Hà Nội: “Xe dù, bến cóc” đang “nóng…như nước sôi”

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 15/09/2017 09:40

Mặc dù “xe dù, bến cóc” gây ra nhiều bức xúc trong suốt nhiều năm qua, Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT đã nhiều lần chỉ đạo Hà Nội và các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm, thế nhưng việc khắc phục vấn nạn này chưa hiệu quả, như là “bắt cóc bỏ đĩa”...Vậy đâu là lý do?


Thích “trá hình

Như trong bài trước Tạp chí GTVT đã đề cập, so với các xe khách đăng ký chạy tuyến cố định trong bến, các xe khách trá hình trốn được 10% thuế VAT, không đóng phí bến bãi, thuế thu nhập, không đóng bảo hiểm cho hành khách và bớt rất nhiều chi phí khác (chi phí duy trì chất lượng phương tiện, đào tạo nâng cao tay nghề và đóng các loại bảo hiểm cho lái xe, phụ xe...), nên lợi nhuận rất cao. 

IMG_1526
Xe Phúc Xuyên (Quảng Ninh - Hà Nội) hẹn khách ra khu vực Nhà hát lớn nằm trên phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm để lên xe. 

"Đây là lý do chính khiến nhiều nhà xe lao đầu tư phương tiện nhằm vào hoạt động trá hình. Bên cạnh đó, xe khách trá hình còn có lợi thế mà xe tuyến cố định "mơ chẳng được" là "vô tư" vào trung tâm thành phố, khu dân cư để đón, trả khách và thời gian xuất phát tùy ý. Trong khi đó, xe hoạt động trong bến không được đón khách ở ngoài, lại phải đi - về đúng giờ và bị kiểm tra rất kỹ trước khi khởi hành...”- Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP VTTM và DV Đất Cảng phân tích.

Đồng quan điểm trên, đại diện nhiều nhà xe còn "bật mí", chính vì hoạt động xe khách trá hình mang lại lợi nhuận cao nên các hãng “xe dù” đã dùng mọi "thủ đoạn" để tăng cường hoạt động. Bằng việc dụng nhiều chiêu trò "lách Luật" đưa xe hợp đồng, xe du lịch, xe Limousine dạng hoán cải chạy tuyến cố định. Tinh vi hơn, nhiều nhà xe tiến hành việc bán vé, xác nhận đặt chỗ ngay tại văn phòng giao dịch. Sau đó in sẵn những mẫu hợp đồng kèm theo danh sách hành khách "chui" để đối phó khi bị kiểm tra. Thậm chí, nguy hiểm nhất là "hối lộ" các lực lượng chức năng để dễ dàng hoạt động.

IMG_1032
Tại phố Trần Quang Khải, một chiếc xe "trá hình" đi Sa Pa dừng ngay tại biển cấm xếp khách. Hoạt động này diễn ra trong khoảng 15 phút.
IMG_1041
Cách đó vài trăm mét, một xe khách khác đỏ đèn xếp khách đi Sa Pa tại phố Nguyễn Hữu Huân.

Ông Thân Văn Thanh, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc xe dù, xe hợp đồng trá hình len lỏi hoạt động khắp các ngõ ngách Hà Nội gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách.

Do vậy, Hà Nội cần có giải pháp dẹp nạn “xe dù, bến cóc”, trong đó có cả xe hợp đồng dạng Limousine để các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định cạnh tranh bình đẳng, minh bạch”, ông Thanh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thanh, “xe dù, bến cóc” phản ánh từ lâu nhưng Hà Nội chưa giải quyết dứt điểm được. Do đó, nếu không dẹp được tình trạng này, Sở GTVT Hà Nội phải chịu trách nhiệm”, ông Thanh nói.

Còn nhớ, tại một hội nghị khi nói về nạn “xe dù, bến cóc”, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia phải thốt lên rằng: "“Nếu không có sự bao che, phớt lờ của thanh tra giao thông (TTGT) thì không “bến cóc” nào có thể tồn tại, không xe nào có thể “chạy dù”, vì “bến cóc” và những chiếc xe khách to lù lù, buộc phải đi trên đường, có giám sát hành trình chứ có phải cái kim nhỏ xíu đâu mà giấu được cơ quan chức năng?”. 

IMG_1026

Có một thực tế, mặc dù đích thân Chủ tịch UBND TP và Giám đốc Sở GTVT có phiếu giao việc cho lực lượng TTGT làm rõ, xử lý vi phạm đối với một  hãng xe Limousine tuyến Hải Phòng sử dụng văn phòng giao dịch trên phố Trần Nhật Duật làm nơi đón trả khách "tuyến cố định". Nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay vi phạm vẫn cứ tiếp diễn . 

Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng“Nếu các lực lượng được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đúng chức trách thì rất khó để “xe dù, bến cóc” lộng hành. Bởi thế mà dư luận nghi ngờ có sự bảo kê, tiêu cực…cũng là điều dễ hiểu”.

Muốn trị được “giặc” phải có “kế sách”

Thực tế, trong quá trình điều tra để viết loạt bài này, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị xử lý “xe dù, bến cóc” có bằng chứng rõ ràng với lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, tuy nhiên kết quả xử lý lại vô cùng khiêm tốn. 

Chính bãi "xe dù" quy mô lớn tại phố Cự Lộc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Theo đó, bãi xe này có diện tích rộng hàng nghìn mét vuông được trưng dụng làm nơi trông giữ xe ô tô, kết hợp làm bến xe phục vụ tuyến Hà Nội - Thái Nguyên và ngược lại. Mỗi ngày, tại đây có hàng chục lượt xe Limousine vào đây đón trả khách và bốc xếp hàng hóa.

IMG_1520
Một khu đất rộng hàng nghìn m2 trên phố Cự Lộc trở thành "bến cóc" phục vụ đoàn xe Limousine tuyến Hà Nội - Thái nguyên.

Từ những ghi nhận đó, PV đã trực tiếp cung cấp thông tin và hình ảnh cho Lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT Hà Nội để có biện pháp xử lý. Sau vài lần phản ánh như vậy, đích thân vị Lãnh đạo này có phiếu giao việc cho Đội TTGT quận Thanh Xuân kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà cho tới nay "bến xe dù" tại phố Cự Lộc vẫn ngang nhiên tồn tại mà không rõ lý do.

Ngoài ra, không ít lần PV phản ánh về việc trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, tại số nhà 162B phố Trần Quang Khải - Công ty TNHH Hưng Thành cũng tổ chức thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi các tỉnh Lào Cai, Huế... Sau đó dẫn hành khách ra địa chỉ 250 Trần Quang Khải để xếp khách lên xe với thời gian hoạt động là 7h, 18h, 22h.

Cũng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, ngoài địa chỉ trên, còn có “bến cóc” tại số 208 Trần Quang Khải, nhà xe Queen Cafe tổ chức thu tiền và xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi Sapa (Lào Cai) và tổ chức xếp khách, hàng hóa ngay tại đây với thời gian hoạt động ở 3 khung giờ 7h, 13h30, 22h.

Tại phố Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng), các nhà xe như: Hưng Long, Camel, Hưng Thành, Hà Lan… tiếp tục tổ chức thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho khách lẻ...

IMG_1020
Bến xe buýt trước số nhà 338 Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) được "trưng dụng" làm "bến ngầm" phục vụ tuyến Hà Nội - Quảng Bình.

Quá trình tìm hiểu viết bài này, chúng tôi rất đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Như Trúc - Giám đốc bến xe Mỹ Đình Hà Nội. Theo ông Trúc, việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý kiên quyết, dứt điểm các bến xe khách lậu và các xe khách trá hình là giải pháp cốt lõi nhất.

Cũng theo ông Trúc, có một thực tế là gần như năm nào Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cũng có công văn, công điện chỉ đạo mở các đợt cao điểm xử lý “xe dù, bến cóc”, thậm chí trong đó còn nêu rõ những nhà xe có nhiều vi phạm. Nhưng việc xử lý vấn nạn này như “bắt cóc bỏ đĩa” và xe khách trá hình tại Hà Nội vẫn là tình trạng nhức nhối, mặc dù "vái tứ phương", song vẫn không tìm ra thuốc "đặc trị". Phải chăng các hãng "xe dù" đang nhờn thuốc, văn bản chỉ đạo của cấp trên cũng bị “nhờn”…

Ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội kiến nghị, đối với các nhà xe vi phạm cần phải tiến hành thanh tra toàn diện, đặc biệt cần phối hợp với ngành thuế để thanh tra liên ngành, làm rõ hành vi trốn thuế của các hãng xe dù; quy trách nhiệm cụ thể và xử lý nghiêm cán bộ phụ trách lĩnh vực nếu để xảy ra vi phạm kéo dài trên địa bàn để tránh tình trạng bao che, “bảo kê” cho “xe dù, bến cóc” hoạt động. Đồng thời, Bộ GTVT cần sớm sửa đổi, khắc phục những "kẻ hở" của Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

IMG_1470
Tại phố Giải Phóng (quận Hoàng Mai), các nhà xe Năm Giang, Vietbus, Minh Mập.... vô tư sử dụng văn phòng, lòng đường làm nơi đón trả khách, song không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng xử lý.

Theo TS. Phạm Sanh – một chuyên gia giao thôngchính việc Nghị định 86 có nhiều “kẽ hở” đã tạo cơ hội cho các đơn vị tổ chức xe khách trá hình kinh doanh trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách. Thực tế hiện nay đã có đơn vị tổ chức xe khách trá hình không chỉ trực tiếp gom khách lẻ mà còn lách luật thành lập mới (hoặc liên kết) với các trung tâm du lịch hoặc công ty để đứng ra gom khách, thậm chí dùng “cò xe” lôi kéo, thu gom khách lẻ tại bến xe rồi đứng ra ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh xe hợp đồng, để chở khách đi tuyến cố định nhằm trốn thuế, phí bến bãi. 

Do vậy, Nghị định sửa đổi cần quy định rõ: “Cấm các tổ chức và cá nhân không được tự tổ chức thu gom hành khách lẻ, không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe hợp đồng, xe du lịch dưới mọi hình thức”, ông Sanh nhấn mạnh.

Tại cuộc họp giữa lãnh đạo thành phố Hà Nội với lãnh đạo Bộ GTVT hồi tháng 3/2016, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh: Giao thông Hà Nội đang “nóng…như nước sôi”, trong đó nổi cộm là tình trạng “xe dù, bến cóc”, nên trong thời gian tới phải tập trung xử lý dứt điểm vấn nạn này. 

Sau chỉ đạo đó, người dân Thủ đô vui mừng, phấn khởi khi được tận mắt chứng kiến hình ảnh ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đi "vi hành" chỉ đích danh hàng chục nhà xe chạy dù trên địa bàn thành phố và giao cho lực lượng chức năng xử lý. Tuy nhiên, sau chỉ đạo đó, tình hình “xe dù, bến cóc” trên địa bàn Thủ đô không mấy cải thiện, thậm chí còn hỗn loạn hơn trước đó.  Đáng buồn hơn, đa phần các nhà xe được đích danh ông Viện điểm mặt như: Hưng Long, Hưng Thành, Camel, Queen Cà Phê...vẫn ngang nhiên hoạt động giữa" thanh thiên bạch nhật", mà không hề bị "sờ gáy".

Ý kiến của bạn

Bình luận