Nhà ga của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Tuyến đường sắt đô thị số 8 là một trong các tuyến đường sắt đô thị của thành phố Hà Nội trong quy hoạch chung và quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo quy hoạch được duyệt, tuyến đường sắt đô thị số 8 có lộ trình từ Sơn Đồng-Mai Dịch-Vành đai 3-Lĩnh Nam-Dương Xá (dài khoảng 37km, 25 ga, 2 Depo, 8 vị trí kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác) là tuyến vành đai kết hợp với các tuyến xuyên tâm để kết nối các khu vực ngoại ô với trung tâm thành phố và ngược lại.
Tuyến đường sắt đô thị số 8 sau khi hoàn thành theo quy hoạch sẽ kết nối các khu vực dân cư, đô thị lớn của Hà Nội thuộc địa bàn các quận, huyện gồm Hoài Đức, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Gia Lâm. Kế hoạch thực hiện đầu tư các dự án của tuyến đường sắt đô thị số 8 theo quy hoạch được duyệt là sau năm 2020.
Ủy ban Nhân dân thành phố thành phố Hà Nội đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư vận động nguồn vốn ODA Hàn Quốc cho các dự án hạ tầng giao thông đô thị, bao gồm dự án hỗ trợ kỹ thuật lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 8 thành phố Hà Nội.
Hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đã thỏa thuận thực hiện hỗ trợ kỹ thuật lập nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt đô thị số 8 tại thành phố Hà Nội và nguồn vốn ODA sử dụng thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật (chỉ thực hiện lập nghiên cứu tiền khả thi) khoảng 4 triệu USD (khoảng hơn 91 tỷ đồng) được Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ không hoàn lại kết hợp với vốn đối ứng từ ngân sách của thành phố Hà Nội dự kiến khoảng 15 tỷ đồng.
Hiện nay, các dự án đường sắt đô thị đang được triển khai xây dựng trên địa bàn Hà Nội bao gồm dự án tuyến số 2A đoạn Cát Linh-Hà Đông với chiều dài trên 13km, toàn bộ đi trên cao, sử dụng vốn ODA của Trung Quốc (do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ quản đầu tư), dự kiến đưa vào vận hành khai thác năm 2018.
Dự án tuyến số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội với chiều dài khoảng 12,5km, trong đó khoảng trên 4km đi ngầm, sử dụng vốn ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng phát triên châu Á (ADB) và Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) dự kiến sẽ đưa vào khai thác vận hành năm 2022.
Dự án tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo với quy mô dài khoảng 11,5km, trong đó, khoảng 8,5km đi ngầm, sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản, dự kiến sẽ đưa vào khai thác vận hành năm 2022.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn có các dự án đang thực hiện chuẩn bị đầu tư gồm có dự án tuyến số 1, đoạn Ngọc Hồi-Yên Viên dài khoảng 26km, toàn bộ đi cao kết hợp với đường sắt quốc gia, sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản (do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ quản đầu tư); dự án tuyến số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai dài khoảng 8km, trong đó khoảng gần 5km đi ngầm, dự kiến sử dụng nguồn vốn ODA của ADB và của các nhà tài trợ khác; dự án tuyến số 2, đoạn Trần Hưng Đạo-Thượng Đình dài 5,9km, toàn bộ đi ngầm.
Hiện tại, một số nhà đầu tư tư nhân trong nước đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố cho phép lập nghiên cứu tiền khả thi một số dự án gồm tuyến số 5, đoạn Văn Cao-Hòa Lạc đài 38,4km; tuyến số 2, đoạn Trần Hưng Đạo-Thượng Đỉnh đài 5,9km; tuyến số 4, đoạn Mê Linh-Sải Đồng-Liên Hà dài 54km./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.