Xe buýt sử dụng khí CNG tuyến Bến xe Mỹ Đình-Sơn Tây. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Nhằm đạt mục tiêu xe buýt đáp ứng từ 20-25% nhu cầu đi lại của người dân vào năm 2020, thành phố Hà Nội đang triển khai cấp bách các giải pháp phát triển hạ tầng, mở rộng vùng phục vụ cho xe buýt, nâng cao năng lực vận hành cho xe buýt.
Mở thêm mini buýt
Mạng lưới xe buýt ở Hà Nội thời gian qua đã mở rộng ra toàn bộ 34 quận, huyện, thị xã, xoá các “vùng trắng” xe buýt, nâng cao năng lực phục vụ người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tuyến buýt, đặc biệt tại khu vực nông thôn, ngoại thành chưa phát huy được hiệu quả rõ rệt, lượng hành khách đi lại còn thưa thớt, trong khi chi phí duy trì không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, ở khu vực trung tâm thành phố, nơi nhu cầu rất cao, hạ tầng chật hẹp lại chưa đa dạng loại hình, thiếu xe buýt mini phù hợp với điều kiện lưu thông thực tế.
Bên cạnh đó, các tuyến đường sắt đô thị chưa đưa vào hoạt động cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển của xe buýt. Việc điều chỉnh lộ trình hàng chục tuyến buýt kết nối đã hoàn thành xong từ lâu nhưng không phát huy tác dụng vì đường sắt đô thị vẫn giậm chân tại chỗ.
Mặt khác, các tuyến buýt cũng không thể điều chỉnh lại như cũ trong khi chờ đợi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đi vào vận hành, gây khó khăn cho hành khách.
Xác định vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn vẫn đóng vai trò chủ đạo, thời gian tới, xe buýt Thủ đô tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp để phát huy tối đa vài trò của mình, khai thác hiệu quả mạng lưới vận tải hành khách công cộng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thời gian tới, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục mở thêm 17 tuyến buýt. Ngoài tuyến buýt trục chính sẽ mở thêm các mini buýt để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết nhiều năm qua, để tăng cường năng lực cho mạng lưới giao thông, không chỉ hệ thống hạ tầng đường sá được xây dựng, mở mang mà mạng lưới xe buýt của thành phố cũng được tập trung đầu tư phát triển theo hướng chất lượng, hiện đại.
Đến nay, Hà Nội đã có 124 tuyến buýt; trong đó, có 100 tuyến trợ giá, 10 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận, 2 tuyến City Tour.
Mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã và phục vụ đến 453/584 số xã, phường, thị trấn (đạt 78%); 66/71 bệnh viện (đạt 93%); 296/708 các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đạt (42%); 32/37 các khu công nghiệp (đạt 86%); 82/85 các khu đô thị mới (đạt 96%).
Vận tải hành khách công cộng tiếp tục có sự tăng trưởng hiện đáp ứng khoảng 17,03% nhu cầu đi lại của người dân, tăng 3,2% so với năm 2017; góp phần hạn chế đáng kể phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Đa dạng hình thức đầu tư hạ tầng xe buýt
Hiện nay, số lượng điểm dừng đỗ có nhà chờ trên địa bàn Hà Nội còn ít đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ xe buýt.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có chủ trương đầu tư 600 nhà chờ xe buýt theo tiêu chuẩn châu Âu tại 12 quận nội thành.
Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) Nguyễn Hoàng Hải cho biết, việc đầu tư 600 nhà chờ xe buýt thuộc dự án xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố và các biển quảng cáo, màn hình trên dải phân cách tại 12 quận nội thành theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Ủy ban Nhân dân thành phố đã có Quyết định số 6662/QĐ-UBND ngày 18/11/2019 quyết định chủ trương đầu tư.
Hệ thống nhà chờ sẽ được xây dựng theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn châu Âu; khắc phục hạn chế trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt hiện nay; tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; sắp xếp, bố trí lại hệ thống biển thông tin quảng cáo ngoài trời trên dải phân cách giữa các tuyến đường khoa học, đồng bộ, văn minh.
Theo đó, nhà đầu tư tự bỏ 100% kinh phí đầu tư xây dựng, vận hành khai thác và duy tu bảo trì, bảo dưỡng toàn bộ hạng mục công trình trong thời hạn 20 năm.
Hiện thành phố đã phê duyệt chủ trương, các sở, ngành liên quan đang triển khai các bước tiếp theo để sớm kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Ngoài ra, trong năm 2019, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã cùng Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã khảo sát, lên kế hoạch lắp đặt 307 nhà chờ tại khu vực ngoại thành và có Văn bản số 6859/BC-SGTVT ngày 7/8/2019 báo cáo đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố giao Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tổ chức nghiên cứu lập dự án đầu tư nhà chờ xe buýt và tổ chức quản lý sau đầu tư.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, đối với những khu vực không thể thu hút nhà đầu tư xã hội hóa thì việc sử dụng ngân sách là cần thiết vì sẽ góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.
Nếu các nhà chờ được đầu tư thì việc thực hiện các nội dung tuyên truyền để thu hút người dân sử dụng xe buýt, tuyên truyền về pháp luật, trật tự an toàn giao thông... cũng sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Để phát triển hạ tầng xe buýt, việc tổ chức hệ thống đường ưu tiên, đường dành riêng cho vận tải hành khách công cộng và ban hành quy định, tiêu chuẩn diện tích, các tiện ích tối thiểu tại các điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, điểm dừng đỗ... cũng đã được thành phố lên kế hoạch thực hiện các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng vào năm 2020; trong đó, có việc nghiên cứu, tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến trục chính đủ điều kiện; rà soát bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển phục vụ kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dành riêng làn đường cho xe buýt là chủ trương đúng nhưng với điều kiện hạ tầng và mật độ phương tiện hiện tại của Hà Nội sẽ khó thực hiện. Bên cạnh đó, không thể thiết lập một đoạn đường ưu tiên riêng lẻ mà phát huy được tác dụng; phải tạo thành chuỗi đồng bộ, liên hoàn./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.