Hà Nam: Từ 1/8, quản lý đấu nối vào đường tỉnh, huyện theo quy định mới

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 15/07/2023 08:06

Từ 1/8, quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương của UBND tỉnh Hà Nam bắt đầu có hiệu lực, với nhiều điểm mới về quản lý điểm đấu nối.

Hà Nam: Từ 1/8 quản lý đấu nối vào đường tỉnh, huyện theo quy định mới - Ảnh 1.

Từ 1/8, tỉnh Hà Nam áp dụng quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương theo quy định mới - Ảnh minh họa

UBND tỉnh Hà Nam vừa ban hành Quyết định số 32/2023 "Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương, tỉnh Hà Nam", có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.

Trong quy định mới, khi đấu nối đường nhánh và đường địa phương (đường tỉnh, huyện, xã, đô thị) phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không đấu nối trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của cầu, hầm đường bộ, cầu phao đường bộ, bến phà đường bộ; đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối theo quy định tại quy định trên…

Về khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối vào đường tỉnh: khu vực nội thành, nội thị (phường, thị trấn) phải có khoảng cách tối thiểu không nhỏ hơn trị số tối thiểu giữa hai đường theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng.

Đối với đoạn tuyến nằm ngoài khu vực nội thành, nội thị và không có dải phân cách giữa, khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối liền kề, cùng phía như sau: không nhỏ hơn 1.000m đối với đường cấp III, không nhỏ hơn 500m với đường cấp IV; còn với đường cấp V trở xuống không quy định khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối liền kề nhưng việc đấu nối đường nhánh phải đảm bảo nguyên tắc an toàn giao thông và đáp ứng điều kiện khai thác chung của tuyến đường chính.

Còn đường tỉnh ngoài khu vực nội thành, nội thị và có dải phân cách giữa, có đủ quỹ đất để xây dựng làn chuyển tốc (phương tiện qua nút giao chỉ rẽ phải), khoảng cách giữa các điểm đấu nối liền kề cùng phía, như sau: không nhỏ hơn 500m đối với tuyến đường cấp III, không nhỏ hơn 300m với tuyến đường cấp IV; còn đường cấp V trở xuống không quy định khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối liền kề.

Tương tự, đối với đường huyện, đoạn tuyến thuộc phạm vi địa giới nội thị, khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối không nhỏ hơn trị số tối thiểu giữa hai đường theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng. 

Còn với đường cấp IV, tùy theo phạm vi nằm trong hay ngoài khu vực nội thị, khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm nối liền kề là 300m và 500m. Với đường cấp V trở xuống, đường xã, đường chuyên dùng không áp dụng khoảng cách tối thiểu.

So với các quy định trước đây của địa phương, khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối vào đường tỉnh giảm đáng kể. Ví dụ trước đây quy định khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối vào đường tỉnh khu vực ngoài đô thị là 5.000m (đường cấp I, II), 1.500m (đường cấp III) và 1.000m (đường cấp IV trở xuống)... 

Cũng tại quy định trên, UBND tỉnh Hà Nam giao Sở GTVT địa phương cấp, thu hồi giấy phép thi công, đình chỉ hoạt động gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến đường tỉnh, quốc lộ được uỷ thác.

Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra GTVT chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ hoàn thiện hồ sơ vi phạm công trình đường bộ, lấn, chiếm và sử dụng trái phép đất của đường bộ; xử lý theo thẩm quyền. Trường hợp hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, chuyển hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng công an tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải và các vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền; Chủ trì và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan xây dựng các phương án đảm bảo an ninh, trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng trong việc xử lý, cưỡng chế, giải toả các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ý kiến của bạn

Bình luận