Giao thông Tết Nhâm Dần thích ứng an toàn để giữ trọn niềm vui xuân

Tác giả: Thành Vũ

saosaosaosaosao

Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội xuân 2022 cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 từng bước được kiểm soát, các hoạt động kinh tế, xã hội dần phục hồi và phát triển trở lại. Trong đó, nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa và mật độ phương tiện tham gia giao thông gia tăng nhanh trong điều kiện bình thường mới.

 

IMG_0851

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết các phương tiện tham gia giao thông đảm bảo ATGT và phòng, chống dịch Covid-19

Không lơ là, không xuê xoa, thích ứng an toàn giao thông mới

Trước tình hình dịch Covid-19 được dự báo diễn biến phức tạp trong dịp Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia và các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ năng về bảo đảm trật tự ATGT và phòng, chống dịch Covid-19 khi tham gia giao thông cho người dân.

Trong đó, trọng tâm tập trung tuyên truyền người dân thực hiện “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; phòng tránh tai nạn đường ngang đường sắt; kế hoạch tổ chức, thực hiện phục vụ vận tải Tết; tuân thủ nguyên tắc 5K, nhất là luôn đeo khẩu trang khi tham gia giao thông; cập nhật kịp thời tình hình TNGT, UTGT trong dịp Tết và tại khu vực diễn ra lễ hội xuân trong các bản tin thời sự.

Các lực lượng chức năng phải tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm thường xảy ra trong dịp cuối năm và Tết, như: lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, vi phạm quy định tốc độ; chở quá tải trọng, quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; lập phương án đấu tranh phòng, chống đua xe trái phép và tội phạm trên các tuyến giao thông; cương quyết trấn áp mọi hành vi chống người thi hành công vụ; kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động hàng không, đường sắt, tại bến khách ngang sông, bến tàu chở khách, trên các tuyến, luồng đường thủy và hoạt động vận tải ven biển.

Các cơ quan chức năng phải có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, bảo đảm ATGT và phòng, chống dịch Covid-19, giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến. “Tuyệt đối không để tình trạng hành khách không có phương tiện về quê trong dịp Tết; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi tăng giá vé trái quy định”, Công điện của Thủ tướng nêu rõ.

Đáng chú ý trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện nghiêm các quy định về ATGT và phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải; có phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả khi phát sinh tình huống có người nhiễm Covid-19 tại các đầu mối giao thông và trên phương tiện vận tải công cộng.

Mặt khác, các cơ quan chức năng phải có phương án tổ chức giao thông an toàn khi thi công và khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đô thị và trả lại lòng đường phục vụ giao thông trước ngày 23/01; có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông; bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ kịp thời giải tỏa khi xảy ra sự cố về hạ tầng, phương tiện hoặc TNGT... Các sở y tế và cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước phải có phương án bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và máu để đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân TNGT, giảm thiểu thiệt hại về người khi xảy ra TNGT.

Nói không với rượu, bia khi lái xe để giữ trọn niềm vui xuân

Theo ông Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, thay đổi nhận thức, ý thức và hành vi về “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” đòi hỏi phải thật sự kiên trì, quyết tâm. Nghị định 100 đã được thực thi rất tốt trong 2 năm qua dù vi phạm nồng độ cồn vẫn diễn ra. Trong dịp Tết, tại nhiều địa phương miền núi, dân tộc thiểu số, tình trạng vi phạm nồng độ cồn chuyển biến chậm hơn các khu vực đồng bằng, thành thị do việc tiếp cận thông tin đại chúng và nhận thức của người dân và công tác kiểm soát, xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế, khiến vi phạm vẫn còn phổ biến và cần một khoảng thời gian dài hơn nữa mới có sự thay đổi đáng kể.

Giải trừ vi phạm nồng độ cồn là nhiệm vụ không bao giờ có điểm dừng và là một hành trình “dài hơi”, có thể kéo dài 5 năm, 10 năm để thay đổi hoàn toàn ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận, không có luật pháp nào cấm sử dụng rượu, bia và đây vẫn là chất men nồng gắn kết mọi người vui Tết đoàn viên. Tuy nhiên, người dân Việt Nam đã dần hình thành một thói quen mới, đó là “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”. Thói quen uống rượu, bia rồi lái xe đã giảm đi rất đáng kể. Thậm chí, một số nơi không ghi nhận TNGT có nguyên nhân do vi phạm nồng độ cồn. Một hiệu ứng xã hội rất mạnh đã được tạo dựng là không lái xe sau khi sử dụng rượu, bia. Dẫu vậy, các biện pháp mạnh tay đối với vi phạm nồng độ cồn hiện không còn như “cô dâu mới về nhà chồng” giống thời điểm đầu năm 2020. Các lực lượng chức năng với nòng cốt là CSGT cho biết, tình trạng lái xe uống rượu, bia thời gian qua đã có dấu hiệu gia tăng trở lại. Tính riêng trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch, CSGT toàn quốc đã xử phạt 812 tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Vì vậy, ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ là một trong những trọng tâm hàng đầu của công tác đảm bảo trật tự, ATGT, bởi đây là nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao gây TNGT trong những ngày đầu năm mới.

Dẫn giải ví dụ về xử lý vi phạm nồng độ cồn đầu năm 2020, ông Khuất Việt Hùng cho biết, đó là thời điểm Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100 đi vào đời sống, dịp Tết Nguyên đán 2020 đã ngay lập tức giảm rất sâu TNGT. Sau Tết Nguyên đán 2021, khi vi phạm nồng độ cồn có biểu hiện gia tăng trở lại, đợt ra quân cao điểm của CSGT toàn quốc cũng ngay lập tức cho thấy hiệu quả chấn chỉnh vi phạm, nhất là TNGT đã trở lại mức giảm sâu. Đây là minh chứng cụ thể cho thấy, Nghị định 100 sẽ cần liên tục được “hâm nóng”, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Trên hết, lực lượng chức năng cần “mạnh tay” với vi phạm nồng độ cồn, từ đó tiếp tục làm chuyển biến nhận thức của người dân, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, xã hội, tạo ra một “cú hích” rất lớn trong việc xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh tại Việt Nam. “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”, nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế đây là hành động tốt nhất để giữ được niềm vui Tết trọn vẹn, giữ niềm hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và của toàn xã hội.

Ý kiến của bạn

Bình luận