Giảm tốc độ để bảo vệ cuộc sống của trẻ em

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 26/04/2017 06:28

Đó là kiến nghị của ông Lokky Wai-Trưởng Đại diện Tổ chức Y Tế Thế giới tại Họp báo Kế hoạch tổ chức Tuần lễ an toàn đường bộ lần thứ 4.


DSC_6690
Ông Lokky Wai – Trưởng Đại diện Tổ chức Y Tế Thế giới tại Việt Nam chia sẻ các bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng chỉ cần giảm 5% tốc độ xe chạy trung bình là có thể giảm 30% số vụ tai nạn chết người.

Chiều 25/4, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới và các đơn vị liên quan tổ chức Họp báo công bố Kế hoạch tổ chức Tuần lễ an toàn đường bộ lần thứ 4 do Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề “Tốc độ”.

Phát biểu tại họp báo, ông Lokky Wai – Trưởng Đại diện Tổ chức Y Tế Thế giới tại Việt Nam cho biết cứ mỗi 4 phút một trẻ em lại mất đi do TNGT.  50% số người tử vong tập trung vào số ng đi bộ, xe đạp, xe gắn máy. Ở Việt Nam, TNGT đường bộ là nguyên nhân gây tử vong và thương tích nghiêm trọng thứ hai ở trẻ, chỉ đứng sau đuối nước, chiếm 27% các trường hợp tử vong ở nhóm 0-19 tuổi. Ở nhóm trẻ vị thành niên từ 15-19 tuổi, tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chiếm 50%. Vào ngày 15/4/2016, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tiếp tục ban hành Nghị quyết mới, số A/RES/70/260 về “Cải thiện an toàn giao thông đường bộ toàn cầu”. Nghị quyết xác định mục tiêu tới 2020 là giảm 50% số thương vong do tai nạn giao thông đường bộ, và năm 2030 bảo đảm toàn dân tiếp cận được dịch vụ giao thông công cộng…Nghị quyết còn nhấn mạnh công tác tuyên truyền, đề nghị các quốc gia tổ chức tuần lễ ATGT toàn cầu tập trung vào nhiều vấn đề trong đó có “Tốc độ”.

DSC_6707
Đại diện các đơn vị liên quan ký Thư cam kết thư cam kết hành động kiểm soát tốc độ vì an toàn cho trẻ em tại Việt Nam.

“Không tuân thủ quy định về tốc độ gây ra 1/3 số vụ TNGT dẫn đến tử vong ở các nước thu nhập cao và 1/2 số vụ ở nuớc thu nhập thấp và trung bình. Trong đó, những người bị tổn thương nặng nhất là người đi bộ, đi xe đạp. Như một số nước trên thế giới, Việt Nam nên thiết lập và thực thi giới hạn tốc độ, theo đó, tốc độ cho phép  tại đô thị là 50km/h và 30km/h tại khu vực đông người đi bộ, đi xe đạp, đặc biệt là đông dân cư và khu vực trường học. Các bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng chỉ cần giảm 5% tốc độ xe chạy trung bình là có thể giảm 30% số vụ tai nạn chết người. Do đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu công nghệ điều chỉnh tốc độ thông minh trên phương tiện, người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành quy định giao thông, không thực hiện hành vi ảnh hưởng đến tham gia giao thông”, ông Lokky Wai nói.

Trao đổi tại họp báo, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá trong những năm qua, TNGT liên tục được kéo giảm. Năm 2016 là năm số người tử vong vì TNGT giảm dưới 9000 người. 3 tháng đầu năm 2017 TNGT tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Tuy nhiên, dù TNGT liên tục được kéo giảm nhưng vẫn còn rất lớn. Trong Tuần lễ an toàn đường bộ lần thứ 4, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, WHO, UNICEF đã ký thư cam kết hành động kiểm soát tốc độ vì an toàn cho trẻ em tại Việt Nam. Nói thêm về hoạt động này, ông Khuất Việt Hùng cho biết trong một nghiên cứu do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp cùng Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy cho thấy TNGT liên tục giảm nhưng số trẻ em tử vong do TNGT lại tăng theo các năm. Năm 2013 có 35 trẻ em tử vong, 2014 là 65 em và 2015 là 111 trường hợp. Theo báo cáo của Cục CSGT, Bộ Công an, xu thế  TNGT, thương vong do TNGT nói chung liên tục  giảm nhưng TNGT do lứa tuổi thanh, thiếu niên gây ra, nạn nhân là thanh thiếu niên, trẻ em gặp TNGT có dấu hiệu ra tăng.

DSC_6694
 Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT quốc gia phát biểu

“Trong năm 2017, Ủy ban ATGT Quốc gia xây dựng kế hoạch 08 về công tác đảm bảo TTATGT, trong đó có những nhiệm vụ hoàn thiện quy định pháp luật như ngài Lokky Wai yêu cầu là hoàn thành quy định vận tốc trong khu vực đô thị. Trong kế hoạch đã đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh, không chỉ ở khu vực đô thị mà còn ở nhiều nơi. Trong luật hiện nay, những trường hợp phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ cho phép đã được quy định rất rõ nên đây là giải pháp có thể thực hiện được ngay”, ông Khuất Việt Hùng nói.

Kế hoạch tổ chức Tuần lễ an toàn đường bộ lần thứ 4 do Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề “Tốc độ” được xây dựng với mục đích nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ quy định tốc độ đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, giảm TNGT đường bộ có nguyên nhân từ vi phạm tốc độ; Tăng cường công tác quản lý nhà nước, tuần tra kiểm soát, giám sát xử lý đối với các phương tiện vi phạm quy định về tốc độ khi lưu thông trên đường bộ đồng thời tuyên truyền phổ biến sâu rộng quy định của pháp luật về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, hậu quả TNGT do vi phạm tốc độ, tạo được sự quan tâm đồng thuận của xã hội trong việc chấp hành quy định của pháp luật về tốc độ. Đồng thời tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, hình thành thói quen của người điều khiển phương tiện trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý tốc độ của phương tiện cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. 

Với thông điệp “Tuân thủ quy định tốc độ  khi lái xe”  “Nhanh một phút –Chậm cả đời”, Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ an toàn đường bộ toàn cầu năm 2017 tại Việt Nam bao gồm 4 nội dung chính: 1) Hoàn thiện Hệ thống văn bản pháp luật; 2) Tuyên truyên, phổ biến và giáo dục pháp luật; 3) Tổ chức giao thông, chỉnh trang kết cấu hạ tầng; 4) Kiểm tra và xử lý vi phạm.

Ý kiến của bạn

Bình luận