Rớt do phần thi mô phỏng
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Ngô Đình Quang, Trưởng Phòng Sát hạch và Cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT TP. HCM) cho biết: "Trong năm 2023, Sở GTVT TP. HCM tổ chức 2.384 kỳ sát hạch (mô tô 1.467 và ô tô 917) cho 445.713 thí sinh dự thi (mô tô 279.907, ô tô 165.806). Trong đó số lượng thí sinh đạt sát hạch và được cấp giấy phép lái xe (GPLX) là 311.047 học viên tỉ lệ đạt là 69,79% giảm 4,61% so với năm 2022. Cụ thể mô tô là 221.0138 học viên đạt 79% giảm 0,25% so với năm 2022 và ô tô là 89.909 học viên tỷ lệ đạt là 54,23%, giảm 10,95% so với năm 2022".
Nguyên nhân tỷ lệ và số lượng học viên thi rớt sát hạch GPLX giảm so với năm 2022 là do việc áp dụng thêm nội dung sát hạch lái xe trên phần mềm mô phỏng với các tình huống giao thông. Nếu học để nhận biết 120 tình huống giao thông thực tế là rất tốt, nhưng để áp dụng thi sát hạch thì còn tồn tại bất cập. Nhiều tình huống chưa sát thực tế lưu thông trên đường, kết quả phụ thuộc vào ý chí của người lập trình phần mềm. Điều này dẫn tới thí sinh xử lý chậm vài giây là dễ bị mất điểm, ông Quang cho biết thêm.
Ở khía cạnh công tác đào lái xe, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ TP. HCM thẳng thắn nhìn nhận: "Năm 2023 từ khi áp dụng phần mềm DAT và thi mô phỏng nên tỉ lệ đậu thi GPLX chỉ đạt khoảng 50%. Nguyên nhân là do thi thêm phần mô phỏng những người lớn tuổi rất khó đạt (đa phần rớt thi mô phỏng từ 20 – 25%). Ngoài ra, nhiều học viên tâm lý lo lắng nên chỉ tập trung học phần mô phỏng quá nhiều mà quên luôn phần thi thực hành bởi vậy đôi khi đậu mô phỏng lại rớt thực hành. Trường Tiến Bộ hiện nay tỷ lệ sát hạch GPLX đạt 65 - 70%, giảm so với trước đây khi chưa có DAT và mô phỏng thì đạt khoảng 75 - 80%".
Theo ông Dũng, phần thi mô phỏng chỉ là tình huống giao thông giả định sắp xảy ra nguy hiểm, đối với cá nhân có khả năng nhạy bén sẽ xử lý tình huống vào thời điểm an toàn vừa đủ và đúng lúc với thời gian yêu cầu thì mới đạt điểm tối đa theo bài thi. Tuy nhiên với những người lớn tuổi lái xe cẩn thận từ xa họ thấy trướng ngại vật đã giảm ga rà thắng rồi thì dễ bị mất điểm vì vậy các tình huống thi mô phỏng chưa phù hợp thực tế và mang tính đánh đố học viên.
"Quản lý đào tạo sát hạch lái xe chặt chẽ là rất tốt, ví dụ như quy định lắp đặt phần mềm thiết bị DAT rất cần thiết để giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe của học viên. Tuy nhiên tôi thấy phần thi mô phỏng không mang lại hiệu quả. Vì vậy các trung tâm đào tạo lái xe rất mong Cục Đường bộ Việt Nam nên xem xét, nghiên cứu điều chỉnh hoặc có thể bỏ phần thi mô phỏng mà thay vào đó là tăng số km chạy thực hành như vậy sẽ giúp học viên nâng cao chất lượng tay lái", ông Dũng kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Hóc Môn cho biết: "Từ khi áp dụng phần thi mô phỏng gây áp lực cho học viên nên chỉ những người có nhu cầu thực mới đăng ký học bằng lái xe, 120 câu hỏi tình huống giao thông thực sự là phần thi khó cho học viên. Muốn hoàn thành tốt phần này, đòi hỏi học viên phải nhanh nhẹn, phản ứng tốt mới đạt điểm cao. Trong khi học viên thi GPLX có đủ mọi lứa tuổi. Người trẻ thi mô phỏng thường có xác suất đậu cao hơn những người lớn tuổi, điều này đã được chứng minh qua các kỳ thi. Vì vậy để tăng tỷ lệ đậu trung tâm yêu cầu học viên phải thi tốt nghiệp phần mô phỏng để khi sát hạch cấp GPLX sẽ giúp học viên tự tin làm bài và đạt tỉ lệ đậu lý thuyết và mô phỏng cao từ 70 - 80%. Hiện nay trung bình tỉ lệ đậu cả lý thuyết và thực hành của trung tâm đạt khoảng 70%".
Đang theo học hạng B2 tại cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn huyện Nhà Bè, TP. HCM, anh Nguyễn Đình Vinh (35 tuổi ngụ Quận 7) chia sẻ: "Phần thi mô phỏng lái xe có nhiều điểm bất cập. Mới học thì tưởng dễ nhưng khi thi rồi mới thấy phần này khó nhất và không thực tế. Đa phần thí sinh thi phần này theo kiểu học mẹo. Đây là các bài thi mô phỏng tình huống trên đường nhưng thao tác phanh, dừng xe lại ấn nút trên bàn phím máy tính. Vậy nên, ôn luyện nhiều đến đâu nhưng khi bước vào thi chỉ cần bấm phím xử lý tình huống nhanh hơn một tích tắc cũng không được tính điểm hoặc bị chấm thang điểm thấp".
Phát hiện 25 thí sinh vi phạm
Theo ông Quang, trong năm 2023 công tác đào tạo sát hạch GPLX được Sở GTVT chú trọng chỉ đạo, đảm bảo đúng quy trình, đánh giá đúng năng lực học viên. Qua công tác sát hạch, đã phát hiện 25 trường hợp thí sinh vi phạm quy chế sát hạch lái xe cơ giới đường bộ (sử dụng thiết bị điện tử để gian dối trong quá trình sát hạch) và đã xử lý theo quy định. Để chấn chỉnh tình trạng trên Sở GTVT đã yêu cầu các trung tâm sát hạch lái xe nghiên cứu đầu tư trang thiết bị phát hiện các thiết bị điện tử truyền phát tín hiệu để sử dụng trong các kỳ sát hạch nhằm ngăn chặn các hoạt động cố ý gian lận trong quá trình thi.
Ngoài ra, để tăng cường công tác phòng, chống tiêu cực trong các kỳ sát hạch, Sở GTVT đã chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT tăng cường giám sát đột xuất các kỳ sát hạch để cấp GPLX theo quy định. Tính đến ngày 14/12/2023, Thanh tra Sở GTVT đã tiến hành giám sát đột xuất 194 kỳ (ô tô: 60 kỳ, mô tô A1: 101 kỳ, mô tô A2: 32 kỳ, mô tô A3: 01 kỳ). Qua công tác giám sát đột xuất, Thanh tra Sở GTVT nhận thấy quy trình sát hạch được Tổ sát hạch thực hiện đúng quy định, sát hạch viên thực hiện đúng nhiệm vụ theo bảng phân công. Quá trình sát hạch diễn ra ổn định, nghiêm túc. Khi xảy ra sự cố kỹ thuật trong thời gian sát hạch, Tổ sát hạch giải quyết kịp thời, đúng quy định, có sự chứng kiến của Tổ giám sát.
Để nâng cao chất lượng đào tạo và tăng tỉ lệ thí sinh đậu sát hạch GPLX trong thời gian tới, Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT khẩn trương tham mưu cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe; Thông tư quy định về đào tạo, sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp thực tế, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở đào tạo lái xe, Trung tâm sát hạch lái xe hoạt động theo đúng quy định pháp luật.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.