Đường vành đai 3 trên cao qua địa phận quận Hoàng Mai. Ảnh: Phạm Hùng |
Cơ sở hạ tầng của Hà Nội đang phải "gánh" một lượng phương tiện giao thông quá lớn - hơn 6 triệu chiếc xe các loại. Quá tải hạ tầng dẫn đến tình trạng UTGT diễn ra ở khắp cửa ngõ Thủ đô, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung; khiến TP mất đi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Cùng với đó, khí thải từ phương tiện giao thông đang đe dọa bầu không khí của Hà Nội, mức độ ô nhiễm đã tới ngưỡng cảnh báo.
Hạn chế sự gia tăng phương tiện, giảm áp lực giao thông đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng đối với cả chính quyền lẫn người dân Hà Nội. Mặt khác, khoảng cách giữa tốc độ phát triển hạ tầng và gia tăng phương tiện lại quá lớn. Nếu tiếp tục với đà diễn biến như hiện nay, Hà Nội có thể sẽ phải đối diện với thực tế “vỡ trận” về giao thông cũng như môi trường. Vì vậy, tất yếu TP phải quyết liệt xây dựng, vận dụng hiệu quả các chính sách phù hợp nhằm giải quyết vấn đề trên. Việc sử dụng biện pháp kinh tế, cụ thể là thu phí bảo vệ môi trường và lưu thông vào khu vực có nguy cơ UTGT cao đối với các phương tiện giao thông được ví như hành động siết “phanh” chính sách giúp giảm bớt áp lực giao thông đang đè nặng lên TP từng ngày. Nói cách khác, TP không cấm, người dân có thể sử dụng phương tiện cá nhân để đi vào các điểm này nếu chấp nhận trả thêm phí.
Còn khoản phụ thu bảo vệ môi trường sẽ được dùng để đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường của TP. Mặt khác, nó cũng sẽ có những tác động đến quyết định lựa chọn phương tiện di chuyển của người dân, qua đó góp phần hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân trên địa bàn TP. Nếu lựa chọn di chuyển bằng xe riêng, bất cứ người dân nào cũng cần nhận thức được rằng mình đang tạo thêm một phần áp lực cho cả mạng lưới giao thông lẫn bầu không khí của Hà Nội. Nhưng nếu lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chẳng những không mất phí mà còn được TP “trợ giá” và góp phần thiết thực giải quyết những khó khăn chung của cả đô thị Hà Nội.
Nhiều đô thị lớn trên thế giới đã áp dụng một cách có hiệu quả giải pháp này từ lâu. Hà Nội muốn trở thành một TP văn minh, hiện đại, phát triển và đáng sống cũng sẽ phải áp dụng nhiều giải pháp nhằm hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân. Bởi vậy, cần nhìn nhận một cách rõ ràng rằng, giải pháp thu phí phương tiện vào khu vực có nguy cơ UTGT cao không nhằm mục đích kinh tế. Nó chỉ đơn thuần nhằm giảm mạnh UTGT, bảo vệ bền vững môi trường sống.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.