CSGT và thanh niên tình nguyện chuẩn bị chương trình tuyên truyền, hướng dẫn học sinh tham gia giao thông an toàn |
Gia tăng TNGT đường bộ
Thực hiện Năm ATGT 2016 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với tiêu chí “Tính mạng con người là trên hết”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành tỉnh Hải Dương luôn quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện trên mọi mặt công tác chỉ đạo, điều hành về bảo đảm TTATGT. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền tiếp tục được quan tâm thực hiện, phản ánh kịp thời các quy định của pháp luật về TTATGT để người dân biết và thực hiện, nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề nóng, nổi cộm của xã hội.
Các đơn vị thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh Hải Dương về bảo đảm ATGT tại các lối đi dân sinh; duy trì hoạt động ổn định, an toàn tại các bến đò, bến khách ngang sông. Năm 2016, TNGT đường sắt, đường thủy nội địa được kiềm chế và giảm cả về số vụ, số người chết so với năm 2015. Cụ thể, TNGT đường sắt giảm 46,7% về số vụ, giảm 58% số người chết; TNGT đường thủy nội địa giảm 50% số vụ và giảm 80% số người chết.
Tuy nhiên, theo Ban ATGT tỉnh Hải Dương, năm 2016 trên địa bàn tỉnh, TNGT từ rất nghiêm trọng trở lên tăng đột biến. Nhiều địa phương có số người chết do TNGT tăng cao, trong đó các địa phương có số người chết vì TNGT tăng trên 50% gồm các huyện: Ninh Giang, Kim Thành, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Nam Sách. TNGT gia tăng chủ yếu ở lĩnh vực đường bộ.
Cụ thể, trong năm 2016 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 268 vụ tai nạn và va chạm giao thông (191 vụ tai nạn và 77 vụ va chạm), làm 193 người chết và 151 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2015, TNGT tăng 32 vụ (tăng 20,1%), tăng 31 người chết (tăng 19,1%) và tăng 8 người bị thương (tăng 6%).
Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 258 vụ (181 vụ tai nạn và 77 vụ va chạm), làm chết 187 người và bị thương 148 người; so với cùng kỳ năm 2015 tăng 41 vụ (tăng 29,3%), tăng 42 người chết (tăng 29%), tăng 7 người bị thương (tăng 5%).
Vì sao TNGT tăng?
Theo Ban ATGT tỉnh, tình hình TNGT năm 2016 trên địa bàn tăng cao so với cùng kỳ một phần do ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, tập trung chủ yếu trong giới trẻ và khi không có lực lượng chức năng.
Tuyên truyền, cổ động người dân chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ |
Mặc dù, những vi phạm đối với học sinh, thanh thiếu niên diễn ra thường xuyên nhưng nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục chưa chủ động có biện pháp kiểm tra, giám sát ngoài cổng trường để nâng cao tính răn đe, xử lý theo quy định nên có nhiều học sinh coi thường kỷ cương pháp luật ngay từ khi ngồi trên nhà trường.
Đồng thời, lực lượng chức năng chưa có biện pháp hiệu quả kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với thanh thiếu niên, học sinh, công nhân, người lao động thường xuyên vi phạm các quy định khi tham gia giao thông như: Uống rượu bia, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, lấn làn lấn vạch…; chưa xử lý dứt điểm tình trạng xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh, các phương tiện kéo theo xe khác, chở hàng hóa cồng kềnh gây mất TTATGT.
Đặc biệt, TNGT trên một số tuyến đường tăng đột biến như trên đường tỉnh 391 qua địa bàn huyện Tứ Kỳ và TP. Hải Dương, QL38B qua huyện Gia Lộc và Thanh Miện do các phương tiện từ 4 trục trở lên né tránh các trạm thu phí trên QL5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tập trung đi vào các tuyến đường địa phương. Tình hình TNGT trên các tuyến đường nông thôn, đô thị tiếp tục có những diễn biến phức tạp do hệ thống đường đã được nâng cấp, cứng hóa, thuận tiện cho các phương tiện đi lại nhưng chưa được lắp đặt đầy đủ biển báo, xây gờ giảm tốc từ đường nhánh ra đường chính; ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng điều khiển phương tiện của người dân khu vực nông thôn còn hạn chế, chưa thay đổi kịp so với sự phát triển của hạ tầng, thường xuyên vi phạm về phóng nhanh vượt ẩu, đi ngược chiều đường, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông dẫn đến TNGT tăng.
Ngoài ra, phương tiện cá nhân tiếp tục tăng mạnh, mật độ tham gia giao thông lớn là nguyên nhân gây rối loạn, giảm độ an toàn và tính ổn định của hệ thống giao thông, nhất là tại các điểm có giao cắt phức tạp như QL5 với QL37, QL5 với ĐT391 (TP. Hải Dương), QL18 giao QL37 (phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh), QL38B với ĐT392B...
Bên cạnh đó, số lượng phương tiện chạy bằng điện trên địa bàn tỉnh là rất lớn (khoảng gần 60.000 xe máy điện, xe đạp điện) tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT. Thống kê cho thấy, TNGT liên quan đến xe máy điện, xe đạp điện năm 2016 có 10 vụ, làm 10 người chết và bị thương 2 người.
Trước tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp, Ban ATGT tỉnh đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 với mục tiêu quyết tâm thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm giảm cả 3 tiêu chí về TNGT so với năm 2016 tối thiểu 5%. Theo đó, tỉnh Hải Dương sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể về công tác bảo đảm TTATGT; tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông và nâng cao trách nhiệm người thực thi công vụ, đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm TTATGT o
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.