Giải pháp nào hạn chế chỉ định thầu BOT, BT?

Thị trường 23/09/2017 02:38

Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đều đồng thuận là phải tăng cường đấu thầu cạnh tranh, hạn chế tối đa chỉ định thầu dự án BOT, BT, thậm chí có ý kiến cho rằng cần cấm chỉ định thầu.

 

Giải pháp nào hạn chế chỉ định thầu BOT, BT
Để có nhiều nhà đầu tư tham gia dự án BOT thì phải có một thị trường rộng hơn và cơ quan nhà nước phải minh bạch. Ảnh: Tường Lâm

Giải pháp nào để trong thời gian tới các dự án BOT, BT không còn câu chuyện chỉ định thầu đúng quy định, không bắt lỗi được ai?

Giai đoạn 2011 - 2015, trước khi Nghị định 15/2015/NĐ-CP (NĐ15) được ban hành, việc chỉ định thầu thực hiện theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP, trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép, những trường hợp khi công bố danh mục dự án chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký thì được chỉ định cho nhà đầu tư đó. Đa phần nhà đầu tư đăng ký chính là nhà đầu tư đề xuất dự án.

Khi NĐ15 có hiệu lực thi hành, sau khi công bố danh mục dự án, dự án BOT phải trải qua bước sơ tuyển, nếu chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm ở vòng sơ tuyển thì mới thực hiện chỉ định nhà đầu tư. Nếu có từ 2 nhà đầu tư trở lên vượt qua sơ tuyển, phải tổ chức đấu thầu cạnh tranh.

Thực tế, quy định của pháp luật liên quan đến BOT, BT đã dần hoàn thiện, chặt chẽ hơn. Theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT, trước chỉ cần công bố danh mục, 1 nhà đầu tư đăng ký là có thể chỉ định, chưa cần biết năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư như thế nào. Đến khi NĐ15 có hiệu lực, việc phải qua bước sơ tuyển xem xét về năng lực, kinh nghiệm mới có thể chỉ định nếu chỉ có 1 nhà đầu tư đáp ứng, cũng là bước tiến bộ so với trước, vì khi đó ít nhất là đã đánh giá được về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Việc chỉ định nhà đầu tư không đủ năng lực, kinh nghiệm thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, thông tin dự án ở bước sơ tuyển đã đầy đủ, rõ ràng hơn rất nhiều ở bước công bố danh mục dự án, nên dù là chỉ định nhà đầu tư, thông tin dự án BOT cũng đã được đăng tải rộng rãi tới thị trường và các nhà đầu tư, công khai, minh bạch hơn khá nhiều so với trước.

Thống kê sơ bộ của Báo Đấu thầu cho thấy, sau khi NĐ15 có hiệu lực, đã có nhiều dự án BOT, BT đưa ra sơ tuyển rộng rãi nhưng chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký sơ tuyển và đáp ứng yêu cầu, sau đó được chỉ định. Đánh giá về thực tế này, ông Lê Văn Tăng cho rằng, khi xây dựng NĐ15 và Nghị định 30/2015/NĐ-CP (NĐ30), những người làm luật hiểu rất rõ về tầm quan trọng của đấu thầu rộng rãi và đã xây dựng quy định theo hướng các dự án BOT nói riêng, dự án PPP nói chung phải lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức này. Thế nhưng, thực tiễn chưa được như kỳ vọng, phát sinh việc nhiều dự án sơ tuyển chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, trúng sơ tuyển, sau đó được chỉ định thầu. Thực trạng này phải xem xét, nghiên cứu để tiếp tục sửa đổi quy định của pháp luật.

Theo ông Lê Văn Tăng, Nghị định sửa đổi NĐ15, NĐ30 và Luật PPP sắp tới phải chặt chẽ hơn bây giờ. Trong trường hợp sơ tuyển chỉ có 1 nhà đầu tư đáp ứng, không chỉ định thầu ngay mà phải xem lại vì sao chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, trúng sơ tuyển. Cũng giống như đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nếu chỉ có 1 nhà thầu nộp HSDT thì phải xem xét, xử lý tình huống, xem lại HSMT hoặc gia hạn thời gian phát hành HSMT. Nếu quyết định mở thầu trong tình huống này, cũng phải có sự phân tích rồi mới quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Với lựa chọn nhà đầu tư BOT, BT, sửa đổi NĐ15 nên theo hướng nếu sơ tuyển chỉ có 1 nhà đầu tư vào danh sách ngắn, không tự động chỉ định ngay, mà xem xét lại đầu bài đưa ra tiêu chí có quá cao hay là thời gian quá ngắn  khiến nhà đầu tư không kịp chuẩn bị. Trước khi chỉ định, phải phân tích, xem xét lại và chịu trách nhiệm, cần thiết thì sơ tuyển bổ sung. Một số dự án không quá lớn, không quá phức tạp nếu thấy không cần thiết sơ tuyển có thể đấu thầu luôn vì trong bước đấu thầu đã có đánh giá năng lực, kinh nghiệm.

Ngoài ra, ông Lê Văn Tăng cho rằng, để có nhiều nhà đầu tư tham gia thì phải có một thị trường rộng hơn và cơ quan nhà nước phải minh bạch, nếu không nhà đầu tư cứ nhìn nhau và lo ngại thiếu minh bạch nên không tham gia.

Ý kiến của bạn

Bình luận