Logistics nhìn từ những chuyện 'nhỏ như con thỏ'

Ý kiến phản biện 16/04/2018 07:37

Logistics là một chuỗi từ ý tưởng, thiết kế, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng… chứ không phải chỉ là “kho hàng” và vận tải và được hình thành trên nền tảng văn hóa - văn minh, chứ không đơn thuần là lợi ích. Đề cập vấn đề này, tác giả Trần Ngọc Châu đã kể một câu chuyện thú vị…

 

logistics-hero-1514254578208

Thomas Friedman - tác giả của cuốn sách lừng danh “Thế giới phẳng”- từng viết trong một cuốn sách khác cũng rất nổi tiếng, và thuộc loại bán chạy nhất ở Mỹ, được dịch sang tiếng Việt với tựa đề: “Chiếc Lexus và cây oliu”: “Tôi sang Hà Nội, ăn tối một mình trong khách sạn Metropole. Việt Nam lúc này đang vào mùa quýt, ở mọi góc đường người ta bày bán những thúng quýt cao ngất, vàng bóng, ngon mắt. Sáng nào tôi cũng ăn vài quả. Bữa ăn tối hôm đó, khi người hầu bàn hỏi tôi có dùng món tráng miệng không, tôi bảo chỉ cần một quả quýt. Anh ta đi một lúc rồi quay lại.

“Xin lỗi ông, hết quýt rồi”, anh nói.

“Sao thế”, tôi hơi bực vì “sáng nào ăn sáng tôi cũng thấy dọn cả bàn đầy quýt cơ mà. Thế nào trong bếp chẳng còn vài quả”.

“Xin lỗi”, anh ta lắc đầu rồi nói “hay ông dùng tạm dưa hấu”?

“Cũng được, cho tôi ít dưa hấu”, tôi nói.

Năm phút sau người phục vụ quay lại, mang theo một chiếc đĩa có 3 quả quýt.

“Tôi tìm được quýt rồi nhưng lại không có dưa hấu”, anh ta nói (sách đã dẫn, trang 33, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 2007).

Thomas Friedman kết luận: “Những gì đón đợi tôi ngoài cửa và trên bàn ăn thường không phải là những gì tôi đã định trước”. Có thể thấy sự thất vọng của ông ta chính là logistics.

Tôi vẫn khao khát làm một điều tra về “độ chênh giữa những giấc mơ và hiện thực của con người", với giả định rằng nguyên nhân chính cho độ chênh đó là lỗi của chuỗi cung ứng hay kĩ thuật logistics.

Có lần tôi nhận được một giấy mời trang trọng tham gia một hội thảo tổ chức ngay tại thủ đô Hà Nội trong một khách sạn quốc tế năm sao do một tổ chức quốc tế lừng danh tài trợ và được điều hành bởi một hội đoàn thuộc loại lớn nhất và uy thế nhất của Việt Nam.

Họ chỉ mời mà không hề nói thêm là đi đến đó bằng phương tiện gì (chắc chắn không thể đi Honda từ Sài Gòn ra Hà nội), ở đâu (hình như ban tổ chức mặc định rằng tất cả các diễn giả người Việt Nam đều phải biết nhà khách trung ương nằm ở đâu, nên không có một thông tin nào về địa chỉ này), rồi… sau đó khi được “xác nhận” nhiều lần mới biết sẽ được đi bằng máy bay ra Hà Nội, nhưng từ sân bay Nội bài đến trung tâm thành phố đi thế nào, có xe đưa đón hay không, thì ban tổ chức cũng không hề nhắc tới.

Hầu như những gì mà một người khách mời cần biết về các phương tiện hỗ trợ và làm cho người khách thoải mái, tiện nghi để sẵn sang tham dự sự kiện thì dường như những nhà tổ chức không quan tâm. Khi kể chuyện này thì một người trong ban tổ chức thẳng thừng “chuyện nhỏ như con thỏ…, chỉ có bác mới đòi hỏi, phải ngầm hiểu chứ!”.

Một chuyện khác, tháng 1/2017, tôi nhận một giấy mời sang tận Chile, Nam Mỹ. Kèm theo đó họ hướng dẫn chi tiết mọi việc như khi nào thì mua vé may bay, lấy visa thế nào, tiền đi lại để lấy visa ai trả, thậm chí họ còn ghi chú “nhớ mang xách tay với các đồ vệ sinh cá nhân để có thể cần dùng khi transit trễ ở các sân bay, vì hành lí đã gửi theo máy bay hết”. Khi tôi kể ví dụ này để so sánh, một bạn trẻ học khoa du lịch nói ngay: “Họ là ban tổ chức quốc tế mà”.

Logistics là một văn hóa toàn cầu, thậm chí mang tính nhân loại, vì nói cho cùng nó phải làm “tối ưu hóa” tất cả dịch vụ phục vụ nhu cầu của con người để đạt tới cái “tối ưu” của công việc.

Logistics còn là một chuỗi từ ý tưởng, thiết kế, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng… chứ không phải chỉ là “kho hàng” và vận tải và được hình thành trên nền tảng văn hóa - văn minh, chứ không đơn thuần là lợi ích.

Cho nên một con người thành công như tác giả “Thế giới phẳng”, đành mang cảm giác thất bại khi đi chơi Việt Nam chỉ vì những người phục vụ không hiểu hết rằng “dù là một trái quít nó cũng phải được tôn trọng theo một qui trình logistics và nó phải được hiểu đúng là trái quýt chứ không phải là… dưa hấu!

Và nếu khi tôi đòi hỏi được biết “địa chỉ của nhà khách” hay “từ sân bay Nội Bài đến trung tâm Hà nội đi bằng cái gì?” thì phải hiểu đó là yêu cầu của con người văn minh theo cái văn hóa “thấu cảm” của logistics, bởi vì “thà mất lòng trước mà được lòng sau” còn hơn để cho công việc trở nên thất bại vì tránh né “những trái quýt”.

Nói những chuyện như vậy để hiểu tại sao chi phí logistics ở Việt Nam cao đến 20,7% (có số liệu cho rằng khoảng 14,5 - 19,2%).

Bởi vì nếu hiểu logistics chính là một chuỗi tư duy và phản xạ tự nhiên của văn hóa, một loại văn hóa thấu cảm (empathism), nói nôm na là đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, thì khi đó không chỉ Chính phủ, doanh nghiệp mà mọi cá nhân trong xã hội đều biết cách làm cho công việc hợp lý hơn (logistics) và từ đó sẽ không quá khó để nâng cao tính cạnh tranh trong kinh tế quốc gia!

Ý kiến của bạn

Bình luận