Grab thu phí nền tảng hành khách là vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 08/10/2020 06:05

Chuyên gia kinh tế và luật sư cho rằng việc Grab "âm thầm" thu phí nền tảng của hành khách là vô lý và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

IMG_0319
Grab "âm thầm" thu phí nền tảng hành khách là vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Để làm rõ việc Grab “âm thầm” triển khai áp dụng thu phí nền tảng của hành khách (mức phí đồng giá 2.000 đồng) có đúng theo quy định hay không? Tạp chí GTVT đã trao đổi với cả luật sư và chuyên gia kinh tế để rộng đường dư luận.

Chuyên gia kinh tế - Lê Đăng Doanh phân tích: “Đã là ứng dụng gọi xe công nghệ thì ngay từ đầu các hãng đã tính toán rất cụ thể về chi phí cho nền tảng công nghệ, nhân lực, thị trường, bảo hiểm, thị trường khách hàng… Hơn nữa Grab đã hoạt động nhiều năm nay tại thị trường Việt Nam thì phải trích từ doanh thu lợi nhuận để duy trì và đổi mới công nghệ chứ không nên đưa vào đầu hành khách, tôi không đồng ý về việc thu phí nền tảng 2.000 đồng/mỗi cuốc xe, việc này là quá vô lý".

Để triển khai thu bất kỳ một loại phí nào Grab cần phải công khai minh bạch cho hành khách được biết và phải dựa theo quy định của pháp luật. Tận thu cả phí nền tảng liệu rằng Grab có còn năng lực cạnh tranh và thuyết phục khách hàng hay không, hay người dân lại quay lại sử dụng dịch vụ taxi truyền thống. Tôi nghĩ sau khi Grab đã chiếm ưu thế nhất định trong cuộc cạnh tranh tại thị trường xe công nghệ ở Việt Nam nên họ đã tăng thêm mức phí. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 mọi người đang cố gắng tiết kiệm từng đồng mà Grab áp dụng thu thêm phí thì không hợp lý và thiếu trách nhiệm với xã hội, ông Doanh nhấn mạnh.

Nhìn nhận trên lĩnh vực quản lý nhà nước, ông Doanh kiến nghị các cơ quan quản lý cần phải lên tiếng và làm rõ vấn đề này nên công khai, công bố cụ thể giá thành, tiền công, chi phí công nghệ, bảo hiểm… ngoài ra cũng phải so sánh với các hãng taxi truyền thống có thu những chi phí này không qua đó đánh giá và có quy định để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

IMG_0302
Theo quy định hành khách có quyền yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại về việc thu phí nền tảng mà không công khai.

Về khía cạnh pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Hành vi “âm thầm” thu tiền phí nền tảng của doanh nghiệp Grab là vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Khách hàng đã phải trả tiền dịch vụ khi thực hiện dịch vụ gọi xe thông qua ứng dụng, hãng xe lại bắt khách hàng phải trả thêm một khoản phí mà không công khai cho khách hàng được biết là vi phạm nguyên tắc theo Luật bảo vệ người tiêu dùng. Việc thu phí nền tảng công nghệ 2.000 đồng/mỗi cuốc xe mà không công khai cho khách hàng được biết là vi phạm về nghĩa vụ của tổ chức sản xuất kinh doanh được quy định tại khoản 6 Điều 12 Luật Giá năm 2012".

Cũng theo khoản 3 Điều 13 Luật Giá năm 2012 quy định, người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng giá mà tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ công bố, niêm yết, cam kết. Và tại khoản 8 Điều 12 Luật Giá năm 2012 quy định về việc tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định của pháp luật. Vì vậy hành khách có quyền yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại, Luật sư Hùng phân tích.

Theo Luật sư Hùng việc điều chỉnh tăng giá cước vào những khung giờ cao điểm của Grab là không đúng quy định pháp luật. Bởi việc điều chỉnh giá cước phải phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá và việc khung giờ cao điểm thì không phải yếu tố đó. Ngoài ra, việc tăng giá cước có thể vi phạm nguyên tắc theo Luật cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vận tải với nhau. Do đó, cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát giá cước của các ứng dụng gọi xe công nghệ, đảm bảo công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và bình đẳng đối với các doanh nghiệp vận tải khác.

Ý kiến của bạn

Bình luận