“Giải cứu” doanh nghiệp vận tải mùa dịch COVID-19

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
Bạn đọc 17/03/2020 05:36

Những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 gây ra đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ngành vận tải. Ngoài việc chấp nhận bù lỗ, để duy trì hoạt động và bảo đảm ATGT, nhiều sáng kiến hỗ trợ cũng được đưa ra giúp DN vận tải vượt khó.

 

anh

Nhân viên y tế vệ sinh, khử trùng các đoàn tàu

COVID-19 tác động xấu đến ngành vận tải

Tại cuộc họp đánh giá thiệt hại do dịch COVID-19 của Bộ GTVT mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện cho biết, nhiều nhà xe đang muốn dừng hoạt động vì khách ít, càng chạy càng lỗ.

Cụ thể, trong tháng 02, 5 bến xe lớn ở Hà Nội ghi nhận mức sụt giảm hành khách đột biến so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể: Bến xe Yên Nghĩa giảm 42%, Giáp Bát giảm 49%, Mỹ Đình giảm 34%, Nước Ngầm giảm 33% và Gia Lâm giảm 18%. 

Sản lượng hành khách cũng sụt giảm mạnh ở các địa phương có dịch như Khánh Hòa (tuyến xe du lịch giảm 70%), Vĩnh Phúc (giảm 60%), Thanh Hóa (giảm 50%). Một số tỉnh, thành chưa phát hiện người nhiễm nhưng lượng hành khách vẫn giảm mạnh như Đà Nẵng, Lạng Sơn, Cần Thơ…

Điểm sáng duy nhất là tại TP. Hồ Chí Minh, dù phát hiện 3 trường hợp dương tính với COVID-19 nhưng sản lượng hành khách của thành phố chỉ giảm 01%, lượng khách xuất bến trong tháng 02 vẫn đạt hơn 01 triệu lượt.

Việc kinh doanh ế ẩm đột ngột khiến nhiều nhà xe tuyến cố định muốn dừng giãn chạy để tránh lỗ. Tuy nhiên, lo quy định chạy dưới 70% số chuyến sẽ bị thu hồi phù hiệu và đình chỉ khai thác nên các nhà xe vẫn phải duy trì hoạt động chờ có quy định cụ thể về việc tổ chức vận tải bằng ô tô khi có dịch bệnh.

Có thể thấy, lượng xe xuất bến thấp kéo theo thiệt hại cho các bến xe (nguồn thu từ lệ phí ra, vào bến, hoa hồng bán vé...). Đồng thời, các DN mất thêm chi phí trang bị khẩu trang, dụng cụ bảo hộ trong khi vẫn phải trả lãi vay ngân hàng và trả lương cho nhân viên.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, doanh thu của DN bị ảnh hưởng đến 70%, còn nếu dịch bệnh kéo dài thì hậu quả chắc chắn là sẽ rất nghiêm trọng.

Trong bối cảnh số lượng xe du lịch của các đơn vị vận tải không thể hoạt động nhưng vẫn phải duy trì, bảo dưỡng và trả lương cho các tài xế cũng khiến nguồn tài chính nhiều DN bị hao hụt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu. Ông Đỗ Văn Bằng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (Hãng xe Sao Việt) cho hay, việc các tour du lịch bị hủy bỏ, nhiều lễ hội ở các địa phương tạm dừng dẫn đến số lượng hành khách đi xe giảm khoảng 60%.

Tương tự, lĩnh vực hàng không cũng đang lao đao vì ảnh hưởng do dịch COVID-19 gây ra. Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp khiến thiệt hại các hãng hàng không nặng nề hơn.

Từ cuối tháng 01/2020, do ảnh hưởng của dịch, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh. Tính đến ngày 26/02, các hãng hàng không đã dừng, giảm tần suất hàng loạt chuyến bay. Hiện nay, số lượng đoàn khách hủy chuyến liên tục gia tăng. Các hãng phải điều chỉnh phương án khai thác, hủy toàn bộ các đường bay thường lệ và thuê chuyến đi Trung Quốc lục địa, Ma Cao, Hồng Kông, giảm tần suất bay, giảm tải cung ứng trên các đường bay đi hầu hết thị trường quốc tế khác. 

Cùng chung tình cảnh với hàng không là vận tải đường sắt. Theo đại diện Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội, hiện hiệu suất khách sử dụng toa cho các đôi tàu phía Nam chỉ khoảng 39%/chuyến, trong khi những năm trước chỉ số này ước đạt 77%/chuyến và các tàu khác còn thấp hơn nhiều.

Bà Phùng Thị Lý Hà - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội cho biết, ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đơn vị đã phải cắt giảm 6 đôi tàu, với mỗi đôi hơn 1.000/khách/lượt. Một đôi tàu du lịch Lào Cai - Hà Nội cũng bị hủy bỏ do vắng khách du lịch. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên được nghỉ kéo dài khiến hành khách trả vé hết các chiều về Hà Nội và đi TP. Hồ Chí Minh. Hiện lượng vé trả lại của Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn khoảng 30 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội ước hơn 13 tỷ đồng.

“Giải cứu”... vấn đề cấp bách

Để hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam trong giai đoạn chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ GTVT báo cáo Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không Việt Nam.

Cụ thể, áp dụng chính sách giảm 50% giá cất, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa trong thời gian từ ngày 01 - 31/5; cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá; tạo điều kiện cho các DN cung ứng dịch vụ (ACV, VDO và các DN cung ứng dịch vụ hàng không khác) thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các DN sử dụng dịch vụ khác…

Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét việc miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng. Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn thì thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; cho phép các DN được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách; xem xét nới lỏng chính sách visa nhập cảnh đối với khách từ các thị trường quốc tế đến Việt Nam…

Chia sẻ những khó khăn với DN, vừa qua, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có đơn kiến nghị gửi Chính phủ và các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN vận tải do dịch COVID-19 gây ra.

Theo đó, Hiệp hội đề xuất nhóm giải pháp để Nhà nước hỗ trợ ngành vận tải vượt qua khó khăn trước mắt. Cụ thể, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng giãn nợ, hạ lãi suất cho vay đối với các hợp đồng vay vốn để đầu tư phương tiện vận tải hoặc đang thế chấp tại tổ chức cho vay vốn; xem xét việc giảm phí BOT từ 3 - 5% đối với các phương tiện chở hàng từ 5 tấn trở lên và các phương tiện chở khách từ 16 chỗ trở lên để tiết giảm chi phí vận tải.

Hiệp hội cũng đề nghị Nhà nước có chính sách ổn định giá xăng dầu tạm thời đến hết quý II/2020; khuyến khích các DN chế biến xăng dầu nâng cao sản lượng xăng E5. Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ GTVT cắt giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí lao động cho các DN.

Ý kiến của bạn

Bình luận