ Chí Minh, Vũng Tàu phải rà soát lại luồng tuyến từ Đồng bằng Sông Cửu Long đến TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang đến kênh Chợ Gạo…

Đồng thời, Cục ĐKVN phải đẩy mạnh, nâng cấp  giải quyết các thủ tục liên quan đến phương tiện mang cấp VR-SB, các cơ sở thực hiện việc tính các loại phí, lệ phí.  Các doanh nghiệp tham gia hoạt động vận tải trên tuyến ven biển phải bố trí, sắp xếp để thuyền viên học tập và được cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng cho biết, Bộ GTVT sẽ luôn lắng nghe, tiếp thu và xử lý mọi đề xuất, kiến nghị nhằm phát triển tuyến vận tải ven biển, giảm áp lực cho vận tải đường bộ và kết nối hài hòa các phương thức vận tải.

Trong thời gian tới, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị tiếp xúc với các doanh nghiệp vận tải có phương tiện VR-SB hoạt động trên tuyến ven biển nhằm nắm bắt khó khăn, bất cập trong hoạt động kinh doanh vận tải ven biển để có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nâng cao năng lực vận chuyển, năng lực cạnh tranh, đồng thời phối hợp với các địa phương rà soát các bến cảng thủy nội địa, luồng, cửa sông, năng suất bốc dỡ hàng hóa… để nâng cao năng lực khả năng tiếp nhận phương tiện VR-SB.

Theo báo cáo sơ kết 1 năm triển khai tuyến vận tải ven biển của Bộ GTVT,  tính đến ngày 30/9, các Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ), Cảng vụ Hàng hải đã làm thủ tục cho 6.346 lượt phương tiện mang cấp VR-SB vào và rời cảng, bến thủy nội địa, cảng biển với gần 6,1 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển. Các mặt hàng chủ yếu được vận chuyển trên tuyến ven biển gồm than, xỉ than, đá, đất, sắt, phân bón, xi măng, quặng, dầu FO….

Về công tác tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ, Cục ĐTNĐ Việt Nam tổ chức 20 khóa học, cấp chứng chỉ cho 727 thuyền viên điều khiển phương tiện đi trên tuyến vận tải ven biển, (năm 2010 – 2014 tổ chức 9 khóa 400 học viên, năm 2015 tổ chức 11 khóa 327 học viên).

Từ khi công bố tuyến vận tải ven biển (tháng 7/2014) đến 30/9/2015 đã có 593 phương tiện thủy được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuận và bảo vệ môi trường phương tiện mang cấp VR-SB hoạt động trên tuyến vận tải ven biển, trong đó có 17 phương tiện chở container (năm 2014 là 105 chiếc và từ đầu năm 2015 đến nay là 488 chiếc).

Ý kiến của bạn

Bình luận