Giá cước vận tải biển tiếp tục tăng, cơ hội cho đường sắt bứt phá

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 15/12/2021 09:47

Việc tổ chức thành công đoàn tàu container đầu tiên từ Việt Nam sang Bỉ hồi tháng 7 vừa qua có ý nghĩa rất quan trọng đối với Tổng công ty ĐSVN, khi tiếp tục mở ra những tuyến mới trong chuỗi vận tải liên vận quốc tế (LVQT) sang Đức, Ba Lan... trước đây.

duong-sat-1551934002180357142874

Đường sắt là phương thức đáng tin cậy trong mùa dịch

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng giám đốc Ratraco cho biết, từ khi tuyến đường sắt container Việt Nam - Bỉ đi vào hoạt động đến nay, Ratraco đã phối hợp cùng các đối tác tổ chức vận hành được 31 đoàn tương đương với 1426 TEUs với các mặt hàng chủ yếu như dệt may, điện tử, nội thất…

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, vận tải đường biển quốc tế đang đối mặt với thời kỳ khó khăn thì vận tải đường sắt đang là đối tác vận chuyển đáng tin cậy để đưa hàng hóa từ Việt Nam sang châu Âu. Đường sắt có ưu thế bởi hệ thống kết nối với đường sắt liên vận quốc tế hiệu quả, các đoàn tàu đi đến ga đích đúng giờ, chi phí vận tải phù hợp, ít tác động đến môi trường.

Theo dự báo thì trong giai đoạn tới giá cước vận chuyển container bằng đường biển sẽ tiếp tục tăng. Đây chính là cơ hội cho ngành Đường sắt. Hiện nay, Ratraco đang khai thác trung bình 3 chuyến/tuần đi châu Âu. Trong năm 2022, dự kiến sẽ nâng tần suất lên 4 – 5 chuyến/tuần với nhiều điểm đến khác nhau tại Châu Âu như Pháp, Italia…; đồng thời phối hợp cùng các đối tác tổ chức khai thác các nguồn hàng từ Châu Âu về lại Việt Nam.

Bên cạnh các chuyến tàu nguyên đoàn chuyên container, Ratraco đã bắt đầu đưa ra các sản phẩm tổ chức chạy tàu gom thẳng tới Châu Âu nhưng không nguyên đoàn (dưới 23 container/chuyến). Tàu sẽ xuất phát từ ga Yên Viên – Việt Nam tùy theo đích đến ở Châu Âu, các đoàn tàu container này sẽ được nối vào các đoàn tàu khác nhau tại các ga lập tàu Trung – Âu đi đến các điểm đích theo yêu cầu của khách hàng như Nga, Ba Lan, Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan và Anh.

Trong thời gian tới, Ratraco tiếp tục tìm kiếm và hợp tác với các đối tác trong nước, quốc tế trong lĩnh vực vận tải logistics đường sắt để nhằm tạo thêm các tuyến vận tải mới, các sản phẩm vận tải liên vận quốc tế mới, nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước thêm giải pháp vận tải tối ưu trong hoạt động kinh doanh của mình.

Cần tập trung đầu tư cho hạ tầng

Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh, hạ tầng đường sắt còn lạc hậu chính là rào cản lớn đối với ngành đường sắt. Hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt Việt Nam hiện tại đang xuống cấp nghiêm trọng; năng lực vận tải thông qua thấp do các hạn chế về nhà ga, bãi hàng, tải trọng cầu đường; không kết nối được với các loại hình phương tiện vận tải khác, đặc biệt là các cảng biển.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách đầu tư và đẩy mạnh việc kết nối đồng bộ hệ thống kỹ thuật đường sắt quốc tế. Hiện tại Đường sắt Việt Nam kết nối với Đường sắt Trung Quốc và thông qua Trung Quốc để vận chuyển đi các nước thứ 3. Ngoài ra, theo Hiệp định liên Chính phủ về mạng lưới đường sắt Xuyên Á mà Việt Nam tham gia (2006) thì hiện tại đường sắt Việt Nam có vị trí và vai trò hết sức quan trọng để kết nối giữa Trung Quốc và các nước Asean. Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, đường sắt Việt Nam đã có kết nối với đường sắt Trung Quốc qua hai tuyến Đồng Đăng – Bằng Tường và Lào Cai – Sơn Yêu/Hà Khẩu Bắc; tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có tuyến Đồng Đăng – Bằng Tường là kết nối thẳng còn tuyến Lào Cai – Sơn Yêu/Hà Khẩu Bắc chưa tổ chức được việc vận chuyển hàng hóa đi Châu Âu vì hai bên khác nhau về khổ đường sắt (1.000/1.435) cũng như còn một số hạn chế giới hạn về kỹ thuật. Hiện nay, Cục Đường sắt Việt Nam đã có đề xuất ưu tiên bố trí vốn cho dự án đấu nối chung khổ đường giữa hai ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc để tạo thuận lợi cho việc tổ chức lập tàu LVQT quá cảnh Trung Quốc đi Châu Âu.

Ý kiến của bạn

Bình luận