Quá trình CCHC tại Malaysia kéo dài từ thập niên 60 cho đến nay. Trong đó, thập niên 80 được coi là thời kỳ đánh dấu một sự thay đổi to lớn trong hệ thống hành chính của Malaysia, với việc ông Mahathir Mohamad lên giữ chức Thủ tướng Malaysia. Dưới sự lãnh đạo của ông Mahathir, hàng loạt chính sách mới đã ra đời, tạo nên bước ngoặt lớn trong sự phát triển chính trị - kinh tế - xã hội Malaysia và đặc biệt là ngành giao thông.
Cao tốc New Pantai |
Tư nhân hóa giao thông
Malaysia dưới thời ông Mahathir đã chứng kiến sự ra đời của hàng loạt cơ sở hạ tầng như đường xá, cảng biển, sân bay, viễn thông và đất đai công nghiệp. Để thu hút nhà đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng, Chính phủ đã ban hành các quy chuẩn hành chính mới, được thu gọn đến mức tối đa. Chính quyền các bang Malaysia tăng cường thành lập các trung tâm dịch vụ một cửa và các uỷ ban kỹ thuật để rút gọn các thủ tục hành chính rườm rà, giúp doanh nghiệp và các nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí.
Những năm 80 cũng là thời kỳ lên ngôi của khu vực kinh tế tư nhân, khi khu vực công bắt đầu trở nên cồng kềnh bởi quá nhiều doanh nghiệp nhà nước được thành lập từ thập niên trước. Chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng cao, trong khi Malaysia lại đang chịu sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nên Chính phủ buộc phải tìm phương án khắc phục khó khăn bằng cách áp dụng chính sách tư nhân hóa từ năm 1983.
Nội dung chủ yếu của chính sách tư nhân hóa là chuyển giao các hoạt động trước đây dựa vào khu vực công sang cho khu vực tư nhân. Chính phủ ra sức tạo điều kiện cho khu vực tư nhân bằng những chính sách bình đẳng trong công tác thẩm duyệt các dự án đầu tư. Do đó, vào thập niên 80, khoảng 20 dự án chủ chốt được tư nhân hoá dưới nhiều hình thức khác nhau như: Bán cổ phần, bán tài sản, cho thuê tài sản, hợp đồng quản lí, hợp đồng BOT BOO, thuê quản lý…
Một trong những nội dung quan trọng trong chương trình tư nhân hóa là việc xây dựng các tuyến đường cao tốc thu phí và những hạ tầng giao thông khác như cảng, sân bay, mạng lưới giao thông công cộng… Trước chương trình tư nhân hóa, việc xây dựng và bảo trì đường bộ ở Malaysia đều thuộc trách nhiệm của một đơn vị nhà nước có tên Sở Công trình công cộng, trực thuộc Bộ Công trình Malaysia. Đơn vị này chịu trách nhiệm cung cấp các cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đường ống nước, xây dựng sân bay, cảng, cầu cảng trong cả nước. Chương trình tư nhân hóa đã cho phép khu vực tư nhân tham gia xây dựng và vận hành đường cao tốc thu phí, đồng thời được Chính phủ Malaysia hỗ trợ bằng một khuôn khổ thể chế và pháp lý đặc thù.
Cụ thể, Đạo luật Quốc hội năm 1980 đã tuyên bố thành lập Ủy ban Cao tốc Malaysia với vai trò giám sát các dự án cao tốc thu phí. Ủy ban này có trách nhiệm thực hiện các chức năng điều tiết trong thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo trì các dự án đường cao tốc thu phí tư nhân.
Năm 1984, Chính phủ cũng ban hành một đạo luật mang tên Đạo luật Đường liên bang (hay còn gọi là Luật Quản lý tư nhân) cho phép các chủ đầu tư tư nhân thu phí trước và sử dụng phí thu được trên các tuyến đường liên bang để thực hiện bảo trì các tuyến đường trong thời gian chuyển nhượng từ sở hữu công sang sở hữu tư nhân.
Nhờ những cải cách trên, trong vòng chưa đầy 10 năm, 1.800km đường cao tốc thu phí đã được hoàn thành, chưa kể nhiều hợp đồng nhượng quyền khác cho khu vực tư nhân mở rộng hệ thống đường cao tốc trong những năm tiếp theo.
Bước sang thập niên 1990, hoạt động của khu vực tư nhân trở nên sôi nổi hơn nhiều, với 20 công ty tư nhân hoạt động, 27 cao tốc thu phí được tư nhân hóa. Bốn tuyến đường cao tốc lớn có sự tham gia của khu vực tư nhân là: Đường cao tốc Bắc - Nam, Đường cao tốc Shah Alam, Đường cao tốc kết nối trung tâm Bắc - Nam và đường cao tốc KL-Karak đã được hoàn thành trong những năm 1990.
Từ năm 2001 đến năm 2005, 16 dự án đường cao tốc do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư đã được thực hiện, trong đó đáng chú ý là các dự án: Đường cao tốc New Pantai, đường vành đai Kajang, cao tốc Shah Alam-Kluang.
Lợi ích rõ rệt nhất của quá trình tư nhân hóa các dự án giao thông đó là giảm thời gian đi lại và giảm chi phí vận hành phương tiện, bên cạnh những trạm nghỉ được sắp xếp hợp lý để tạo sự thoải mái và an toàn cho người tham gia giao thông. Sâu xa hơn, việc tư nhân hoá đã có những đóng góp nhất định trong việc giảm bớt gánh nặng hành chính và tài chính của Chính phủ, đồng thời nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc. Malaysia được xem như hình mẫu cho nhiều nước khác. Do đó, mặc dù vấp phải nhiều lời chỉ trích trong những năm sau này về công tác thu phí nhưng việc tư nhân hoá giao thông vẫn được coi là một cuộc CCHC mạnh mẽ và thành công.
Xây dựng hệ thống giải thưởng công vụ
Tiếp nối chương trình tư nhân hóa giao thông trong những năm 80, Malaysia dưới thời ông Mahathir bước vào thập niên 90 bằng những chính sách phát triển mới, nhằm đưa hệ thống giao thông Malaysia bắt kịp với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2020.
Bước ngoặt nổi bật nhất của công tác CCHC trong thời kỳ này là sự ra đời của ngày Công vụ 31/10, còn gọi là Ngày chất lượng (Hari Q), với mục tiêu là củng cố giá trị chất lượng trong các tổ chức, bao gồm cả ngành giao thông. Bên cạnh việc tổ chức Ngày chất lượng, Chính phủ còn ban hành 18 Thông tư hành chính bao gồm các chiến lược quản lí chất lượng và năng suất.
Để tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ quan nhà nước và cải thiện hệ thống công vụ, Chính phủ còn trao tặng các phần thưởng ghi nhận thành tích của các cơ quan như: Giải thưởng chất lượng của Thủ tướng, giải chất lượng của Chánh văn phòng Chính phủ, giải thưởng chất lượng của Cục trưởng Cục công vụ, giải thưởng chất lượng của giám đốc MAMPU, giải thưởng chất lượng của Văn phòng quận, giải thưởng chất lượng của chính quyền địa phương, giải thưởng quản lí nguồn nhân lực…
Năm 1991, Chính phủ Malaysia bắt đầu trao tặng Giải thưởng Đổi mới Công vụ và đến năm 1993 là Giải thưởng Đổi mới Công tác nghiên cứu khu vực tư nhân. Theo số liệu thống kê của Chính phủ, chỉ trong vòng một năm từ 1992 đến 1993, số lượng các cơ quan cạnh tranh để đạt giải thưởng sáng kiến đổi mới ngày càng tăng từ 119 đến 509 cơ quan, cho thấy tác động tích cực của hệ thống giải thưởng công vụ.
Từ năm 1993 trở đi, Chính phủ tiếp tục thi hành những biện pháp CCHC khác, trong đó có sự ra đời của Hiến chương khách hàng, nhằm tăng cường sự thân thiện giữa các cơ quan công vụ đối với khách hàng. Đây là văn bản cam kết của các cơ quan với khách hàng, được quy định dán công khai tại các trụ sở cơ quan.
Chính phủ còn tiến hành cấp chứng chỉ công nhận tiêu chuẩn ISO 9000 cho một số cơ quan công vụ, với mong muốn đưa dịch vụ công nước nhà đạt chuẩn quốc tế.
Thời kỳ này còn đánh dấu sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, với việc hình thành siêu hành lang đa phương tiện MSC và thành phố ảo Cybercity. Bất chấp sự suy thoái kinh tế vào cuối những năm 90, Chính phủ vẫn không ngừng đầu tư vào các dự án MSC và Cybercity. Về phần mình, khu vực nhà nước cũng đang trong quá trình xây dựng một Chính phủ điện tử với việc đưa ra mạng lưới dịch vụ công, trao đổi dữ liệu điện tử. Hiện nay, Malaysia đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống Chính phủ điện tử để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ công ngang tầm với các quốc gia phát triển trên thế giới và trong khu vực.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.