Chưa bao giờ tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ Tây Nam Hà Nội như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng…qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm lại “nóng” như thời gian qua. Vào giờ cao điểm, hình ảnh hàng nghìn phương tiện kẹt cứng trên đường nhiều giờ liền đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân Thủ đô. Vì sao khu vực đô thị mới Tây Nam lại “rơi” vào thực trạng này? Đây có phải là hệ quả kiểu làm giao thông không đến đầu đến đũa của Hà Nội hiện nay?
Hy vọng về một môi trường sống thông thoáng, giao thông thuận tiện hơn, 5 năm trước, khi hay tin Hà Nội mở rộng nội đô và khu vực phía Tây Nam được xem là “điểm nhấn” của quy hoạch đô thị, anh Trần Hoàng Tâm đã bán căn nhà tại phường Phương Mai, quận Đống Đa, chuyển về ngôi nhà mới ở xã Trung Văn, huyện Từ Liêm (nay là phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm).
Nhưng sau một vài năm sinh sống, anh Tâm cho biết, niềm hy vọng của anh đã biến thành nỗi sợ hãi, khi giao thông trên các ngả đường xung quanh, nhất là đi vào trung tâm thành phố thường xuyên tắc nghẽn: “Giờ cao điểm, hầu như khu vực ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương lúc nào cũng tắc. Có những hôm tôi phải mất hơn một giờ đồng hồ mới đến được cơ quan, dù cơ quan chỉ cách nhà 3 cây rưỡi. Người đông, phương tiện nhiều, nhưng đường giao thông kết nối quá ít nên tránh nơi này, tắc chỗ kia”.
Dòng xe kẹt cứng tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (Ảnh: Huy Nam) |
So với hệ thống giao thông chung thì các tuyến đường phía Tây Nam như Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương, Tố Hữu… được xem là “trẻ” nhất Thủ đô, trong đó có tuyến mới đưa vào sử dụng vài ba năm trước, vẫn còn tươi rói vạch sơn. Nhưng đối lập với sự “trẻ trung”, mới mẻ ấy lại là tâm trạng mệt mỏi của người tham gia giao thông mỗi khi đi qua những tuyến đường này. Mệt mỏi không phải vì đường xuống cấp, hay ổ trâu ổ gà gì, mà là vì tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên do các tuyến đường phải “cõng” trên mình số lượng người và phương tiện quá lớn.
Theo thống kê của Sở giao thông vận tải Hà Nội, thành phố hiện có trên 20 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông cao, tập trung phần lớn ở những tuyến phố đi qua các khu đô thị mới như Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, Hoàng Đạo Thúy (quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân). Vào giờ cao điểm, tình trạng hàng nghìn người và phương tiện “bất động” giờ này qua giờ khác không còn là cảnh tượng xa lạ trên các cung đường tại khu vực phía Tây Nam mới được quy hoạch này.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, nơi có nhiều điểm “nóng” về ùn tắc giao thông, nếu như trước đây khu vực Thanh Xuân nói chung, Nhân Chính nói riêng được xem là thông thoáng thì nay lại đang trở nên đông đúc, quá tải. Chưa kể các địa bàn xung quanh, riêng phường Nhân Chính dân số đã tăng đột biến, từ gần 23.000 người (năm 2009) thì đến nay lên hơn 42.000 người. Trong khi hạ tầng giao thông lại chưa đáp ứng kịp, đã “đẩy” trục đường xuyên tâm Lê Văn Lương vào tình trạng tắc nghẽn thường xuyên, gây ra rất nhiều hệ lụy, nhất là về trật tự văn minh đô thị.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết: “Các trục đường giao thông vào giờ cao điểm ùn tắc, thậm chí là ùn tắc dài. Dài cả về đoạn đường, dài cả về thời gian. Lưu lượng giao thông ùn vào trục đường chính là trục đường Lê Văn Lương, làm cho trục đường này quá tải, gây ra ách tắc, xung đột giờ cao điểm”.
Một tuyến đường xuyên tâm khác là Nguyễn Trãi, cũng rơi vào tình trạng tương tự, do đang trong quá trình thi công một số hạng mục thuộc dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Và một va chạm nhỏ, trong phút chốc, đường Nguyễn Trãi đã chật cứng như nêm.
Chỉ cần một phép tính đơn giản, trong phạm vi đường kính 3km qua địa bàn các phường cận kề như: Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Trung, Hạ Đình, Nhân Chính (quận Thanh Xuân), Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) với khoảng 40.000 hộ, trung bình mỗi hộ có 2 phương tiện giao thông, thì khu vực này đã có trên dưới 8 vạn ô tô, xe máy. Và mỗi sáng sớm, từ mọi ngõ ngách, 8 vạn phương tiện này dù muốn hay không cũng phải “đổ” về các trục đường chính Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, cộng thêm số lượng lớn ôtô, xe máy từ các địa bàn khác lưu thông qua khu vực này thì các trục đường quá tải, ách tắc là điều dễ hiểu.
Là người gắn bó nhiều năm với những con đường phía Tây Nam thành phố, Trung tá Đinh Công Thành, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 7, Công an Hà Nội cho biết, thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông luôn phải dồn hết quân số mới có thể đảm bảo được giao thông thông suốt. Nhưng về lâu dài, nếu không có những giải pháp căn cơ, đồng bộ thì tình hình giao thông ở đây rất khó cải thiện.
Trung tá Đinh Công Thành nói: “Trên địa bàn Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Tố Hữu - Trung Văn, mật độ phương tiện bây giờ so với thời gian trước là tăng cao hơn rất nhiều. Bởi đây là một trục đường xuyên tâm, mọi người đi vào thành phố, giờ cao điểm rất đông, quá tải. Đi làm cũng vào thành phố, đi mua sắm cũng vào thành phố. Đây cũng là một vấn đề bất cập về tổ chức giao thông, mà cơ sở hạ tầng cần phải được thay đổi mới đáp ứng được”.
Với những gì đang diễn ra, rõ ràng giao thông cửa ngõ Tây Nam đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân Hà Nội. Vì sao giao thông ở các khu vực đô thị mới lại trở nên chật chội? Và vì sao chỉ một trận mưa hay va chạm nhỏ, các tuyến đường huyết mạch Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến… có thể bị “tê liệt” hoàn toàn? Đây là nội dung chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau của loạt phóng sự này, với nhan đề: “Quy hoạch đang chạy theo dự án”?.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.