Thứ Hai vừa qua, Hải quân Hoàng gia Anh đang có kế hoạch đẩy mạnh việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm cải thiện khả năng phòng vệ trên biển. Bắt đầu với STARTLE, phần mềm trí tuệ nhân tạo có thể phát hiện các mối đe dọa tiềm năng.
Tại buổi họp báo công bố thông tin có tựa đề “Trí tuệ nhân tạo trong các tàu chiến của Hải quân Hoàng gia” được tổ chức bởi tổ chức phi lợi nhuận TechUK, đại diện Hải quân Anh đã công bố mối quan tâm đến việc khai thác tiềm năng sử dụng thuật toán máy học, nhằm cải thiện khả năng hoạt động của các đơn vị chiến đấu thông qua dự án NELSON.
STARTLE được phát triển bởi công ty Roke Manor Research. Hãng này tuyên bố mình là nhà cung cấp hàng đầu cho việc tích hợp phần mềm AI vào thiết bị thử nghiệm cho hệ thống chiến đấu trên biển, được tài trợ bởi Phòng thí nghiệm về Công nghệ và Khoa học Phòng vệ.
Mike Hook, kiến trúc sư trưởng về phần mềm cho STARTLE tại Roke, nói với tờ The Register: “Rất khó để cài đặt một công nghệ mới lên tầu chiến bởi vì nó có quá nhiều phần mềm độc quyền. Nhưng việc tích hợp STARTLE lên thiết bị thử nghiệm sẽ mang lại cho nó nhiều dữ liệu mới để kiểm tra.”
Roke mô tả STARTLE như một “cỗ máy biết nhận thức được tình hình” chạy trên phần mềm. Nó hoạt động bằng cách sử dụng mạng lưới thần kinh và thuật toán máy học để xử lý thông tin và đưa ra các thông điệp cảnh báo. Cơ chế này tương tự như cách hoạt động của hệ thống cảnh báo nguy hiểm trong bộ não động vật có vú.
Ông Hook giải thích thêm rằng, nó hoạt động giống như cách của hạch hạnh nhân phản ứng đối với dữ liệu giác quan để học cách nhận biết về sự nguy hiểm. (Hạch hạnh nhân: một tập hợp các tế bào thần kinh nằm bên trong thùy thái dương của bộ não người).
“Nó bám sâu vào hàng núi các dữ liệu và được huấn luyện để nhận biết các mối đe dọa. Phần mềm này là một trình truy cập các mối đe dọa hướng mục tiêu. Nó quản lý hàng loạt nguồn thông tin và có một hệ thống xếp hàng, xây dựng trên cấu trúc của thông tin để đánh giá và xác nhận các mối đe dọa tiềm năng thông qua một loạt các tiêu chí, giống như cách con người vẫn làm.”
Phần mềm này sẽ ghi lại một cách rõ ràng các quyết định của mình, để làm cho hệ thống minh bạch hơn, và các quyết định sau cùng sẽ được đưa ra bởi con người. Hãng Roke cho biết, phần mềm này được kỳ vọng sẽ trở thành trợ lý cho sĩ quan chỉ huy trên tầu chiến. Tính minh bạch và xác nhận cũng là hai vấn đề về AI đã được nhấn mạnh trong báo cáo về Robot và AI của Ủy ban Khoa học và Công nghệ, phát hành vào tuần trước.
Tuy nhiên, ông Hook không cho rằng phần mềm này sẽ trở thành một vấn đề nào đó. “Nó là một loại trí tuệ nhân tạo tăng cường, có thể đối phó với nhiều hơn các tình huống phức tạp để giúp con người đưa ra quyết định cuối cùng.”
Các hệ thống vũ khí tự hoạt động cũng là một mối lo ngại khác trong báo cáo này, mặc dù vậy, báo cáo cũng lưu ý rằng hiện Anh vẫn chưa có khả năng để làm các vũ khí tự hoạt động nào.
Tiềm năng của AI đang dần dần tiến vào ngành công nghiệp quốc phòng. Hải quân Hoàng gia Anh cho biết, mục tiêu cuối cùng của họ là phát triển một hệ thống AI được gọi là “Mind,” có thể xử lý thông tin phục vụ cho các hoạt động định hướng, hậu cần, y tế, kỹ thuật và bảo vệ không gian mạng.
“Hải quân Hoàng gia mong muốn sử dụng công nghệ AI để phát triển một hệ thống Mind nằm ở trung tâm điều khiển của các tàu chiến, để có thể nhanh chóng ra quyết định trong các kịch bản chiến đấu phức tạp và diễn biến nhanh.” Đại diện Hải quân cho biết trong buổi công bố thông tin.
Hải quân Hoàng gia hy vọng có thể biểu diễn các công nghệ thuộc dự án NELSON trong buổi Tập trận về Chiến binh Thông tin vào mùa xuân năm 2017.
“Tôi tin rằng AI này – cũng như mọi lĩnh vực của khoa học máy tính – là một công nghệ có thể giúp các bạn giải quyết những vấn đề phức tạp tốt hơn. AI là một bước tiến xa hơn khi cho phép các máy móc và con người có thể làm việc cùng nhau như một đội.” Ông Hook nói tờ The Register.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.