Giảm chi phí logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics

Tác giả: nguyễn tương

saosaosaosaosao
20/04/2018 15:50

Để cắt giảm chi phí logistics, trước hết chúng ta phải hiểu đầy đủ hiện trạng của ngành dịch vụ logistics Việt Nam và cơ cấu chi phí logistics. Tại Hội nghị Phát triển ngành dịch vụ logistics, triển khai Kế hoạch năm 2018 của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) mới đây, nhiều nội dung đã được đưa ra bàn luận để hướng đến sự phát triển ngành dịch vụ logistics của đất nước.

 

ng Tuong_Logistic_1

Tình hình phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam

Tốc độ phát triển và xếp hạng LPI của ngành dịch vụ logistics Việt Nam: Ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ từ 15 - 16%/năm. Theo chỉ số hoạt động LPI của Ngân hàng Thế giới 2014, Việt Nam xếp hạng 53 và năm 2016 xếp hạng 64/160 nước, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Quyết định 200/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/02/2017 (QĐ200) về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đề ra mục tiêu đến 2025: “Tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 - 20%”, “Xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.

Tỷ lệ thuê ngoài (outsourcing) của ngành dịch vụ logistics Việt Nam: Hiện nay, khoảng 35 - 40% nguyên nhân chủ yếu là chưa có sự phối hợp, hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với các nhà sản xuất và các nhà xuất nhập khẩu. QĐ200 đã đề ra mục tiêu đến 2025: “Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%”.

Chi phí logistics của Việt Nam - cách tính: Trong Báo cáo cuối kỳ “Dịch vụ tư vấn: Hỗ trợ Bộ GTVT về Phát triển Vận tải đa phương thức” tháng 3/2014, Công ty Tư vấn ALG của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã thông tin chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% GDP. ALG đã dùng phương pháp tính chi phí logistics cụ thể như sau: Cho 12 chuỗi ngành hàng (hàng điện tử và linh kiện, thiết bị điện, dệt may, công nghiệp ô tô, dược phẩm, rau quả, giày dép, hải sản, gạo, cà phê, đồ uống và nội thất), rồi nội suy ước tính và rút ra kết luận chi phí logistics quốc gia của Việt Nam tương ứng với tất cả các ngành sản xuất giá trị gia tăng trong nước là 413.141 tỷ đồng. Con số này tương đương 20,9% tổng GDP của cả nước (1.980.914 tỷ đồng trong năm 2010). Tổng chi phí logistics là 413.141 tỷ đồng trong năm 2010, bao gồm: Chi phí vận tải: 60% (gồm Transport 59% + Port charge: 01%); chi phí tồn kho (Inventory Costs) và chi phí quản lý (Administration costs): 40% (bao gồm: Storage 11%, Handling 21% và Packing 8%). Đây là nghiên cứu với cách tính khoa học đáng tin cậy nhất cho đến hiện nay về chi phí logistics của Việt Nam.

VLA tán thành phương pháp tính chi phí logistics của ALG đã thực hiện và cho rằng ở thời điểm năm 2016, một cách tương đối có thể dựa vào tăng trưởng về khối lượng hàng hóa vận chuyển (tăng 1,55 so với năm 2010), khối lượng hàng hóa luân chuyển (tăng 1,09 so với năm 2010), GDP (tăng 2,0 so với năm 2010) để từ đó ngoại suy chi phí logistics ở Việt Nam có thể đang ở mức 14,5 - 19,2%, hay trung bình là 16,8%. Đối chiếu so sánh với chi phí logistics/GDP với ASEAN 6, năm 2016: Singapore 8,5%, Indonesia 24%, Thái Lan 15%, Malaysia 13%, Philippines 13% và trung bình của Asia Pacific 12,7% (nguồn: Amstrong & Asociate). QĐ200 đã đề ra mục tiêu đến 2025: “Chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP”.

Về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics của Việt Nam hiện nay: Theo thông tin do Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh (thuộc Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện cả nước có khoảng 3.000 công ty tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics, trong số đó 70% có trụ sở ở khu vực TP. Hồ Chí Minh và có khoảng 30 công ty logistics đa quốc gia. Các công ty đa quốc gia có thế mạnh về hợp đồng chuyên chở ngoại với các hãng tàu lớn do công ty mẹ ký với các chủ hàng lớn có mạng lưới toàn cầu, mức độ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động logistics cao, trình độ quản lý tiên tiến và đặc biệt có quan hệ tốt với các chủ hàng toàn cầu nên có nhiều lợi thế so với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam, do đó chiếm thị phần đáng kể. Trong khi đó, thế mạnh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là đầu tư - khai thác cảng, vận tải nội địa, nổi bật là vận tải bộ, đại lý thủ tục hải quan, đầu tư - khai thác kho, bãi và có đội ngũ nhân sự dồi dào, đông đảo.

Khoảng 15% tổng số doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam là hội viên của Hiệp hội VLA nhưng đại diện trên 60% thị phần cả nước. Trong số các hội viên VLA có nhiều doanh nghiệp logistics hàng đầu trong ngành như: SNP, Gemadept, Transimex, Indotrans, TBS Logistics, BK Logistics, U&I Logistics, TBS Logistics, Sotrans, Vinalink Logistics, Vinafco… Tính đến ngày 20/3/2018, VLA có 369 hội viên, trong đó có 318 hội viên chính thức và 51 hội viên liên kết với 34 hội viên là các công ty FDI, hoạt động trên cả nước nhưng tập trung chủ yếu là khu vực phía Nam (228 hội viên).

Có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn như: DHL, FedEx, UPS, Maersk Logistics, APL Logistics, Schenker, Nippon Express, KWE, CJ Logistics, KMTC Logistics, Log Win… Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nước ngoài và các công ty cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia tại Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong việc phát triển thị trường logistics Việt Nam, trong điều kiện Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng.

Về thị phần của dịch vụ logistics Việt Nam, lâu nay các cơ quan truyền thông đưa tin là các doanh nghiệp dịch vụ logistics nước ngoài tuy số lượng chỉ chiếm 20% nhưng nắm giữ 80% thị phần. Đây là thông tin hoàn toàn không đúng. Bởi vì, nói đến logistics là chúng ta phải nói đến từng chuỗi vụ dịch riêng của logistics, qua đó sẽ thấy được rõ năng lực cung cấp dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam. Về vấn đề khai thác cảng biển thì hiện nay đến 90% thị phần nằm trong tay các doanh nghiệp khai thác cảng biển Việt Nam. Về vận tải đường bộ và đại lý hải quan thì chắc chắn thuộc về các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Về cung cấp kho bãi, dịch vụ kho thì hiện nay thị phần vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam. Chúng ta cần phải hiểu chính xác như vậy.

Về năng lực cung cấp dịch vụ logistics, VLA tin rằng các doanh nghiệp logistics Việt Nam đủ khả năng cung cấp các dịch vụ thuộc chuỗi dịch vụ logistics cho tất cả các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics. Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận các yếu kém về một số lĩnh vực như: Vận tải hàng không, vận tải đường biển quốc tế, các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam không thể đầu tư với nguồn vốn lớn vì còn nhiều công ty là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc này cần phải có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước ngoài việc xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng GTVT. Bởi vì, cũng như tất cả các nước trên thế giới khi mà các công ty vận tải biển lớn đều có xuất phát điểm từ sự hỗ trợ này.

Quan điểm của VLA về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nước ngoài đang cung cấp dịch vụ tại Việt Nam là các doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam có sử dụng lao động Việt Nam, đóng thuế cho Việt Nam. Các doanh nghiệp này là đối tác của chúng ta, cạnh tranh lành mạnh chứ không phải giành giật. Các doanh nghiệp này có ưu điểm để các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam học hỏi kinh nghiệm về trình độ quản lý, nghiệp vụ, khoa học công nghệ logistics để cùng nhau phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam.

Những khuyến nghị về cắt giảm chi phí logistics trong ngành GTVT của nước ta

- Chính phủ có một nghị quyết riêng về vấn đề cắt giảm chi phí logistics, yêu cầu các bộ, ngành chức năng, hiệp hội ngành nghề liên quan triển khai hiệu quả QĐ200 và có nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể nhằm giảm chi phí dịch vụ logistics.

- Cắt giảm chi phí vận tải, trước hết là vận tải đường bộ, minh bạch hóa phí BOT, xóa bỏ chi phí ngầm trong vận tải, xây dựng các biện pháp cụ thể kết hợp vận chuyển hàng hai chiều. Năm 2015, vận tải hàng hóa bằng đường bộ chiếm 77,08% thị phần vận tải cả nước, phấn đấu đến năm 2020 giảm xuống còn 54,39%. Cho nên, trước hết phải tập trung vào việc giảm chi phí vận tải đường bộ trong tổng số 60% chi phí vận tải của chi phí logistics nước ta.

- Phối hợp chặt chẽ với các chủ hàng nhằm giảm ùn tắc hàng hóa tại cảng và giao thông đô thị. Ví dụ tại cảng Cát Lái, người sử dụng dịch vụ vận tải phải cùng chung tay cắt giảm chi phí logistics; nâng cao năng lực sử dụng cảng Cái Mép - Thị Vải; loại bỏ việc thu phụ phí bất hợp lý của các hãng tàu nước ngoài tại cảng biển.

- Tiến hành cơ cấu lại vận tải một cách hiệu quả, phát triển vận tải đường biển, vận tải đường sắt Bắc - Nam và liên vận quốc tế phục vụ chuyên chở hàng hóa nội địa và vận tải xuyên quốc gia, qua đó phát triển hiệu quả vận tải đa phương thức.

- Phát triển logistics khu vực đồng bằng sông Cửu Long, gắn chặt với vận tải thủy, chủ yếu là vận tải container dựa trên thế mạnh luồng lạch của khu vực về Cát Lái và Cái Mép - Thị Vải; xây dựng trung tâm logistics; thu hút các hãng hàng không bay trực tiếp đến Cần Thơ, tạo kết nối hàng không trực tiếp với các trung tâm khu vực như Singapore, Bangkok, Kualalumpur, Hồng Kông, Tân Sơn Nhất. Hiện nay, khoảng 80% hàng hóa xuất khẩu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện qua khu vực TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Nghiên cứu, xem xét bổ sung nhiệm vụ điều phối hoạt động logistics cho Ủy ban Quốc gia tạo thuận lợi hóa thương mại; lập cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về logistics như cục/vụ tại Bộ Công thương, Bộ GTVT; mở rộng sự tham gia đóng góp ý kiến của doanh nghiệp vào quá trình quản lý hoạt động dịch vụ logistics nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với ngành dịch vụ logistics nước ta.

Ý kiến của bạn

Bình luận