GS. TS. Nghiêm Văn Dĩnh - Người nặng lòng với đào tạo và khoa học

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
20/11/2016 04:26

Một đời người - một dòng sông...Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ; “Muốn qua sông phải lụy đò”; Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa...

20161018_085306

 

Mỗi năm học là một chuyến đò, học trò là những người khách, thầy là người đưa đò bền bỉ, thầm lặng đưa khách sang sông, đến với bến bờ tri thức. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tạp chí GTVT xin giới thiệu tấm gương GS. TS. Nghiêm Văn Dĩnh - người thầy hết lòng vì sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học ngành GTVT.

Cái duyên với nghề

Trò chuyện với chúng tôi trong một buổi sáng đầu đông, GS. TS. Nghiêm Văn Dĩnh chia sẻ ông đến với nghề giáo như một cái duyên tự nhiên không hề sắp đặt trước. Khi học phổ thông, nhà trường hướng dẫn học sinh chọn các ngành nghề và thầy đã lựa chọn ngành GTVT. Là một sinh viên ưu tú, sau khi tốt nghiệp, thầy được Trường Đại học GTVT giữ lại bồi dưỡng làm giảng viên chuyên ngành Kinh tế xây dựng giao thông. Trong quá trình giảng dạy của mình, nhiều lần thầy được mời ra làm ở ngoài, có điều kiện, cơ hội tốt hơn nhưng thầy đều từ chối, một lòng giảng dạy tại Trường Đại học GTVT.

“Từ khi học đại học xong ở lại trường, gắn bó với nhà trường thì điều hết sức quan trọng với tôi là được gắn bó với ngành Giao thông, gắn với thực tiễn sản xuất của Ngành. Điều này đã khích lệ động viên tôi làm cho nhà trường. Làm nghề giáo tôi luôn được tiếp xúc với anh em trẻ từ đại học cho đến cao học sau này, làm cho cuộc sống vui hơn bình thường. Tôi vốn dĩ không muốn xô bồ và khi sống với anh em tôi thấy thoải mái dễ chịu, mỗi lần lên lớp nhìn thấy sinh viên là tôi vui. Điều này là nhân tố quan trọng giúp tôi luôn gắn bó với nghề trong suốt bao năm qua, càng về già ý nghĩa càng khác so với truớc kia”, thầy Dĩnh tâm sự.

Đối với thầy, niềm vui lớn là khi thấy các thế hệ sinh viên của mình ngày một trưởng thành, có người quay lại trường học thạc sĩ, có người học tiến sĩ. Thầy nhận thấy trong sự thành đạt của sinh viên cũng có một phần công sức của mình, thầy thấy vinh dự khi được đứng trong hàng ngũ đó.

Thầy kể, khi mới ra trường năm 1966 thì lớp đầu tiên thầy giảng dạy là khóa 6 của Trường GTVT. Đó là lớp cán bộ đi học, những người dày dạn kinh nghiệm thực tế, lúc đó họ thực sự muốn học nên họ rất miệt mài, chịu khó. Sau này, có những lúc họ có biểu hiện học không phải do mong muốn tìm tòi kiến thức mà do có những thúc bách nào đó về mặt xã hội, về mặt công tác nhưng tổng thể lại thì các lớp tại chức đều là những người có mong muốn học tập nên người làm thầy cũng phải có trách nhiệm đáp lại mong muốn ấy.

GS. TS. Nghiêm Văn Dĩnh còn chia sẻ, cũng lâu lâu rồi không dạy sinh viên, chỉ dạy cao học, tuy nhiên những năm gần đây, thầy đánh giá thế hệ sinh viên trẻ rất nhanh nhẹn, tháo vát, hiểu biết rất nhanh nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng nghịch ngợm, ngô nghê, chẳng sợ cái gì. Nhìn tổng thể thì hiện nay đang hình thành một lớp sinh viên mới năng động hơn, trẻ trung và thông minh hơn. Nếu những người giáo đưa được những lớp sinh viên này vào “guồng”, nền nếp thì sẽ rất tốt. Nhưng sở dĩ một mình nhà trường thì không thể làm được vì còn phụ thuộc vào gia đình, xã hội.

“Điều quan trọng là các em dám nói, lên lớp nhiều khi có em tự nhiên bật dậy hỏi một câu, tất nhiên về lễ phép thì có vấn đề nhưng nó thể hiện các em dám nghĩ, dám thể hiện bản thân. Như vậy, tôi cũng mừng vì các em nói được, thể hiện suy nghĩ của mình mà ở thế hệ trước không thực hiện được, đó cũng được coi là cái tốt. Về mặt chăm chỉ thì thế hệ sinh viên ngày nay không thể bằng được thế hệ trước. Thế hệ trước khó khăn hơn về điều kiện và vật chất, phải sơ tán, học trong thời chiến nhưng họ học rất chăm chỉ. Hiện nay còn bị tình trạng khi giao bài tập các em không chịu tư duy mà cóp chỗ này, nhặt chỗ kia”, thầy Dĩnh chia sẻ.

dai-hoc-giao-thong-van-tai

Những trăn trở với nghề

Là người thầy có thâm niên, luôn hết lòng trong sứ mệnh đào tạo và nghiên cứu khoa học ngành GTVT, trao đổi về sự khác biệt của nghề giáo xưa và nay, GS. TS. Nghiêm Văn Dĩnh chia sẻ, bây giờ có nhiều cái thay đổi trong trường nhưng điều có thể nhìn thấy ngay là trách nhiệm của người thầy trên bục giảng và thái độ tiếp thu của sinh viên. Trước đây, các thầy cô chăm chút từng giờ, từng phút giảng dạy thì bây giờ cũng bị phai đi một phần.

“Trước hết thì thầy phải nghiêm, nếu thầy không nghiêm thì học trò lấy ai để soi vào bản thân. Hơn nữa, nếu thầy không tận tình trong giảng dạy thì học trò cũng khôn thể tiếp nhận kiến thức một cách trọn vẹn. Bên cạnh đó, Trường là một phần của xã hội nên những hiện tượng ở ngoài xã hội có thì ắt sẽ có ở trong trường, còn về mức độ nhiều hay ít thì do môi trường trong trường”, GS. TS. Nghiêm Văn Dĩnh trải lòng.

Đánh giá về lực lượng giáo viên trẻ hiện nay, thầy Dĩnh cho rằng, số giáo viên trẻ ở nhà trường rất đông, đều có trình độ vì nhờ có học bổng 322 và sau này là 911. Số lớp trẻ đi học nước ngoài trở về rất đông, đặc biệt là khoa Công trình có bằng cấp, ngoại ngữ tốt, được đào tạo bài bản  nên đó là lực lượng chủ lực trong nhà trường. Giai đoạn trước năm 90 liên kết với Liên Xô, Trường gửi người đi đào tạo, sau đó dừng mất hơn chục năm. Đó là giai đoạn nhiều khó khăn nhưng từ năm 2000 trở đi thì Trường lại tiếp tục cử giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài, từ đó có đội ngũ mới về làm việc. Đặc biệt, hiện nay nguồn lực không chỉ đi đào tạo ở Liên Xô, Trung Quốc mà còn ở nhiều nước như Đức, Pháp, Mỹ và xu thế là áp dụng những cái mới của các nước phương Tây.

Lực lượng giáo viên trẻ đang sung sức nhưng cần phải hướng dẫn. Nói về công tác đào tạo thầy cho rằng, có những nơi hiệu trưởng không quan tâm đến, như vậy là thất sách nhưng ở đây thì khác, Trường Đại học GTVT luôn quan tâm và tạo điều kiện, khuyến khích nhắc nhở. Theo thầy Dĩnh, thầy luôn nhắc nhở đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ các thầy cô muốn dạy, muốn quản lý hay hơn, tốt hơn thì phải dành thời gian, ngay bản thân thầy khi làm quản lý, hết 4 rưỡi được về nhưng thầy ngồi lại trường viết, làm và tranh thủ nghiên cứu. Cái kích thích, tác động đó giúp cho các thầy cô trẻ có hướng đi. Đối với sinh viên, có những người thật sự giỏi nhưng không biết đi làm cái gì, như thế nào, do đó nhà trường có ý nghĩa rất quan trọng bởi lớp trẻ rất “khỏe” nhưng phải hướng cái “khỏe” vào mục đích tốt mới có giá trị.

Có thể thấy rằng, thầy cô chính là người chắp cánh cho những ước mơ được bay cao, bay xa, đưa con thuyền cập bến bờ tri thức. Từ tấm lòng người thầy của GS. TS. Nghiêm Văn Dĩnh mà xã hội, ngành GTVT đã đón nhận biết bao nhiêu nhân tài - những kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ, giảng viên kinh tế xây dựng có chất lượng tốt nhất, những người có tài có đức. Nói sao cho hết được công ơn của thầy cô giáo, người đã tiếp ngọn đuốc sáng cho mỗi thế hệ học trò, thật cao quý và đáng kính trọng biết bao.

Ý kiến của bạn

Bình luận