Bà Rơlan H’Ja trao đổi với phóng viên. |
Bán nhà đất, nương rẫy để trả nợ vì đã trót vay tiền với lãi suất cao. Đó là tình trạng đang xảy ra với hàng trăm hộ dân nghèo người dân tộc thiểu số tại huyện Ia Pa tỉnh Gia Lai.
Theo người dân nơi đây, việc xoay xở để có ngay một khoản tiền lớn nhằm trang trải cuộc sống dường như không còn quá khó khăn. Bởi ngay trong buôn, làng của họ sinh sống và làm việc luôn có những đầu mối cho vay tiền hấp dẫn với "các thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, lãi suất theo thỏa thuận."
Qua tìm hiểu của P/v, tình trạng này đã diễn ra trong vòng 5-6 năm nay. Những người dân nơi đây vay tiền chủ yếu để giải quyết một số vấn đề như: chữa bệnh, đầu tư phân bón cây trồng và xây nhà. Với lãi suất từ 30.000 – 60.000 đồng/ triệu/ tháng, bên cạnh đó, sau khi người dân thu hoạch xong nông sản phải bán cho chủ nợ với giá thấp hơn giá thị trường 5 - 7 giá như đã giao hẹn khi vay tiền.
Theo thông tin từ UBND huyện Ia Pa, tình trạng vay nợ nặng lãi đang xảy ra tại 8/9 xã của huyện. Số hộ không còn khả năng thanh toán lên đến 672 hộ trong đó, xã Ia Tul có 89 hộ gia đình tham gia vay nặng lãi với tổng số nợ trên 3,2 tỷ đồng và tổng số lãi lên đến gần 2 tỷ đồng. Xã Chư Mố có 139 hộ dân vay nặng lãi với tổng số nợ trên 2 tỷ đồng và tổng số lãi lên đến 29 tỷ đồng. Xã Ia Kdăm có 173 hộ dân vay nặng lãi với tổng số nợ trên 4 tỷ đồng và tổng số lãi lên đến trên 15 tỷ.
Những “con nợ” này chủ yếu là các hộ nghèo, cận nghèo vì không có vốn để đầu tư, sản xuất nên phải đi vay nặng lãi… Số tiền vay được thống kê trên toàn huyện là hơn 18 tỷ đồng nhưng số tiền lãi tính đến thời điểm hiện tại là hơn 58 tỷ đồng, tổng cả gốc và lãi là hơn 76 tỷ đồng.
Báo cáo tổng hợp tình hình vay tiền tư nhân ở các xã của huyện Ia Pa. |
Tiếp chúng tôi tại góc sân nhỏ của gia đình Chị Rcom Nhơk rú tại buôn Tong Ố, xã Ia Broái bùi ngùi tâm sự: “Do không có đất ở nên hai vợ chồng chị đã tìm đến nhà buôn chuyên cho vay tiền để vay 43 triệu mua đất xây nhà với lãi suất 30.000- 60.000 ngàn đồng/triệu/tháng. Thiếu đất sản xuất, chị tiếp tục vay của một khác 35 triệu để mua rẫy với lãi suất 50 ngàn đồng/triệu/tháng. Mỗi lần đi vay vợ chồng chị chỉ vay từ 5-10 triệu đồng. “Với lãi suất mà người ta tính thì hàng tháng mình phải trả lãi cho họ gần 3 triệu đồng. Hai vợ chồng đi làm rẫy, rồi đi làm thuê, vào mùa mỗi người cũng kiếm được 300-400 ngàn chứ không ít, nhưng rồi cũng đủ để trả tiền lãi rồi mua gạo ăn, chứ tiền gốc vẫn chưa trả được.” – chị Nhơk cho biết thêm thời điểm gia đình chị vay tiền là đầu năm 2013 đến hiện tại, chị đã phải trả gần 200 triệu tiền lãi cho các con buôn từ số nợ 78 triệu của mình.
Cùng chung hoàn cảnh anh Kpă Tin (buôn Boăi , xã Ia Broái) chia sẻ gia đình anh bắt đầu vay nợ của bà Linh (chủ nợ của xã này) từ năm 2013 với số nợ là 30 triệu, đến nay số nợ cả gốc lẫn lãi đã lên 66 triệu trong khi đó gia đình anh không có khả năng chi trả nên anh Tin đã phải bán đất, bán nhà để trả nợ.
Bà Rơlan H’Ja (buôn Tơ Khế, xã Ia Tul) tâm sự: “Trong buôn có nhiều người vay nợ nặng lãi lắm. Nhà mình cũng vay hơn 30 triệu mỗi tháng phải trả lãi 900.000 ngàn đồng. Nhưng nhà mình còn đỡ hơn vì cứ bán mì, ngô là trả hết. Nhiều người không có gì bán nên phải bán đất để trả nợ.”
Khó xử lý
Tín dụng đen “vay dễ trả khó” bởi người vay ít quan tâm đến các điều kiện ràng buộc khi đi vay, hầu như không đọc kỹ và hiểu hết các điều khoản quy định trong giấy vay, cũng như không tính trước số tiền phải trả lãi trong khi các chủ cho vay khôn khéo chuyển từ cách tính phần trăm sang con số cụ thể. Do đó, họ rất dễ bị thiệt thòi khi đặt bút ký vào giấy vay.
Thượng tá Dương Văn Long – Trưởng Công an huyện Ia Pa cho biết, cơ quan Công an đã tiến hành xác minh, làm rõ thông tin về việc người dân tham gia vay tiền của các con buôn. Tuy nhiên, theo khoản 1 điều 163 Bộ luật hình sự quy định, “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm”, thì lãi suất mà các con buôn cho người dân vay chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Liên quan vụ việc ông Siu Sứ - Chủ tịch UBND xã Ia Tul cho biết; “Vấn đề một số bà con vay nợ với lãi suất cao thực sự là một bài toán khó đối với chính quyền xã. Bà con sản xuất không đủ để trả nợ, tính đến hiện tại đã có gần 10 hộ phải bán đất sản xuất để trả nợ rồi . Điều chúng tôi lo lắng nhất lúc này là một số bà con mất đất sản xuất sẽ rất dễ xảy ra tệ nạn xã hội hoặc là bị một số thế lực xấu lôi kéo, dụ dỗ.” Ngoài ra, ông Sứ cho biết đang tiến hành xác minh làm rõ việc các hộ nghèo khi được cấp bò chính sách cũng đã bị các đối tượng xiết nợ.
Tờ rơi quảng cáo cho vay tiền dán tràn lan khắp ngóc ngách trong buôn làng. |
Ông Tô Văn Hữu – Chủ tịch UBND xã Ia Broăi cũng cho biết một số hộ trên địa bàn dù thiếu đất nhưng đã phải bán đất cho thương lái để trừ nợ. Cụ thể như nhà ông Kpă Tin phải bán đất nhà ở, Ksor Muên phải bán đất rẫy… Ông Hữu cảnh báo: “Nếu tình trạng này còn diễn ra, người dân vừa mất đất sản xuất, lại vừa thiệt hại lớn về thu nhập khi phải bán nông sản cho con buôn với giá thấp, như vậy thì sẽ không bao giờ thoát được cái nghèo”.
Cũng theo ông Sứ, khi người dân đi vay ngoài thì không cần làm hồ sơ thủ tục rườm rà. Các chủ nợ làm rất nhanh và cho vay ngay lập tức đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của người dân. Các chủ nợ cũng sẵn sàng cung ứng vật tư, giống cây trồng cho những ai có nhu cầu. Trong khi đó ngân hàng chính sách đầu tư có mục đích, cho vay theo các gói nhất định như vay vốn xây nhà, vay vốn kinh doanh.
Đôi khi nhu cầu người dân vay để tiêu dùng hay vay để chữa bệnh thì không thể vay được vì trước khi giải ngân ngân hàng sẽ kiểm tra xem người dân sử dụng tiền có đúng mục đích hay không . Bên cạnh đó việc giải ngân sẽ diễn ra trong thời gian dài không giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân, cũng chính vì vậy tín dụng đen vẫn phát triển rầm rộ như hiện nay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.