Hải đồ điện tử: Bước chuyển mình của ngành Đường thủy nội địa

Tác giả: CÔNG THÀNH

saosaosaosaosao
Ứng dụng 21/06/2016 05:44

lại nhiều tiện ích, đặc biệt là nâng cao ATGT đường thủy. Hiện nay, Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam đang hoàn thiện những bước cuối cùng để đưa vào thử nghiệm.

Sự trao đổi thông tin AIS giữa tàu với t
Sự trao đổi thông tin AIS giữa tàu với tàu và tàu với bờ

GIẢI PHÁP CẤP BÁCH NÂNG CAO ATGT ĐƯỜNG THỦY

Thực tế giao thông thủy tại Việt Nam là giao thông hỗn hợp, chồng lấn giữa hàng hải, ĐTNĐ, nhiều loại phương tiện cùng lưu thông trên sông, đặc biệt là khu vực cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi các loại tàu biển trong nước và nước ngoài luôn được trang bị đầy đủ hệ thống hỗ trợ như: Hệ thống ECDIS và hải đồ điện tử ENC, các trang thiết bị hàng hải như: Máy định vị GPS, máy nhận dạng tự động AIS, RADAR, máy thông tin vô tuyến theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO)... thì hầu hết các loại phương tiện thủy nội địa (TNĐ) nước ta hiện chưa được trang bị một cách đầy đủ và đồng bộ hệ thống hỗ trợ này.

Một số tàu vận tải lớn và những tàu chở khách loại lớn chủ yếu điều động tàu theo phương pháp hành hải cũ, tức là sử dụng hải đồ giấy để tác nghiệp. Dù có sử dụng thiết bị định vị GPS để xác định vị trí tàu thì hệ thống cũng không đồng bộ với nhau kể cả về tọa độ lẫn thời gian trong cả hành trình.

Cùng với đó, các loại phương tiện TNĐ nhỏ khác chủ yếu điều động tàu theo phương pháp truyền thống, dựa vào kinh nghiệm của người điều khiển. Nếu tính đến các yếu tố thời tiết thì đối với các phương tiện TNĐ khi hoạt động ven bờ biển, tuyến ra đảo và trên các tuyến nối các đảo sẽ vẫn gặp nguy cơ tai nạn rất cao khi không được trang bị các hệ thống hỗ trợ.

Theo phân tích của các cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNGT đường thủy là tàu đi không đúng luồng tuyến, đậu không đúng phạm vi quy định; tàu va vào vật chướng ngại như bãi cạn, đá ngầm và xác tàu chìm; vi phạm quy tắc tránh va, tránh vượt; các yếu tố bất khả kháng như thời tiết, tàu bị hỏng...

Ông Đỗ Hữu Hồng - Thuyền trưởng tàu Hải Phòng - Thành An 09 chia sẻ, việc điều khiển tàu trên các tuyến sông cũng như vào cảng, rời cảng hiện nay đều dựa vào kinh nghiệm của người lái tàu. Nếu không có kinh nghiệm lâu năm thì không chỉ gặp khó khăn mà còn có nguy cơ bị tai nạn cao nếu di chuyển theo một hành trình dài.

“Hầu hết các mối nguy hiểm hiện nay đều là do các phương tiện không có công cụ nào để nắm bắt được những vật chướng ngại trên sông cũng như các nguy cơ tai nạn. Vì thế, người “non” nghề sẽ khó lòng xác định tình huống để kịp xử lý.”,Thuyền trưởng Hồng cho biết. 

NHỮNG TIỆN ÍCH CỦA THỦY ĐỒ ĐIỆN TỬ “MADE IN VIETNAM”

Qua nhiều thế kỷ, hải đồ giấy đã mang lại hiệu quả thiết thực và là một hành trang không thể thiếu trong những chuyến hải trình dài và khi hoa tiêu dẫn dắt tàu ra, vào cảng bến. Nhờ sự phát triển khoa học công nghệ như vũ bão, công cụ thủ công tồn tại nhiều hạn chế này đã dần được thay thế bằng hải đồ điện tử (ENC).

Bắt đầu từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20, giải pháp để thành lập ENC đã được tìm ra. Trải qua nhiều giai đoạn xây dựng và phát triển, sự tích hợp hải đồ ENC, hải đồ điện tử đường thủy (I-ENC, hay còn gọi là thủy đồ điện tử) với những thiết bị nhận dạng tự động AIS... làm cơ sở dữ liệu bản đồ nền cho hệ thống hiển thị thông tin ECDIS (Electronic Chart Display and Information System) trên máy tính là một phương pháp hành hải mới mang lại nhiều tiện ích cho ngành Hàng hải và ĐTNĐ. Công nghệ này hiện đang được ứng dụng phổ biến trên thế giới.

Trên lĩnh vực Hàng hải, hải đồ điện tử được ứng dụng từ lâu nhưng trong lĩnh vực ĐTNĐ thì chưa có nghiên cứu nào. Trước đòi hỏi thực tế cần có hải đồ điện tử trong lĩnh vực này, nhóm nghiên cứu gồm: ThS. Bùi Đình Thiện và ThS. Lê Quang đã nghiên cứu Đề tài “Những tiện ích của hải đồ và bản đồ điện tử ĐTNĐ”. Trao đổi với Tạp chí GTVT, ThS. Bùi Đình Thiện - Chủ nhiệm đề tài cho biết, I-ENC đã được sản xuất phổ biến ở các nước phát triển trên thế giới và mang lại nhiều tiện ích, vừa sử dụng thay thế cho bản đồ giấy, vừa có thể tích hợp được với các thiết bị cung cấp thông tin dẫn đường một cách tự động và khách quan.

ThS. Bùi Đình Thiện - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề GTVT Đường thủy II cho biết, để I-ENC được nhân rộng và phát huy hiệu quả, về phía cơ quan quản lý nhà nước cần phủ I-ENC trên các tuyến chính, từ đó nhân rộng ra các tuyến còn lại. Về phía người sử dụng phương tiện thủy, ngoài một số loại bắt buộc sử dụng AIS hiện nay thì nên quy định một số đối tượng sẽ có lộ trình áp dụng đối với tàu dầu, tàu chở khí hóa lỏng, tàu hàng có trọng tải từ 1.000 DWT trở lên, tàu khách tốc độ cao từ 50 chỗ trở lên...; đồng thời khuyến khích các loại còn lại áp dụng AIS để sử dụng tiện ích của I-ENC. Thiết nghĩ, lợi ích sẽ rất lớn nên số còn lại sẽ nhân rộng rasau01-02năm.

I-ENC có thể hoạt động thường xuyên bất kể thời tiết, được đánh giá là một phương pháp mới rất thuận tiện, góp phần nâng cao ATGT đường thủy và là một hệ thống dịch vụ thông tin trực tuyến trong quá trình quản lý giao thông thủy của mỗi quốc gia. I-ENC tích hợp với hệ thống tự động nhận dạng AIS trang bị trên tàu sẽ là công cụ hữu hiệu bảo đảm ATGT.

Về tính năng cụ thể của I-ENC, ThS. Lê Quang cho biết, khi I-ENC được tích hợp với thiết bị AIS gắn trên tàu thì tọa độ kinh độ, vĩ độ của tàu sẽ được thiết bị AIS trên tàu cung cấp cho máy tính. Khi nhìn vào màn hình máy tính, người điều khiển tàu có thể biết vị trí, tốc độ và phương hướng của tàu một cách cụ thể, chính xác.

Một số các thông tin khác không nhìn thấy bằng mắt thường như độ sâu, bãi cạn, vật chướng ngại nguy hiểm, tuyến hành trình dự kiến, biên, tim luồng tàu, ranh giới khu vực neo tàu, vùng cấm giao thông... đều được hiển thị trên bản đồ điện tử. Những thông tin này rất hữu ích cho người lái phương tiện khi đi vào các luồng tàu hẹp, quanh co, tầm nhìn bị hạn chế, nhất là vào ban đêm.

Khi trên thủy đồ điện tử có chỉ rõ các phân định luồng tuyến, phân chia vùng hoạt động một cách rõ ràng cho các loại phương tiện, nhất là đối với các vùng nước chung cho hàng hải và ĐTNĐ thì việc tránh va rất thuận lợi và tai nạn nếu có xảy ra chỉ là do điều kiện bất khả kháng.

Cùng với đó, việc tích hợp I-ENC với AIS trên tàu sẽ còn tạo ra bức tranh giao thông thủy một cách trực quan giúp xác định vị trí và khoảng cách giữa tàu với tàu; liên lạc giữa tàu với tàu khi tiến hành các biện pháp tránh va kể cả ngày hay đêm và trong bất kể thời tiết.

Đồng thời, các cơ quan quản lý giao thông thủy sẽ có một hệ thống hỗ trợ đắc lực để giám sát hành trình và theo dõi từ xa, kịp thời đưa ra các quyết định quản lý chính xác. Khi điều kiện bất khả kháng xảy ra tai nạn giữa tàu với tàu, giữa tàu với các công trình vượt sông hay do thời tiết, việc cứu hộ và xác định nguyên nhân tai nạn cũng thuận lợi và dễ dàng nhờ vào dữ liệu được chia sẻ hoặc lưu trữ.

“Chúng ta đã thành lập và phát triển ENC nhưng I-ENC thì chưa, có lẽ trong lĩnh vực Hàng hải do sự hòa nhập nên bắt buộc phải theo công ước chung của quốc tế về Luật Biển. Trong khi đó, Luật Giao thông ĐTNĐ nước ta chưa có quy định bắt buộc các tàu thuyền phải lắp AIS nên chưa phát triển I-ENC. Tuy nhiên, trong tương lai gần, I-ENC sẽ phát triển và phục vụ hiệu quả cho giao thông thủy đang phát triển với tốc độ rất nhanh ở nước ta”, ông Quang khẳng định.

unnamed (1)

ÁP DỤNG THÍ ĐIỂM TRÊN 3 TUYẾN SÔNG

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Trương Trọng Doanh - Trưởng phòng Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế và Môi trường (Cục ĐTNĐ Việt Nam) cho biết, nắm bắt được nhu cầu thực tế về thủy đồ điện tử I-ENC hiện nay là rất cao, lãnh đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam đánh giá rất cao ý tưởng của đề tài với tính ứng dụng cao. Đồng thời, Cục đã giao cho bộ phận chuyên môn về công nghệ thông tin của đơn vị tiến hành nghiên cứu và xây dựng tương đối hoàn chỉnh thủy đồ điện tử I-ENC. Hiện tại, việc hoàn thiện thủy đồ điện tử đang được đẩy nhanh để thí điểm trên 3 tuyến sông gồm: Sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Cỏ, sau đó sẽ nhân rộng việc số hóa trên toàn bộ các tuyến ĐTNĐ do Trung ương quản lý.

“Đến nay, việc thiết lập thủy đồ điện tử tại 3 tuyến sông trên đã cơ bản hoàn thành và sẽ sớm đưa vào thử nghiệm thực tế trong thời gian tới. Các thông số của luồng, tuyến, tọa độ và các chi tiết liên quan đến an toàn chạy tàu như độ nông sâu; vị trí phao tiêu, báo hiệu; công trình vượt sông; các điểm khan cạn, vật chướng ngại... sẽ được thể hiện đầy đủ trên thủy đồ điện tử với các thông số được cập nhật số một cách thường xuyên”, ông Doanh cho biết thêm.

Đánh giá về tính năng của thủy đồ điện tử, ông Hoàng Mạnh Hùng - cán bộ phụ trách Tổ Công tác Xây dựng thủy đồ điện tử của Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, người điều khiển tàu sông, tàu biển sử dụng thủy đồ điện tử sẽ khắc phục được tất cả những nhược điểm trước đây của thủy đồ giấy và sử dụng thêm những tính năng hiện đại hơn.

Người điều khiển phương tiện có thể tải thủy đồ trên website của Cục ĐTNĐ Việt Nam về máy tính trên tàu. Đối với trường hợp không có máy tính thì có thể in hành trình của mình ra giấy để sử dụng. Trong thời gian tới, Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng sẽ tiếp tục cung cấp thêm ứng dụng này trên điện thoại nhằm giúp người điều khiển phương tiện dễ dàng sử dụng hơn.

Ý kiến của bạn

Bình luận