Một bến thủy gần phía hạ lưu cầu Thanh Trì (xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) 'đỏ đèn' hoạt động - nơi ăn hàng của binh đoàn xe cơi nới thành thùng, chở quá tải. Ảnh: Nhị Hà |
Những ngày đầu tháng 12/2020, tại chân cầu Thanh Trì (đoạn qua địa bàn phường Cự Khối, quận Long Biên và xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội), PV Tạp chí GTVT ghi nhận có ít nhất hai đến ba bãi tập kết cát, kế bên là các máy xúc, máy cẩu sẵn sàng hoạt động khi có các xe vào. Được biết, đa phần bến thủy, bãi tập kết vật liệu xây dựng này đều không có phép và vi phạm hành lang đê điều.
Tại đây, các đoàn xe tải trọng lớn thường xuyên ra vào lấy vật liệu xây dựng, chủ yếu là cát. Cũng vì thế, quãng đường đi từ đê Hữu Hồng xuống các bãi tập kết vật liệu xây dựng luôn trong tình trạng khói bụi. Mỗi lần các xe chở vật liệu xây dựng di chuyển từ bến bãi lên đê là cuốn theo bụi đất phủ khắp mặt đường, vừa ô nhiễm, vừa gây mất an toàn giao thông.
Để kiểm chứng điều này, chiều 18/12, khảo sát tại đê Hữu Hồng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh hàng trăm lượt xe tải chở đất, cát lưu thông qua lại tại đây. Theo quan sát của chúng tôi, những chiếc xe này đều có dấu hiệu quá tải, phóng nhanh, chạy ẩu cuốn theo khói bụi mù mịt. Bám theo một xe chở cát, chúng tôi men theo con đường đất dài gần 1km ngay dưới chân cầu Thanh Trì, băng qua đê Hữu Hồng đến với điểm trung chuyển cát khá lớn ven sông Hồng. Tuy là giờ trưa, nhưng hoạt động đổ cát diễn ra khá nhộn nhịp. Chiếc xe cỡ lớn vừa đỗ vào, lập tức chiếc xe khác chở cát quá thùng quay đầu hướng ra phía đê Hữu Hồng.
Các xe hoạt động tại bến thủy phía hạ lưu cầu Thanh Trì đều không được kiểm soát tải trọng xe theo quy định của Bộ GTVT. |
Một chiếc xe chở cao "có ngọn", không che chắn để vật liệu rơi vãi ra đường khi lưu thông trên đê hữu Hồng. |
Cụ thể, khoảng 14h, những xe tải chở cát mang BKS 89C-092…, 29H-108, 29C-267… của nhà xe "AB" lao nhanh trên đường Bát Khối, thùng xe đầy ắp không được che đậy để cát bụi từ thùng xe cuốn mù mịt. Ít phút sau, xe tải mang BKS 34C-016, 29H-379… mang logo "đã uống rượu bia thì không lái xe" nối đuôi theo sau, bụi tung trắng xóa cả đoạn đường, hú còi ầm ĩ để các phương tiện giao thông nhường đường. Nhiều người dân lưu thông bằng xe gắn máy hai bên đường đều hoảng sợ phải dừng xe lại nép sát vào lề đường.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Thành H. (người dân xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) cho biết: “Người dân đã nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng nhưng cho đến nay tình trạng này vẫn không được xử lý triệt để, thậm chí lưu lượng xe quá tải, quá khổ lưu thông qua lại còn tấp nập hơn trước. Quan sát bằng mắt thường chúng tôi cũng thấy những chiếc xe này có dấu hiệu quá tải, quá khổ. Cụ thể là những xe tải mang nhãn hiệu Howo có trọng tải hàng chục tấn lưu thông nhưng chẳng mấy khi thấy bóng lực lượng chức năng xử lý”.
Cũng theo ghi nhận, do lượng xe quá tải lưu thông dày đặc dẫn đến mặt đê Hữu Hồng phát lộ nhiều điểm bị rạn nứt. Dù tuyến đường này mới được đầu tư nâng cấp, mở rộng hồi cuối năm 2019 nhưng thời gian gần đây có dấu hiệu xuống cấp, ô nhiễm môi trường khiến người điều khiển phương tiện gặp nguy hiểm.
Từ các bến thủy, bãi tập kết cát ở chân cầu Thanh Trì, đoàn xe nối đuôi nhau lên đê Hữu Hồng (thuộc xã Cự Khối, Q.Long Biên và xã Đông Dư, H. Gia Lâm) rồi tỏa đi các vùng lân cận nhưng không bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. |
Vi phạm vẫn tăng nhiệt sau chỉ đạo "nóng"
Trước tình trạng xe tải trọng lớn lưu thông trên các tuyến đê xảy ra nhiều, làm hư hỏng nghiêm trọng mặt đê, ảnh hưởng đến an toàn chống lũ của tuyến đê. Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, ngày 23/7/2020, UBND TP Hà Nội có văn bản số 3305 về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng xe quá tải đi tuyến đê. UBND TP Hà Nội chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các Sở, ngành thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý.
“Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cắm đầy đủ biển hạn chế tải trọng trên các tuyến đê. Công an TP Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý triệt để các trường hợp xe quá tải đi trên đê. Các sở ban ngành kiểm tra, rà soát tham mưu cho UBND TP Hà Nội bố trí kinh phí hàng năm để kịp thời xử lý, khắc phục hư hỏng để đảm bảo an toàn đê điều, giao thông trên đê”, văn bản nêu rõ.
Trong ảnh là loại xe Howo 3 "chân" với tải trọng cả xe và hàng hóa 40 - 50 tấn vẫn lưu thông trên đê. Ngoài ra, thùng xe đã được cải tạo nâng cao hơn gấp đôi so với xe khi xuất xưởng. Ảnh chụp trên đường đê Hữu Hồng hướng đi khu đô thị Ecopark (Văn Lâm, Hưng Yên). |
Đường quá nhỏ, mỗi khi xe đi qua, người dân phải nép vào sát tường nhà, vỉa hè, rất nguy hiểm. Trong ảnh là xe vừa cơi nới, vừa chở đất cát vượt quá thành thùng phóng trên đường. |
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, để đảm bảo an toàn công trình đê điều, thực hiện công tác phòng chống thiên tai, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có các văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã, các sở ngành để nghị ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải đi trên đê thuộc địa bàn thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, hàng năm, Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng kế hoạch, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý tình trạng xe quá tải trọng lưu thông trên đê. Thành phần tham dự Tổ công tác gồm: Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão; các Hạt quản lý đê điều; UBND các quận, huyện; Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông các quận, huyện. Giao Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội gây dựng mô hạn chế xe quá tải trọng trên một số tuyến đê, để hạn chế tình trạng xe quá tải trọng hoạt động.
Trước đó, để tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, chấm dứt tình trạng phương tiện quá tải tham gia giao thông, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Công an các đơn vị, địa phương, tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, xử lý các xe quá tải trên các tuyến giao thông.
Chỉ thị cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng phương tiện chở quá tải tham gia giao thông trên địa bàn.
Tạp chí GTVT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.