Không gian quanh Hồ Gươm cần được bảo tồn tối đa |
Theo đó, dù thống nhất với việc bố trí nhà ga ngầm và công trình phụ trợ này, nhưng việc đặt các lối lên xuống nhà ga C9 được yêu cầu nghiên cứu thêm vì chưa nhận được ý kiến đồng tình của một số chuyên gia- trong đó có các thành viên thuộc Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia.
Cụ thể, công văn nói trên cho biết: Vị trí các lối lên xuống trong bản quy hoạch hiện tại thuộc phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt (Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn) – vốn là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của Thủ đô Hà Nội, đồng thời, đây cũng là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan, phục vụ nhu cầu sinh hoạt công cộng của nhân dân.
Do vậy, lãnh đạo Hà Nội và Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cần xây dựng thêm các phương án bố trí nhà ga, lối lên, lối xuống của ga C9, cũng như biện pháp giảm thiểu tác động tới các yếu tố chứa đựng giá trị của di tích. Sau khi có thêm các phương án bổ sung này, một buổi làm việc xin ý kiến rộng rãi từ nhà khoa học thuộc lĩnh vực lịch sử, mỹ thuật, khảo cổ, kiến trúc, quy hoạch đô thị...cũng cần được tổ chức để có được sự đồng thuận cuối cùng.
Trước đó, lãnh đạo Hà Nội từng có công văn số 32 gửi Bộ VH,TT&DL. Theo tinh thần của công văn này, vị trí ga C9 và các lối lên xuống sẽ đáp ứng lưu lượng hành khách tiếp cận, phục vụ thuận lợi cho du khách thưởng ngoạn hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, góp phần khai thác, phát huy tối đa giá trị của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, đồng thời đảm bảo các yêu cầu thông gió, thoát hiểm khi có sự cố tai họa, hỏa hoạn, an ninh khẩn cấp.
Thực tế, vào năm 2013, vấn đề chọn vị trí cho ga tàu điện ngầm C9 cũng đã thu hút sự quan tâm lớn của giới nghiên cứu.Theo thiết kế ban đầu, cửa nhà ga C9 được đặt trước cửa đền Ngọc Sơn, tuy nhiên sau đó được điều chỉnh sang phía trước cửa Tổng Công ty Điện lực Việt Nam gồm 2 lối lên - xuống thông với mặt đất.
Tại cuộc tọa đàm lớn nhất về vấn đề này (do Viện Kiến trúc, Quy hoạch và Phát triển Nông thôn tổ chức vào tháng 3/2013), các ý kiến phân tích cho thấy: dù ga C9 nằm ngầm dưới mặt đất và các lối lên xuống ảnh hưởng ít tới kiến trúc quanh Hồ Gươm, việc thu hút một lượng lớn hành khách tham gia lên xuống quanh đền Ngọc Sơn cũng vẫn gây ra ảnh hưởng thiếu tích cực tới trật tự lưu thông quanh hồ, cũng như không gian di sản hiện có.
Do vậy, ga C9 nên được nghiên cứu để chuyển sang khu vực thuộc đường Nguyễn Hữu Huân hoặc vườn hoa Diên Hồng (cạnh Bắc Bộ Phủ) là địa điểm cách Hồ Gươm vài trăm mét và vẫn thuận tiện cho du khách tiếp cận.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.